Trong hội thảo trực tuyến về Quản lý các yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, một số chuyên gia đã đưa ra đề xuất giảm tốc độ phương tiện trong khu đông dân từ 50km/h xuống 30km/h. Đề xuất này lập tức thu hút sự chú ý của dư luận, nhiều người phàn nàn "tốc độ này ngang bằng với đi bộ", một số ý kiến thì lại lo lắng về vấn đề lãng phí nhiên liệu, cơ sở hạ tầng...
Sẽ thế nào nếu xe "bò" với tốc độ 30km/h?
Nhìn nhận về đề xuất trên, ngày 12/8, ông Đỗ Văn Bằng - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, sau năm 2016, biên độ của tốc độ trên đường trường lẫn đường trong đô thị có dải phân cách và đường đô thị không có dải phân cách đã được nới rộng.
Cụ thể, theo ông Bằng: "Trong nội đô, đường 2 chiều có dải phân cách cứng (bục bê tông, rào chắn, vườn hoa cây xanh) tốc độ tối đa là 60km/h, đường không có dải cứng (vạch kẻ) tốc độ tối đa là 50km/h. Khi tốc độ được nâng lên thì số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm chứ không hề tăng lên so với thời điểm trước đó".
Trong khi đó, số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia từ 2016 trở lại đây cho thấy, số vụ TNGT đều giảm qua các năm. Đơn cử, số vụ TNGT năm 2020 giảm 3.111 vụ (giảm 17,6%) so với năm 2019.
"Từ số liệu này có thể thấy số vụ tai nạn trong đô thị và các vụ tai nạn nói chung không gia tăng với hai tốc độ này, trong khi đó số lượng phương tiện tăng đột biến trong các năm gần đây", ông Bằng nhấn mạnh và cho rằng muốn kiềm chế TNGT phải chú trọng vào ba vấn đề: Một là tốc độ, hai là tuyên truyền nâng cao ý thức, ba là chế tài xử phạt.
TNGT hiện nay có nhiều nguyên nhân gây ra nên không thể hiểu chỉ giảm tốc độ mà giảm được số vụ tai nạn.
Đặt giả thuyết về việc các phương tiện đi với tốc độ tối đa 30km/h, ông Bằng cho rằng sẽ có rất nhiều hệ lụy, bởi hiện nay, hạ tầng trong các đô thị được đầu tư rất tốt, các đô thị lớn đều có vành đai hai, vành đai ba. Các xe liên tỉnh đã đi ra đường tránh để đảm bảo cho nội đô thông thoáng.
Trong khi đó, đường nội thị, nội thành của các thành phố lớn hầu như đã có dải phân cách cứng hết, đường hỗn hợp là cực kỳ ít. Với sự gia tăng phương tiện và mật độ giao thông như hiện tại mà giảm xuống đi 30km/h thì quả là thảm họa vì với tốc độ đó sẽ rất chậm chạp, gây ra ùn tắc và lãng phí vô cùng lớn. Rồi khi đi vào nội đô thì sẽ dồn lại ở cửa ngõ khiến giao thông hỗn loạn.
"Đặc biệt, nhà nước và các thành phố đầu tư rất nhiều tiền của vào hạ tầng giao thông để tăng lưu lượng, tăng tốc độ mà giờ lại kéo xuống tốc độ 30km/h thì rất bất cập", ông Bằng phân tích.
Ngoài ra, theo ông Bằng, phải kể đến việc, nếu đề xuất này thành hiện thực thì sẽ kéo theo những khoản chi phí lớn như thay biển báo, cập nhật luật. "Quan trọng nhất hiện nay là ý thức người dân đang được nâng lên, phương tiện tiên tiến hơn, đường sá mỗi ngày đều được đầu tư, cải tạo. Trong bối cảnh đó mà chỉ lái xe đi với tốc độ 30km/h thì thật khó tưởng tượng. Quả là một sự tụt lùi", ông Bằng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm (Đội CSGT số 1 - Công an TP. Hà Nội) nêu ý kiến: Ở nước ta, tuyến đường ở khu vực đông dân cư không chỉ có ở nội đô, mà còn phải kể đến tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, qua thị trấn, thị xã.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm (Đội CSGT số 1 - Công an TP. Hà Nội) (Ảnh: NVCC)
"Nếu giảm chung như giả thiết thì chắc chắn sẽ dẫn đến ùn tắc. Số vụ tai nạn không thể giảm mà có khi còn tăng thêm. Khi bị ùn tắc lại thì khó giữ được khoảng cách an toàn. Khi khoảng cách không được đảm bảo thì việc giảm tốc độ như đề xuất này lại gián tiếp dẫn tới TNGT", ông Quỹ nói.
Thượng tá Quỹ lấy ví dụ, ở những tuyến đường tỉnh lộ, qua khu vực đông dân cư, giao thông thưa thớt, xe đang ở tốc độ cho phép 70 - 80km/h mà khi vào khu vực đông dân cư phải giảm xuống đến 30 thì chắc chắn sẽ gây ra ùn tắc cục bộ.
Bình luận về tốc độ tối đa trong khu đông dân 50km - 60km/h như hiện nay, Thượng tá Quỹ cho rằng, đây là tốc độ phù hợp để khi lái xe, tài xế có thể quan sát được các phương tiện đi ngược chiều, các phương tiện ở đường ngang ngõ tắt, khi có sự cố thì có thể xử lý, tránh được ùn tắc.
Ở tốc độ cao hơn thì khó xử lý nhưng ở tốc độ tối đa 50km/h cộng với khả năng quan sát và đảm bảo khoảng cách an toàn thì người lái xe sẽ làm chủ được tay lái. "Vậy nên, tôi vẫn luôn nhấn mạnh điều cốt yếu là ý thức người tham gia giao thông. 30km/h mà không quan sát cẩn trọng thì tai nạn vẫn có thể xảy ra", vị này cho hay.
Sẽ gây cản trở với toàn bộ nền kinh tế
Đồng tình với quan điểm không nên giảm tốc độ xe chạy trong đô thị, TS.Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, việc này sẽ là rào cản, gây cản trở toàn bộ nền kinh tế.
Hiện nay ở khu đông dân cư ở nước ta còn bao gồm các tuyến đường dọc tỉnh lộ, quốc lộ. Việc hạn chế tốc độ xuống dưới 30km/h sẽ cực kỳ gây cản trở cho hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách toàn quốc.
TS.Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình (Ảnh: ĐH Quốc gia HN)
Đặc thù của giao thông Việt Nam là các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ vừa mang tính chất là giao thông huyết mạch liên tỉnh, vừa kiêm thêm giao thông sinh hoạt địa phương.
Cho nên, nếu đem chấm điểm đông dân cư trên bản đồ thì sẽ thấy chi chít các điểm trên các tuyến đường. "Tất cả các điểm đó mà đi 30km/h thì sẽ gây ách tắc rất lớn. Vậy nên, tôi không đồng tình với đề xuất này. Theo tôi, nên tuyên truyền để người dân ở các điểm đông dân cư biết cách bảo vệ mình trước những nguy cơ mất an toàn giao thông, nâng cao ý thức người cầm lái… chứ không nên giảm tốc độ xuống mức 30km/h như vậy", ông Bình cho biết.
Cựu cảnh sát giao thông: Người đề xuất đã đi thử tốc độ 30km/h chưa?
Là người từng tham gia điều tiết giao thông, xử lý vi phạm trên đường phố Thủ đô, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho rằng: "Không rõ khi đề xuất họ đã đi với tốc độ ấy chưa? Khi trải qua thực tế thì mình mới có những cách tổ chức giao thông phù hợp được.
Nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia và điều tra cơ bản với đối tượng là những người thường xuyên lái xe đi trên các tuyến đường, xem đi như vậy, giảm như vậy thì tốc độ có gây ảnh hưởng tới giao thông bình thường không?".
Theo Thượng tá Quỹ, việc có dẫn tới TNGT hay không chủ yếu nằm ở ý thức của người điều khiển phương tiện. Ý thức của con người khi tham gia giao thông tác động trực tiếp tới việc tăng hoặc giảm số vụ tai nạn. Nếu không có ý thức chấp hành thì mọi quy định đều trở nên vô nghĩa.
Với kinh nghiệm của người từng điều tiết giao thông, ông Quỹ cũng cho rằng: "Không thể đảm bảo cứ giảm từ 50km/h xuống 30km/h thì sẽ đảm bảo giảm số vụ TNGT. Thực tế cho thấy, nếu ở trong nội đô vào giờ cao điểm, vào những tuyến đường nhỏ hẹp có lưu lượng người tham gia giao thông cao thì có cho đi 30km/h hay thấp hơn người dân cũng không đi nổi.
Thực tế, nhiều người dân cứ thấy cảnh sát giao thông thì chấp hành, còn vắng mặt lực lượng này thì lại mặc sức vi phạm, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người theo quy định, uống rượu lạng lách… Vậy để người dân biết 'sợ' thì nên tận dụng sự phát triển của công nghệ 4.0, lắp đặt 'mắt thần' là các camera giám sát để phát hiện vi phạm, xử phạt thật nghiêm, thay vì giảm tốc độ cưỡng bức", Thượng tá Quỹ phân tích.
SONG ANH
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ