Tảo bẹ khổng lồ là một trong những sinh vật tuyệt vời có thể giúp điều hòa bầu khí quyển. Chúng sống ở vùng nước nhiều chất dinh dưỡng và có tốc độ sinh trưởng nhanh. Thân mềm dẻo và những phiến lá tạo thành một rừng tảo bẹ rậm rạp. Khu "rừng" này có thể hấp thụ lượng carbon gấp 20 lần so với cây trên cạn với cùng một diện tích.
Khi những con sóng dữ dội của mùa đông đến, tảo bẹ bị xé toạc và trôi ra biển sâu, lượng carbon chúng hấp thụ sẽ bị chôn vùi dưới đáy đại dương. Nó có thể tồn tại ở đó trong nhiều thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ.
Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ hành tinh này đang bị bao vây. Nước ấm lên và những cơn bão dữ dội đã làm suy yếu các cánh rừng tảo bẹ. Lượng nước thải từ các thành phố xả ra khu rừng này. Điều đáng nói nhất là khi những loài như rái cá và sao biển không còn, thì nhím biển, loài ăn tảo bẹ, phát triển mạnh mẽ. Những cánh rừng tảo bẹ khổng lồ dần bị thay thế bởi vẻ hoang tàn, cuối cùng, đến nhím cũng chết đói.
Tảo bẹ khổng lồ chỉ là một trong rất nhiều "lực lượng bảo vệ hành tinh" đang chết dần chết mòn. Con người đã đặt hành tình của chính mình vào con đường dẫn đến thảm họa. Theo các nhà khoa học, nếu chúng ta tiếp tục gây ô nhiễm với tốc độ hiện tại, biến đổi khí hậu sẽ gây hạn hán kéo dài, bão tàn phá, hệ sinh thái sụp đổ và các loài sinh vật biến mất. Các thành phố ven biển sẽ bị xóa sổ do nước biển dâng. Tình trạng thiếu lương thực và nước uống trên diện rộng sẽ dẫn đến sự diệt vong của hàng triệu người. Để tránh đi đến số phận này, con người cần nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải carbon.
Và trái đất chính là đồng minh lớn nhất của loài người trong nỗ lực này. Từ ví dụ về rừng tảo bẹ, thiên nhiên luôn che chở con người khỏi những hậu quả tồi tệ mà con người gây ra. Nhưng thiên nhiên không thể chịu đựng mãi được sự lạm dụng vô tận này. Nếu con người hy vọng giải quyết vấn đề khí hậu, thì cũng phải giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học do ô nhiễm và nạn khai thác quá mức.
Rừng nhiệt đới Daintree ở Mossman Gorge, Australia vào năm 2012. Ảnh: Getty Image
Một cách để hồi sinh hệ sinh thái đó là bảo vệ mặt đất. Đất chứa nhiều carbon hơn toàn bộ khí quyển và tất cả các loài thực vật trên thế giới cộng lại. Asmeret Asefaw Berhe, một nhà sinh hóa đất tại Đại học California tại Merced, cho biết đất vừa là một quả bom hẹn giờ vừa là một giải pháp khí hậu bị bỏ qua.
Khi thế giới ấm lên, carbon chứa trong các vùng đất than bùn đóng băng ở Bắc Cực có nguy cơ được giải phóng. Khi con người xới đất để làm nông nghiệp và đào đất để phát triển, carbon bị mắc kẹt cùn sẽ được giải phóng vào không khí. Ít nhất 1/3 tổng số đất trên Trái đất đã bị suy thoái do các hoạt động của con người.
Nhưng đất có thể được cải tạo và biến thành nơi lưu trữ carbon một lần nữa. Từ việc hạn chế đào xới đất, trồng cây che phủ, bổ sung than sinh học có thể giúp đất tăng cường khả năng lưu trữ carbon. Không những thế, khi đất được cải thiện, thực vật sẽ phát triển tốt hơn và trở thành nơi cư trú của đa dạng các loài sinh vật.
Theo một phân tích năm 2020 trên tạp chí Nature Sustainability, việc quản lý đất tốt có thể giảm ít nhất khoảng 15% lượng khí thải hàng năm hiện tại.
Tuy nhiên, bảo vệ bề mặt đất chỉ là bước khởi đầu. Một giải pháp đó là bảo vệ hệ thống rừng ngập mặn. Mặc dù chúng chỉ chiếm 0,5% diện tích bờ biển của trái đất, nhưng lại có khả năng hấp thụ 10% carbon. Hơn nữa, rừng ngập mặn là nơi sinh sống của các loài cá và giúp giảm tác động xói mòn của sóng biển.
Chỉ trong nửa thế kỷ qua, hơn ¼ rừng ngập mặn trên thế giới bị phá hủy để chuyển đổi thành đầm nuôi tôm, bị đầu độc bởi chất hóa học và chết chìm bởi những con suối bị dựng đập.
Tại một khu vực ở El Salvador, những nỗ lực phục hồi rừng ngập mặn đã hồi sinh ngành đánh bắt cá địa phương, thúc đẩy du lịch và bảo vệ các loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo các nhà khoa học, điểm mấu chốt là con người phải ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giao thông vận tải, hệ thống sưởi, chiếu sáng và mọi thứ khác.
Bắc Cực, nơi có nhiệt độ tăng nhanh nhất trên trái đất, chính là nơi con người có thể thấy rõ sự thay đổi của khí hậu. Lớp băng và đại dương có vai trò như bộ phận điều hòa không khí của hành tinh. Nếu Bắc Cực mất đi lớp băng vĩnh viễn, nhiệt độ toàn cầu sẽ nóng lên và dẫn tới một viễn cảnh tồi tệ trong tương lai.
Theo Melinda Webster, một chuyên gia về băng biển tại Đại học Alaska Fairbanksk, chỉ bằng cách ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, loại bỏ khí thải gây hiệu ứng nhà kính, con người mới có thể ngăn Bắc Cực nóng thêm và cho băng có cơ hội phục hồi.
Con người mới chỉ tồn tại một khoảng thời gian rất ngắn trong suốt dọc dài 4,6 tỷ năm hình thành và thay đổi của trái đất. Con người tiến hóa và nền văn minh được xây dựng trong điều kiện khí hậu ổn định. Vì thể những thay đổi cần có thời gian thích nghi.
Bất kỳ sự biến đổi nhanh chóng nào cũng sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho hệ sinh thái mà còn ảnh hưởng đến chính con người. Con người không những phải bảo vệ thiên nhiên mà chính con người cần đến thiên nhiên nếu muốn tồn tại.
Tham khảo WSJ