Giới học giả tại Bắc Kinh cảnh báo quan hệ Trung-Mỹ sẽ gặp vấn đề “chưa từng có” nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden mời nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn dự hội nghị quốc tế về dân chủ do Mỹ tổ chức, tờ South China Morning Post đưa tin hôm 13-8.
Hôm 11-8, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ mời hàng chục lãnh đạo thế giới tham gia một hội nghị trực tuyến mang tên “Diễn đàn vì Dân chủ” - một chương trình được cho là nỗ lực chống lại tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh - vào tháng 12 tới.
Ngày 12-8, cơ quan đối ngoại Đài Loan thể hiện mong muốn tham dự hội nghị này. Bà Trần Huệ Trân, cấp phó tại bộ phận phụ trách quan hệ với các nước Bắc Mỹ trong cơ quan này nói: “Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với chính quyền (Tổng thống Mỹ) Joe Biden để đảm bảo một suất tham dự hội nghị thượng đỉnh”.
Giới chức New York (Mỹ) chào đón ông Lý Đăng Huy (trái) sang thăm trường cũ - sự kiện khơi mào khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996. Ảnh: AFP
Ông Lữ Tường, chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, cảnh báo rằng sẽ có “hậu quả chưa từng có” nếu bà Thái được Mỹ mời dự diễn đàn trên.
“Tôi nghĩ điều này chắc chắn sẽ vượt qua ngưỡng thấp nhất (trong quan hệ với Mỹ - PV) của Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc sẽ không bao giờ dung thứ. Tôi tin rằng tình hình, nếu xảy ra, sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996” - ông Lữ nói.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Bàng Trung Anh thuộc Đại học Hải Dương Trung Quốc cho rằng hy vọng cải thiện quan hệ Trung-Mỹ sẽ tắt dần nếu Mỹ mời bà Thái tham gia diễn đàn.
Ông Bàng cho rằng “nếu ông Biden tiếp tục đi hướng này, sẽ có rất ít cơ hội cho hai nước (Mỹ-Trung) hàn gắn quan hệ trong năm nay” vì với Bắc Kinh, đây là vấn đề chủ quyền.
Năm 1995, nhà lãnh đạo Đài Loan lúc bấy giờ là ông Lý Đăng Huy đã sang thăm trường cũ là Đại học Cornell (bang New York, Mỹ) bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Sau đó, Quân đội Trung Quốc đã bắn tên lửa vào vùng nước xung quanh đảo Đài Loan như một lời cảnh báo. Đáp lại, Mỹ đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực và tàu sân bay Nimitz đi qua eo biển Đài Loan.
Bắc Kinh luôn tuyên bố Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và không chấp nhận bất kỳ nỗ lực đòi độc lập nào. Hôm 12-8, tân Đại sứ Trung Quốc tại Washington Tần Cương đã hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và nhấn mạnh rằng “Đài Loan là vấn đề quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung-Mỹ”.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan đã được cải thiện đáng kể dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và có vẻ chính quyền đương nhiệm của ông Biden sẽ tiếp tục duy trì chính sách này, theo South China Morning Post.
Tuần trước, chính quyền ông Biden đã phê duyệt hợp đồng bán 750 triệu USD vũ khí cho Đài Loan, trong đó có 40 đơn vị pháo tự hành. Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ đáp trả động thái này.
Hôm 13-8, Trung Quốc cảnh báo việc Mỹ và Đài Loan thảo luận về hợp tác tuần duyên, có thể bao gồm việc tập trận chung gần Đài Loan. Bắc Kinh cho rằng động thái này đang gửi thông điệp sai lệch cho các lực lượng ủng hộ sự độc lập của Đài Loan.
Ông Chu Phong, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho rằng phương Tây đang cố gắn vấn đề Đài Loan với các khái niệm “tự do và quyền con người” trong khi Đại sứ Tần cố gắng đưa ra thông điệp rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp”.
“Vấn đề Đài Loan đã đặt ra một thách thức lớn đối với quan hệ Trung-Mỹ và Mỹ cùng Trung Quốc cần phải thoát ra khỏi vòng xoáy xung đột về Đài Loan” - ông Chu cảnh báo.