Tin nhắn VinaPhone Hậu Giang nhắn cho khách hàng vào sáng 13-8 - Ảnh: T.T.
Ngày 13-8, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Hậu Giang đã phải ra công văn phối hợp đính chính thông tin trên tin nhắn có nội dung chưa chính xác.
Theo đó, sáng cùng ngày, một số thuê bao di động (VinaPhone) trên địa bàn tỉnh nhận được tin nhắn có nội dung: "Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội, vượt qua khó khăn, quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch COVID-19. Trân trọng cám ơn!".
Một số khách hàng sử dụng mạng VinaPhone cho biết khoảng hơn 8h nhận được tin nhắn như trên từ nhà mạng, dù chưa nghe thông tin chính thức về việc địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.
Theo Sở Thông tin và truyền thông, hiện tại UBND tỉnh Hậu Giang chưa có chỉ đạo gì mới liên quan đến giãn cách xã hội, do đó đây là thông tin chưa chính xác, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Qua xác minh bước đầu, vụ việc sơ suất do lỗi kỹ thuật của Viễn thông Hậu Giang (VNPT Hậu Giang).
Sở mong người dân bình tĩnh và không hoang mang đối với các thông tin không chính thống trên mạng xã hội, không chia sẻ và lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quốc Việt - giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Hậu Giang - cho biết có 60.000 thuê bao nhận được thông tin trên. Theo ông Việt, lỗi do VNPT Hậu Giang không rà soát, đối chiếu lại thông tin mà tỉnh gửi qua để nhắn cho thuê bao VinaPhone.
"Nhắn thêm 1 tin nhắn nữa để nhắc nhở, nhưng không ngờ khách hàng hiểu nhầm cộng thêm 14 ngày nữa", ông Việt nói và cho biết sẽ trao đổi với Sở Thông tin và truyền thông xem có phải nhắn lại tin khác để đính chính hay không.
VinaPhone, Viettel và MobiFone là 3 nhà mạng cung cấp dịch vụ tin nhắn liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Hậu Giang.
TTO - Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM khẳng định, thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về việc “không cho người dân di chuyển trong 7 ngày” là giả mạo.