vĐồng tin tức tài chính 365

Nói đùa trên mạng xã hội: Coi chừng bị phạt hành chính

2021-08-13 10:42

Vừa qua, cộng đồng mạng đã xôn xao với clip TikTok của một cô gái với nội dung “Tại sao tôi vẫn đi vòng quanh Hà Nội được khi có chốt á, đoán xem” nhằm mục đích câu view.

Nói chơi nhưng bị phạt thật

Được biết hành vi thông tin trên nền tảng TikTok về câu chuyện “đi vòng quanh Hà Nội” nhờ vào tấm “thẻ đỏ quyền lực” sau đó đã được các cơ quan chức năng xác minh là sai sự thật.

Cô gái cũng đã bị Công an quận Cầu Giấy xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) với số tiền 12,5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân. Căn cứ xử phạt được thực hiện theo Nghị định 15/2020 ngày 3-2-2020 (quy định XPVPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử).

Đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng mạng xã hội chứng kiến kiểu đưa thông tin sai sự thật như thế trong bối cảnh cả nước đang gồng mình đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Nói đùa trên mạng xã hội: Coi chừng bị phạt hành chính - ảnh 1
Cô gái khoe trên mạng xã hội về “thẻ đỏ quyền lực” (ảnh nhỏ) đang làm việc với công an. Ảnh: BTP

Sự tình vốn có thể sẽ được cho qua nếu cả nước đang trong trạng thái bình thường, như khi chưa có dịch COVID-19. Tuy nhiên, khi cả nước đang bước vào cuộc chiến với dịch bệnh thì những thông tin sai sự thật kiểu như trên (và các tin giả tương tự) lại trở nên vi phạm pháp luật. Nó có thể gây tâm lý hoang mang cho xã hội, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến công cuộc phòng chống dịch.

Lý do là bởi các hành vi này sẽ kéo theo thái độ không tin tưởng vào các quyết sách của Nhà nước. Cụ thể, chuyện “bốc phét” của cô gái về việc được thông các chốt chặn ở Hà Nội nhờ vào “tấm thẻ đỏ quyền lực” có thể làm cho dư luận hiểu sai là các chốt chặn đã làm việc tắc trách, không cẩn thận để lọt người; hoặc người có thẩm quyền đã cấp sai “thẻ đỏ” cho người không có nhiệm vụ nhờ vào mối quan hệ hoặc lợi ích nào đó.

Hơn nữa, chính sách giãn cách xã hội, ra đường khi thật sự cần thiết hay những quyết định khác có liên quan của Nhà nước trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp có thể bị “lung lay” do người dân không còn tin tưởng vào các biện pháp chống dịch - bởi xuất phát từ các hành vi vi phạm như việc tung tin giả.

Sự việc tưởng nhỏ nhưng hậu quả của nó lại không hề nhỏ chút nào do tốc độ lan truyền của mạng xã hội làm cho những câu chuyện được tô vẽ, được “share” với tốc độ chóng mặt. Điều này sẽ tác động đến một bộ phận không ít người dân, làm cho những hành vi tưởng chừng vô hại lại trở nên nguy hiểm cho xã hội, cho Nhà nước.

Tính chất nguy hiểm của lời nói đùa, nói sai sự thật cũng đã được các cơ quan truyền thông, báo chí cảnh báo liên tục trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh.

Chuyện tưởng nhỏ nhưng hậu quả pháp lý khôn lường

Thế giới từng chứng kiến trường hợp một người khi vừa lên máy bay đã nói vui rằng trong người mình có bom. Nếu câu nói này được nói vui tại nhà với những người trong gia đình hẳn đã không có chuyện gì xảy ra. Nhưng với máy bay, câu nói này đã làm nhiều người hoảng loạn, chuyến bay phải bị tạm hoãn để điều tra, rà soát. Pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định nhằm răn đe những câu nói vui tai hại kiểu như thế này.

Cụ thể, hành vi vừa nêu sẽ bị phạt theo Điều 24 Nghị định 147/2013 (quy định về XPVPHC trong lĩnh vực hàng không dân dụng) do có hành vi tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn… xâm phạm an ninh hàng không. Ngoài ra, Điều 278 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về tội cản trở giao thông đường không cũng điều chỉnh hành vi tương tự trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

Trở lại câu chuyện đăng tin sai sự thật trên mạng, pháp luật đã có những quy định rất cụ thể từ dân sự đến hành chính và hình sự về các hành vi thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, xã hội và Nhà nước.

Có thể đơn cử một vài quy định tiêu biểu như: Điều 34 BLDS năm 2015 về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân; Điều 101 Nghị định 15/2020 XPVPHC về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật; Điều 155 và 156 BLHS về tội làm nhục người khác và tội vu khống...

Tóm lại, nói chơi, nói đùa nhằm giải trí không phải là hành vi xấu nhưng khi được thực hiện trong một bối cảnh “không bình thường” như hiện nay, đặc biệt là trên phương tiện mạng xã hội thì các hành vi này lại trở nên vô cùng “bất thường” và nguy hiểm. Nó không những bị xã hội lên án mà còn phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi. Nói vui nhưng lại không vui là vậy!

 

Nhiều người bị xử phạt vì đăng tin sai về COVID-19

- Mới đây, Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã ra quyết định XPVPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử số tiền 7,5 triệu đồng đối với Lý Minh V. (39 tuổi, quê Quảng Nam, ngụ xã Vĩnh Lộc A).

Mặc dù đã nhận tiền hỗ trợ đợt 1 từ UBND xã Vĩnh Lộc A là 1,5 triệu đồng nhưng V. vẫn cố tình đăng tải trên trang fanpage “TLDVL” với nội dung “bắc thang lên hỏi ông trời chứ tiền hổ trợ có đòi được không” và lồng ghép hình ảnh một người đang leo cầu thang hướng lên trời.

Ông V. thừa nhận đăng tải nội dung trên chỉ là để “cho vui”, ngoài ra không có mục đích gì khác. Tuy nhiên, dòng trạng thái trên gây hiểu lầm, phản ứng tiêu cực đối với người xem, làm ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền địa phương.

- Ngày 9-8, Nguyễn Văn Tú (SN 1993, trú xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) bị xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt trên mạng xã hội liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trước đó, Tú đến một phòng khám đa khoa tư nhân để xét nghiệm nhanh COVID-19 và có kết quả âm tính. Tú chụp lại phiếu thông báo kết quả xét nghiệm rồi chỉnh sửa từ “âm tính” sang “dương tính” và đăng tải lên hai nhóm Zalo “Những con lươn” và “Hàng nhập npp” nhằm mục đích trêu đùa các thành viên trong nhóm. Ngay sau đó, hình ảnh trên đã được chia sẻ rộng trên mạng xã hội Zalo gây hoang mang dư luận.

Căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với Tú.

- Ngày 3-8, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Cần Thơ đã ra quyết định XPVPHC đối với LMP (SN 1983, trú huyện Phong Điền) 7,5 triệu đồng về hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.

P. dùng Facebook cá nhân tên “Độc Cô Cầu Bại” để đăng tải clip về một đối tượng điều khiển xe máy không biển số, không đội mũ bảo hiểm và tự nói bản thân mắc COVID-19. P. khai tất cả nội dung, hình ảnh trong clip do mình tự dàn dựng, quay, cắt ghép và không đúng sự thật. P. đăng tải đoạn clip nói trên chỉ nhằm câu view, câu like.

- Cuối tháng 7, một phụ nữ ở Gia Lai bị phạt 5 triệu đồng vì hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về dịch COVID-19. Trước đó, chị V. (SN 1983, trú TP Pleiku, làm nghề bán hàng online) đăng trên Facebook cá nhân (có hơn 8.000 lượt người theo dõi) dòng trạng thái với nội dung: “Theo nguon tin dang tin cay. Gia Lai minh mot truong hop duong tinh covid tai gia trung. Mang yang. Chac chet”. Tại buổi làm việc, chị V. đã thừa nhận việc đăng thông tin trên là sai sự thật.

Xem thêm: lmth.6977001-hnihc-hnah-tahp-ib-gnuhc-ioc-ioh-ax-gnam-nert-aud-ion/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nói đùa trên mạng xã hội: Coi chừng bị phạt hành chính”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools