Khi mắc COVID-19 vào bệnh viện điều trị, các bệnh nhân đều được các y bác sĩ nỗ lực theo dõi, chăm sóc, điều trị. Có nhiều gia đình cùng là F0 được bố trí một nơi điều trị, điều này giúp họ có điều kiện chăm sóc lẫn nhau - Ảnh: DUYÊN PHAN
Mới đây một sản phụ mang thai 38 tuần mắc COVID-19 đã "vượt cạn" thành công trong khu cách ly tập trung ký túc xá Trường ĐH Văn hóa (phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TP.HCM).
Theo các bác sĩ, điều may mắn của sản phụ này là có mẹ cũng là F0, được bố trí đi cùng vào khu cách ly tiện theo dõi chăm sóc.
Rạng sáng 2-8, sản phụ lên cơn đau bụng đột ngột, kèm băng huyết được người mẹ phát hiện thông báo khẩn cho các bác sĩ chuyển xuống phòng cấp cứu. Sau 15 phút chuyển dạ, một bé trai cân nặng 2,5kg chào đời.
Trong bối cảnh nguồn lực y tế tại các bệnh viện điều trị COVID-19 đang quá tải, một số người đặt vấn đề liệu người nhà có thể đi cùng F0 vào bệnh viện để chăm sóc?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Trần Chánh Xuân - giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi - cho biết hiện nay chưa có quy định để người nhà (khỏe mạnh) vào bệnh viện chăm sóc F0.
"Trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 rất phức tạp, mọi hoạt động đều phải tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt. Việc giải quyết cho người nhà không mắc COVID-19 vào chăm sóc F0 có thể tạo ra nhiều gánh nặng trong quản lý, đồng thời nguy cơ lây nhiễm rất cao" - bác sĩ Xuân nói.
Theo ông, tại bệnh viện có một số trường hợp người nhà đi cùng vào chăm sóc F0 (trẻ nhỏ hoặc người già) nhưng họ đều thuộc diện nghi nhiễm (test nhanh dương tính); không có trường hợp nào chưa mắc COVID-19 được vào để chăm sóc.
Ngoài ra có trường hợp trong cùng một gia đình khi xét nghiệm kết quả không xác định dương tính cùng lúc (người lớn mắc các bệnh nền bị trước, người trẻ khỏe bị sau). Nên khi chuyển đi cách ly điều trị mỗi người một nơi khác nhau.
"Các trường hợp này sau đó có liên hệ báo bệnh viện, chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho họ được về cùng một nơi điều trị để tiện cho việc chăm sóc lẫn nhau" - bác sĩ Xuân nói.
Theo bác sĩ Xuân, hiện nguồn nhân lực tại chỗ của đơn vị không thể nào đảm bảo để chăm sóc toàn diện cho người bệnh, do đó việc có người nhà cùng là F0 chăm sóc lẫn nhau sẽ hỗ trợ rất lớn các nhân viên y tế.
"Chúng tôi khuyến khích các F0 đang điều trị nếu khỏe mạnh có thể hỗ trợ các bệnh nhân khác yếu hơn hoặc những người đã điều trị khỏi bệnh ở lại hỗ trợ nhân viên y tế trong chăm sóc các bệnh nhân đang điều trị" - bác sĩ Xuân cho hay.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Gia Thế - trưởng phòng KHTH Bệnh viện dã chiến số 3 - cho biết phạm vi tiếp nhận của đơn vị thường là những bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ (tầng 2), do đó các bệnh nhân có thể tự chăm sóc bản thân tốt.
Về nhu cầu F0 nên có người thân đi cùng chăm sóc, theo bác sĩ Thế, có thể nhẹ gánh phần nào cho nhân viên y tế nhưng lại nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý rất phức tạp.
Hiện chỉ có một số trường hợp F0 đặc biệt là trẻ em quá nhỏ không thể tự chăm sóc, bệnh viện buộc phải tạo điều kiện để cha hoặc mẹ đi cùng.
Hay ngược lại cả ba mẹ đều là F0, con ở nhà không ai chăm sóc cũng có thể được giải quyết cho con vào bệnh viện để tiện chăm sóc nhau; tất cả đều phải viết giấy cam kết.
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch.
TTO - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã công bố danh sách và số điện thoại 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà ở TP.