Cầm đầu đường dây buôn lậu vàng, đường, quần áo…
Trước đó, Mười Tường đã bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 51kg vàng 9999 qua biên giới.
Trong qua trình xác minh, điều tra mở rộng các vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang tiếp tục xác định vai trò chủ mưu, cầm đầu của Mười Tường ở 2 vụ án khác.
Cụ thể, vụ thứ nhất, sau khi tiếp nhận vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” liên quan đến 470.000 USD từ Campuchia về Việt Nam (do Bộ đội Biên phòng An Giang chuyển điều tra theo thẩm quyền), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã khởi tố 4 bị can liên quan đến vụ án gồm: Phạm Thanh Sang (Sang ma cây, SN 1982), Nguyễn Văn Lê (SN 1984), Hồ Tuấn Linh (SN 1981) và Nguyễn Văn Minh (SN 1991, cùng ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú) - là các đối tượng trực tiếp thực hiện vụ vận chuyển trái phép số ngoại tệ trên.
Qua đấu tranh, cả 4 bị can này đều khai nhận Mười Tường là kẻ chủ mưu, cầm đầu.
Ngoài vụ vận chuyển trái phép gần nửa triệu USD trên, các bị can còn khai nhận từ năm 2018 cho đến khi bị bắt, Mười Tường đã nhiều lần chỉ đạo Sang điện thoại cho các bị can qua Campuchia nhận tiền USD đem về cho ả. Mỗi phi vụ, từng đối tượng được trả công từ 3-5 triệu đồng.
Vụ thứ hai, ngày 23-12-2018, tổ công tác Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cùng các lực lượng phối hợp phát hiện và bắt quả tang 4 đối tượng là Nguyễn Văn Dũng (SN 1981), Lê Văn Điện (SN 1980), Trần Văn Tánh (SN 1994) và Nguyễn Văn Lình (SN 1977, cùng ngụ huyện An Phú) đang điều khiển ghe trên sông thuộc xã Phú Hội chở hàng lậu.
Cụ thể, ghe của Dũng vận chuyển 106 bao đựng quần áo, giày, túi xách; ghe của Điện vận chuyển 400 bao đường cát trắng; ghe của Lình vận chuyển 498 bao đường cát trắng; ghe của Tánh vận chuyển 499 bao đường cát trắng. Tổng trị giá hàng hóa hơn 1 tỷ đồng.
Ngày 28-12-2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Dũng, Điện, Lình và Tánh về tội “Buôn lậu”.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 30-1-2019, đơn vị này ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Võ Minh Phương, Trần Công Tới và Bùi Văn Miền về tội “Buôn lậu”. Tuy nhiên các đối tượng đã bỏ trốn nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã.
Đến ngày 11-9-2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bàn giao hồ sơ, bị can, vật chứng vụ án trên cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang để điều tra theo thẩm quyền. Sau đó đơn vị này đã thay đổi tội danh các bị can có liên quan đến vụ án từ tội “Buôn lậu” qua tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Và vào 17-1-2020, các bị can Dũng, Điện, Lình và Tánh đã bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang phạt mỗi bị cáo mức án 2 năm tù. Đến tháng 4-2020, 3 bị can Miền, Phương và Tới đã đến Công an xã Đa Phước đầu thú.
Đến ngày 5-2-2021, TAND tỉnh An Giang đưa 3 bị cáo Phương, Tới, Miền ra xét xử sơ thẩm, nhưng tại phiên tòa các đối tượng đã thay đổi lời khai làm phát sinh nhiều tình tiết mới liên quan đến Nguyễn Hoàng Út (tức Út Mạnh, SN 1971, em ruột Mười Tường). Đây là đối tượng đã bị bắt vì liên quan đến đường dây vận chuyển trái phép 51kg vàng.
Nhóm này đã khai chính Út Mạnh là người thuê các bị cáo Phương, Tới, Miền và những người khác vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Sau đó, qua điều tra, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can Út Mạnh về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, các bị can đã khai nhận Mười Tường chính là chủ của số hàng hóa nhập lậu bị bắt quả tang vào ngày 23-12-2018. Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Mười Tường đã mua đường cát, quần áo, giày dép, túi xách từ Campuchia nhập lậu về Việt Nam bán kiếm lời với số tiền “khủng”.
Để thực hiện được việc này, Mười Tường đã giao cho em ruột là Út Mạnh trực tiếp đứng ra chỉ đạo toàn bộ đường dây vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Bà “trùm” trong vai “nhà từ thiện”
Từ năm 2003, Mười Tường đã nổi lên là một tay mua bán hàng qua biên giới lớn nhất tại xã Đa Phước, huyện An Phú. Lúc đó, Mười Tường có trong tay một đội quân cửu vạn khoảng 100 người chuyên vận chuyển hàng lậu, chủ yếu là ĐTDĐ. Đến năm 2005, Mười Tường bị Công an TPHCM bắt khẩn cấp khi đang lưu trú tại một khách sạn ở TPHCM.
Trước khi “bủa lưới” bà trùm này, tại TPHCM, cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp 7 đối tượng trong đường dây buôn lậu ĐTDĐ, gồm vợ chồng Nguyễn Thị Thùy Dương (cháu Mười Tường), Đỗ Văn Thuận, Nguyễn Đức Dũng, Trương Văn Quốc Việt, Lê Quang Nghiêm, Võ Lạc Giang Sơn và Lương Ngọc Hoa.
Tại hai điểm tập kết hàng lậu (nhà không số ở ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh và 66/40F Phan Huy Ích, P.15, Q.Tân Bình), công an thu giữ 406 chiếc điện thoại đời mới hiệu Sony Ericsson, Nokia, Samsung. Đặc biệt, có một chiếc xe Toyota 4 chỗ được Mười Tường cho thiết kế các ngăn bí mật chứa hàng lậu để chuyển từ An Giang lên TPHCM.
Theo điều tra, ĐTDĐ từ biên giới Campuchia, bằng nhiều cách, nhiều đường, được Mười Tường và vợ chồng Thùy Dương tổ chức đưa về tập kết tại các kho “ngoại quan” ở huyện An Phú. Sau đó đóng thành từng thùng, từng gói bí mật chở về TPHCM. Với mặt hàng điện thoại này, các đối tượng đã tổ chức buôn lậu hơn 3 năm với số lượng ước tính khoảng 30.000 cái.
Sau đó, Tòa án nhân dân TPHCM tuyên phạt bị cáo Mười Tường 6 năm tù về tội buôn lậu. Sau khi mãn hạn tù và trở về địa phương, Mười Tường vẫn chưa chịu hoàn lương mà tiếp tục hành nghề. Đến năm 2016, “đàn em” của Mười Tường đã nhiều lần bị bắt do tổ chức vận chuyển số lượng lớn đường cát qua biên giới, với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng.
Vài năm trở lại đây, Mười Tường bất ngờ giàu lên, có rất nhiều nhà mặt tiền, khách sạn, bất động sản ở TP.Châu Đốc và huyện An Phú. Từ đó người này đi làm từ thiện, phát quà cho các gia đình khó khăn. Không chỉ vậy, nhiều người nghèo không tiền chữa bệnh đến tận nhà xin tiền, bà này đã giúp đỡ rất tích cực, thậm chí mua xe cứu thương. Tuy nhiên theo cơ quan chức năng đó là hoạt động hòng che giấu hành vi phạm pháp và thao túng hoạt động buôn lậu.
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết: Các vụ án liên quan đến bị can Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) cùng đồng bọn là những vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, hoạt động thời gian dài, quy mô lớn trên tuyến biên giới. Tại phiên họp lần thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, thống nhất bổ sung các vụ án có liên quan đến Nguyễn Thị Kim Hạnh vào diện theo dõi và chỉ đạo. Vụ án đang được điều tra mở rộng. Quan điểm của Công an An Giang là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể là ai”, nếu có liên quan đều bị điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. |
Xem thêm: lmth.651811_hnad-iot-2-meht-ot-iohk-ib-gnout-ioum-murt-ab/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc