Thông tin “không cho người dân di chuyển trong 7 ngày” là giả mạo
Chánh Trung
(KTSG Online) - Tối ngày 12-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM khẳng định, thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về việc “không cho người dân di chuyển trong 7 ngày” là giả mạo.
Thông tin lan truyền trên mạng xã hội được xác định là giả mạo. Ảnh: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM |
Theo đó, từ sáng ngày 12-8, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin có nội dung: “Bí thư TP chỉ đạo: Sẽ ko cho người dân di chuyển trong 7 ngày, ở nhà sẽ ở nhà 7 ngày, đi làm công sở thì ở công sở 7 ngày, đi làm phân xưởng thì ở phân xưởng 7 ngày;... Cơ bản không để cho người dân di chuyển trong 7 ngày...".
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, đây là thông tin giả mạo. Hiện các cơ quan chức năng đang tập trung phối hợp, khẩn trương xác định và xử lý đối tượng tung tin giả mạo trên theo đúng quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM lưu ý, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc, xấu độc nhằm gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Vì vậy, người dân cần theo dõi, nắm bắt thông tin qua các kênh thông tin chính thống; không chia sẻ các thông tin chưa được xác thực.
Tại thành phố Nha Trang cũng rộ tin giả "không cho người dân di chuyển trong 7 ngày". Khoảng trưa 12-8, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin: "Sẽ không cho người dân di chuyển trong 7 ngày, ở nhà sẽ ở nhà 7 ngày, đi làm công sở thì ở công sở 7 ngày, đi làm phân xưởng thì ở phân xưởng 7 ngày; sẽ cho người dân và cơ quan chuẩn bị 4 ngày. Đúng 8 giờ sáng thứ 2 tuần sau, án binh bất động toàn TP - Từ đây đến hết tháng 8 - Cơ bản không để cho người dân di chuyển trong 7 ngày. Ngày mai các sở ngành chuẩn bị phương án cho việc thực hiện"…
UBND thành phố Nha Trang khẳng định không có việc Nha Trang chỉ đạo "sẽ không cho người dân di chuyển trong 7 ngày…". Thông tin lan truyền trên mạng xã hội là thông tin không chính xác. Đề nghị người dân cẩn trọng đối với các thông tin không chính thống, hoang mang, đổ xô đi mua sắm tăng nguy cơ dịch bệnh.
Mời xem thêm:
Bác bỏ thông tin sai sự thật 'Covid-19 là vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ'
Thông tin bác sĩ 'nhường máy thở của người thân để cứu sản phụ' là hư cấu
TPHCM bác tin đồn 'cấm người dân ra ngoài, ngưng tất cả ngành nghề'
Xem thêm: lmth.oam-aig-al-yagn-7-gnort-neyuhc-id-nad-iougn-ohc-gnohk-nit-gnoht/014913/nv.semitnogiaseht.www