Ngày 13/8, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng , cho biết Sở vừa có cuộc họp với các đơn vị, doanh nghiệp về nguồn cung ứng hàng hoá cho thị trường trong những ngày tới. Bà Phương cho hay các doanh nghiệp đảm bảo đủ nguồn cung cho người dân Đà Nẵng.
Tuy nhiên, bà Phương thừa nhận trong sáng 13/8, tại một số chợ trên địa bàn có xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ các mặt hàng lương thực, thượng phẩm.
Nhân viên bảo vệ tại chợ Mới (quận Hải Châu) quét mã QR của người dân. Theo ghi nhận từ máy quét QR của tổ bảo vệ Chợ Mới, đến 8 giờ ngày 13/8, ghi nhận hơn 1.100 lượt người vào chợ, đông gấp 2 lần so với ngày thường. “Người dân đi chợ từ lúc 4 giờ, rất đông, không khác gì chợ Tết. Chúng tôi kiểm soát chặt người vào chợ, ai không có thẻ, cương quyết không cho vào”, nhân viên bảo vệ cho biết.
Giá thịt cá, tôm cũng tăng cao so với ngày thường. Cụ thể, tôm loại trung thường ngày có giá 150.000-170.000 đồng/kg tăng lên 200.000 -220.000 đồng/kg.
Thịt heo cũng tăng giá đáng kể so với ngày thường khi thịt vai được bán mức 160.000-170.000 đồng/kg. Giá rau tăng gấp đôi so với ngày thường, người dân không dám mặc cả vì hàng hóa thiếu hụt
Quầy hàng rau củ quả đông nghẹt người mua. Giá các mặt hàng rau củ tăng chóng mặt nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Chị Lê Thị Hương (trú quận Hải Châu) cho biết, hôm nay giá rau củ tăng gấp đôi so với ngày thường nhưng những người đi muộn không có để mua. “Bó rau cải ngày thường chỉ 6-8.000 đồng nhưng hôm nay lên đến 15.000 đồng, tăng gấp đôi nhưng vẫn phải mua” - chị Hương nói.
Bà Phan Thị Thông, tiểu thương sạp rau tại Chợ Mới, cho biết sáng nay mỗi loại rau tại sạp được tăng giá hơn 5.000 đồng/loại. Lý giải điều này, bà Thông cho hay do chợ đầu mối Hòa Cường phải tạm dừng hoạt động khiến nguồn cung hàng cho các tiểu thương tại chợ truyền thống bị thiếu hụt.“Ngày thường tôi bán đến 12 giờ mới hết hàng, hôm nay chỉ mới 9 giờ sáng mà hàng rau đã không còn gì. Dù rau xanh từ Quảng Nam vẫn còn nhiều nhưng chợ đầu mối bị phong tỏa khiến vận chuyển hàng hóa khó khăn, không đủ hàng để bán” – bà Thông nói.
Ghi nhận tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu), giá các loại thịt cá cũng tăng khoảng 30 đến 50% so với ngày thường. Cá bớp 350.000 đồng/1kg, thịt bò 350.000 đồng/1kg... Tuy nhiên, đến 9 giờ cùng ngày, nhiều sạp hàng đã hết sạch. Các tiểu thương cho hay người dân đổ xô đi chợ từ sáng sớm nên đến khoảng 7,8 giờ sáng là đã bắt đầu hết hàng.
Người dân đổ xô đi mua hàng khi có thông tin nếu trong 4 ngày tới, dịch không giảm thì Đà Nẵng sẽ áp dụng biện pháp quyết liệt hơn, trong đó đặc biệt là "người dân tuyệt đối không ra đường trong 7 ngày".
Nhiều người mua rau củ với số lượng lớn ngay từ sáng sớm để dự trữ trong nhiều ngày.
Những người đi chợ muộn đành chấp nhận mua được số hàng ít ỏi.
Tại siêu thị Coop Mart (đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê), người dân cũng tập trung xếp hàng dài từ hầm gửi xe lên tới khu mua sắm.
Lối vào chính của siêu thị được khoá lại, nhằm phân luồng một lối ra vào, thuận tiện cho nhân viên bảo vệ kiểm soát khách. Người dân trật tự ngồi chờ theo ghế được bố trí đảm bảo giãn cách. Siêu thị chỉ phục vụ 20 khách mua hàng 1 lúc. Theo thứ tự cứ 5 khách đi ra sẽ có 5 khách đi vào.
Nhờ việc điều tiết từ "đầu vào", khu vực mua sắm thông thoáng. Hàng hoá cũng đầy các kệ. Khách đến siêu thị chủ yếu lựa chọn mua rau, củ, thức ăn nhanh... Các mặt hàng rau củ quả tại siêu thị Coop Mart đủ cung ứng cho người dân.
Ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, cho biết, nguồn hàng hiện tại được chuẩn bị từ trước để bán cho người dân như thông thường. Lượng khách có tăng lên gấp đôi so với những ngày trước nhưng việc phục vụ vẫn đảm bảo.
Trước đó tại kỳ họp thứ 2, HĐND khoá X ngày 12/8, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, khẳng định nếu phải áp dụng biện pháp quyết liệt hơn, thành phố cũng đã có phương án về công tác cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân.
"Cử tri và nhân dân thành phố hãy yên tâm, nếu Đà Nẵng thực hiện quyết liệt hơn với những biện pháp nêu trên thì thành phố vẫn đảm bảo các điều kiện về cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Người dân không nên lo lắng về điều này, không phải ồ ạt đi mua, dự trữ lương thực.
Tôi mới nhận được thông tin vào sáng nay một số người dân nghe được thông tin và tỏ ra lo lắng nên đến các siêu thị tập trung mua hàng. Đây là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Người dân và cử tri hết sức lưu ý thực hiện các biện pháp phòng dịch như hiện nay", ông Quảng nói.
Đình Thức
Trí thức trẻ