Ở Mỹ doanh nghiệp không dễ buộc nhân viên tiêm ngừa Covid-19
Song Thanh
(KTSG) - Trong bối cảnh số ca lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng tại Mỹ, các doanh nghiệp nước này đang áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để gia tăng số lượng nhân viên tiêm vaccin, từ bắt buộc, khuyến khích cho tới thuyết phục. Nhưng biện pháp ép buộc là không dễ thực hiện.
Một nhân viên y tế ở Mỹ được chích vaccinie Covid-19. Ảnh: NYT |
Các doanh nghiệp khác biệt trong chính sách tiêm vaccin
Nhìn chung, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đều đồng ý rằng, họ cần có thêm nhiều nhân viên được tiêm vaccin ngừa Covid-19 đầy đủ để giữ cho các hoạt động kinh tế được duy trì một cách ổn định, trong bối cảnh số ca lây nhiễm liên quan đến biến thể Delta tại Mỹ đang gia tăng mạnh.
Tuy nhiên, giữa các doanh nghiệp lại đang tồn tại sự khác biệt về việc làm thế nào để thực hiện mục tiêu này một cách hiệu quả nhất. Trong khi một số doanh nghiệp vẫn đang treo những khoản thưởng lớn, hoặc áp dụng các chính sách ưu đãi khác để khuyến khích nhân viên tiêm, một số khác đã bắt đầu áp dụng các biện pháp mang tính bắt buộc.
Các hãng công nghệ tại Thung lũng Silicon đang là những cái tên dẫn đầu trong xu hướng “cứng rắn”. Microsoft mới đây đã yêu cầu toàn bộ nhân viên của hãng phải tiêm vaccin trước khi trở lại làm việc trong khi hai tên tuổi lớn khác là Google và Facebook cũng đưa ra yêu cầu tương tự. Nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến Netflix cũng đã triển khai chính sách tiêm chủng đối với diễn viên và đoàn làm phim trong các chương trình của mình.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác.
Khác với các công ty có môi trường làm việc chủ yếu ở văn phòng, nơi có không gian hạn chế, việc áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccin tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông lại tỏ ra phức tạp hơn.
Cứng rắn hơn cả có thể kể đến công ty chế biến và đóng gói thịt lớn thứ hai thế giới Tyson Foods. Ban lãnh đạo hãng mới đây đã yêu cầu tất cả các nhân viên của mình phải tiêm ngừa trước thời điểm 1-11-2021. “Chúng tôi không coi nhẹ vấn đề này”, Donnie King - Giám đốc điều hành của Tyson đã viết trong một bản ghi nhớ gửi tới khoảng 120.000 nhân viên của hãng tại Mỹ.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác lại quyết định lựa chọn một cách tiếp cận mềm mỏng hơn. Hãng bán lẻ Walmart hiện mới chỉ áp đặt các yêu cầu bắt buộc tiêm vaccin đối với khối nhân viên văn phòng và các quản lý cấp khu vực, nhưng không ràng buộc đối với các nhân viên làm việc tại cửa hàng. Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ tiêm chủng của Walmart hiện cao hơn đôi chút so với tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên toàn nước Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trong số hơn 1,6 triệu nhân viên làm việc trên toàn quốc, vẫn có tới hàng trăm ngàn nhân viên thu ngân, tài xế xe tải, nhân viên bốc xếp kho hàng và nhiều nhân viên tuyến đầu khác chưa tiêm vaccin.
Các nhà sản xuất lớn của Mỹ như General Electric, Caterpillar và ba hãng ô tô hàng đầu của Mỹ, đều cho biết không áp dụng quy định tiêm bắt buộc đối với đội ngũ nhân viên của mình.
Mối quan hệ tế nhị với người lao động
Các giám đốc điều hành đều có vô số cách để lý giải cho việc lựa chọn chiến lược vaccin của mình. Một số công ty muốn trấn an công chúng rằng, việc mua sắm tại các cửa hàng hay đến thăm các công viên giải trí của họ là rất an toàn. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác muốn ngăn ngừa việc dịch bệnh bùng phát hoặc sự vắng mặt của công nhân có thể làm tê liệt hoạt động sản xuất thêm một lần nữa. Cũng có những người khác muốn kết thúc giai đoạn làm việc từ xa và đưa nhân viên quay trở lại văn phòng.
Cho dù là mềm mỏng hay cứng rắn, các chiến lược này đều đi kèm với những rủi ro cho người sử dụng lao động, người lao động và khách hàng của họ, đồng thời định hình diễn biến của đại dịch tại Mỹ. Các công ty sử dụng cách tiếp cận mềm mỏng hơn có thể phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch tại nơi làm việc, trong khi những nỗ lực bắt buộc nhân viên tiêm vaccin có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất đi nhiều nhân viên, trong một thị trường việc làm vốn đã khá eo hẹp.
Một nguồn tin thân cận cho biết, các giám đốc điều hành của Walmart đã không đưa ra quy định tiêm cứng rắn đối với toàn thể nhân viên một phần là bởi những lo ngại về khả năng cạnh tranh trong việc thu hút người lao động với Amazon và các đối thủ khác - vốn không có chính sách bắt buộc nhân viên tiêm.
Snap-on Inc. - công ty sản xuất công cụ cao cấp có trụ sở tại Wisconsin cho biết, sẽ không áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccin, bởi theo giám đốc điều hành Nicholas T.Pinchuk, động thái này có thể sẽ phản tác dụng. “Tôi không nghĩ việc nói với các nhân viên rằng họ đã sai khi không tiêm vaccin là điều đúng đắn. Họ sẽ không phản ứng tích cực với điều đó”. Thay vào đó, ông Pinchuk cùng các cộng sự của mình cố gắng thuyết phục nhân viên bằng cách nói về những lợi ích của việc tiêm.
Các rào cản pháp lý
Các luật sư cho biết, nhiều công ty chưa muốn triển khai các quy định bắt buộc tiêm vaccin là bởi lo ngại những rào cản pháp lý.
Hồi tháng 5 vừa qua, Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng đã ban hành hướng dẫn cập nhật, nêu rõ, luật liên bang không ngăn cản chủ sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải tiêm phòng. Tuy nhiên theo ông Jim Paretti, luật sư tại Viện chính sách Nơi làm việc, công ty luật Littler Mendelson, đây không phải là một sự bật đèn xanh hoàn toàn.
Bởi theo Đạo luật về Người khuyết tật Mỹ và khoản VII của Đạo luật Dân quyền, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm cung cấp các điều kiện thích hợp cho những nhân viên không thể tiêm chủng vì lý do sức khỏe hoặc tín ngưỡng tôn giáo. Do đó, theo ông Paretti, các hành động ảnh hưởng đến một nhân viên đang mang thai từ chối tiêm chủng có thể bị coi là mang tính phân biệt đối xử.
Ngoài ra, các công ty có phạm vi hoạt động trên cả nước cũng có thể phải đối mặt với khó khăn vì một số bang có các quy định riêng liên quan đến vaccin đang chờ xử lý. Bà Jennifer Merrigan Fay, một luật sư về việc làm tại Goodwin Procter LLP, cho biết “bang Montana có luật quy định rằng, doanh nghiệp không thể bắt buộc nhân viên tiêm vaccin để đến nơi làm việc, nếu vaccin được cấp phép sử dụng khẩn cấp”. Bà Fay cũng cho biết thêm, những quy định tương tự cũng đang chờ được điều chỉnh tại Illinois, Idaho và North Carolina.
Một ví dụ cho sự phức tạp của các rào cản pháp lý có thể kể đến bang Texas. Thống đốc bang đã cấm bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào nhận tài trợ của tiểu bang áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccin đối với các nhân viên. Tuy nhiên, một thẩm phán liên bang tại chính bang Texas hồi tháng trước đã ra phán quyết ủng hộ hệ thống bệnh viện tư nhân lớn ở Houston trong vụ kiện liên quan đến quy định bắt buộc các nhân viên tiêm vaccin. Sau phán quyết, hơn 150 nhân viên của hệ thống bệnh viện này bị sa thải hoặc từ chức.
Sự tham gia của các nghiệp đoàn
Bên cạnh đó, các quy định của nghiệp đoàn cũng làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn, bởi các công ty sẽ phải thương lượng với các nghiệp đoàn nếu muốn áp dụng các biện pháp bắt buộc tiêm chủng cho người lao động là thành viên của các nghiệp đoàn đó. Trong trường hợp của Tyson, có tới 36.000 nhân viên - tương đương với một phần tư lực lượng lao động của hãng là thành viên nghiệp đoàn, hoặc nằm trong phạm vi của các thỏa thuận thương lượng tập thể.
Các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn đã phát đi những thông điệp trái chiều về việc bắt buộc tiêm vaccin. Trong khi một số đòi hỏi các quá trình thương lượng tập thể, một số khác lại công khai ủng hộ ý tưởng này.
Trong khi đó, các nghiệp đoàn đại diện cho người lao động của Walt Disney lại bày tỏ sự ủng hộ đối với việc hãng yêu cầu tất cả nhân viên và người lao động theo giờ phải đi tiêm phòng. Ông Eric Clinton - chủ tịch một nghiệp đoàn đại diện cho khoảng 8.000 người lao động tại Walt Disney World ở Orlando bang Florida cho biết, động thái này là một bước đi hợp lý để giữ cho người lao động được an toàn.
Nguồn: WSJ, CNN
Xem thêm: lmth.91-divoc-augn-meit-neiv-nahn-coub-ed-gnohk-peihgn-hnaod-ym-o/223913/nv.semitnogiaseht.www