Vì sao Trung Quốc muốn đóng cửa hàng chục ngàn nhà máy thủy điện?
Chánh Tài
(KTSG Online) - Trung Quốc lên kế hoạch đóng cửa hoặc cải tạo hàng chục ngàn nhà thủy điện nhỏ vì chúng hoạt kém hiệu quả do công suất nhỏ, nguồn nước sông cạn kiệt hoặc do các đập thủy điện lớn hơn ở thượng nguồn đã tích hết nước.
Trạm thủy điện Mô Thức Khẩu ở Thạch Cảnh Sơn, trung tâm công nghiệp trước đây của Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg |
Nhiều đập thủy điện không có nước để hoạt động
Vào thập niên 1950, dưới thời kỳ cầm quyền của Chủ tịch Mao Trạch Động, Trung Quốc mở cuộc vận động “chinh phục thiên nhiên”, ồ ạt xây dựng hàng ngàn đập thủy điện lớn nhỏ để sản xuất điện, kiểm soát lũ lụt và cung cấp nước tưới tiêu cho các cánh đồng cũng như nước uống cho các thành phố. Hậu quả dài hạn của chính sách này giờ đây mới hiển hiện rõ.
Nhiều đập thủy điện ở Trung Quốc quá nhỏ, chỉ sản xuất một sản lượng điện không đáng kể. Các đập thủy điện khác trở nên dư thừa và lãng phí khi các dòng sông cạn nước hoặc đơn giản là vì không có đủ nước để hoạt động khi các đập thủy điện lớn hơn ở thượng nguồn tích hết nước.
“Trong một thời gian dài, mọi người nghĩ rằng sẽ lãng phí nếu để dòng sông chảy trước mắt bạn mà chẳng làm gì cả”, Wang Yongchen, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Những người tình nguyện Trái đất xanh, có trụ sở ở Bắc Kinh, nói.
Ở vùng ngoại ô phía tây Bắc Kinh, một trong những dự án thủy điện nổi tiếng nhất nước trước đây, đang được cải tạo thành một điểm tham quan du lịch. Công nhân đang tất bật lát đường và những ngôi nhà xinh xắn đang mọc lên ở một phố kinh doanh cổ xưa gần trạm thủy điện Mô Thức Khẩu đã dừng hoạt động.
Được xây dựng vào năm 1956, dự án thủy điện với công suất 6MW này tọa lạc ở Thạch Cảnh Sơn, trung tâm công nghiệp trước đây của Bắc Kinh và là trạm thủy điện tự động lớn đầu tiên được thiết kế và xây dựng độc lập. Nó được xây dựng trên một nhánh của con “sông mẹ” Vĩnh Định ở Bắc Kinh, nguồn cung cấp nước uống chính cho thủ đô cho đến khi trở nên quá ô nhiễm vào thập niên 1990.
Trạm thủy điện Mô Thức Khẩu dừng hoạt động vì những cơn hạn hán nghiêm trọng ở phía bắc Trung Quốc và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng ở các làng mạc và thị trấn ở thượng nguồn, những nơi đã tự xây hàng trăm đập để lấy nước sinh hoạt.
Hơn 80 dự án bảo tồn nước được xây dựng ở khu vực Bắc Kinh, theo báo chí Trung Quốc. Đến thập niên 2010, sông Vĩnh Định cạn nước trung bình 316 ngày mỗi năm. “Thời tiết ở Bắc Kinh đã thay đổi. Khi còn nhỏ, tôi thường bơi ở nhánh sông gần trạm thủy điện Mô Thức Khẩu. Giờ đây, nước sống ngày càng cạn và bẩn”, Jin Chengjian, một người dân 60 tuổi ở quận Thạch Cảnh Sơn, nói.
3.515 vụ vỡ đập thủy điện và đập chứa nước trong 60 năm
Vị trí gần thủ đô giúp trạm thủy điện Mô Thức Khẩu được khoác chiếc áo mới để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch. Nhưng nhiều đập thủy điện cũ kỹ khác của Trung Quốc không được may mắn như vậy. Tại làng Vi Tử Thủy thuộc quận Môn Đầu Câu của Bắc Kinh, một đập chứa nước cao 68 mét cách được xây dựng xong vào năm 1980 để kiểm soát lũ lụt trên sông Vĩnh Định. Đập này mất 6 năm để hoàn tất nhưng chưa bao giờ sử dụng đến.
“Quy hoạch quá kém. Đập chứa nước này có thể sụp đổ một ngày nào đó, nên tôi không bao giờ dám lại gần”, một người dân làng, 75 tuổi, nói. Năm ngoái, chính phủ đã phong tỏa con đường dẫn đến con đập này với lý do phòng chống dịch bệnh.
Quy mô của cuộc chạy đua xây dựng đập thủy điện ở Trung Quốc rất khó nắm bắt. Tính đến cuối năm 2017, có hơn 24.000 trạm thủy điện trên sông Trường Giang, con sông dài nhất Trung Quốc và các nhánh của nó nằm trải dài ở 10 tỉnh. Có ít nhất 930 trạm thủy điện trong số đó được xây dựng mà không có bản báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Nhiều đập thủy điện ở Trung Quốc đã xuống cấp, gây ra các mối đe dọa an toàn nghiêm trọng, đặc biệt là trong những cơn lũ vào mùa hè. Theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, có 3.515 vụ vỡ đập thủy điện và đập chứa nước trong giai đoạn 1951-2011, bao gồm vụ vỡ đập thủy điện Bản Kiều ở tỉnh Hà Nam và 61 đập thủy điện khác sau cơn mưa kéo dài 6 giờ đồng hồ vào tháng 8-1975, khiến tổng cộng 240.000 người thiệt mạng.
Giờ đây, các vụ vỡ đập vẫn tiếp tục xảy ra. Hồi tháng 7, hai đập chứa nước ở vùng Nội Mông bị vỡ sau cơn mưa lớn. Trong cơn đại hồng thủy “ngàn năm có một” ở tỉnh Hà Nam trong mùa hè này, khiến hơn 300 người thiệt mạng, quân đội Trung Quốc cảnh báo đập Y Hà Than ở TP Lạc Dương của tỉnh này có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Các đập lớn và các hồ chứa nước của nó ở Trung Quốc cũng bị chỉ trích gay gắt vì gây tổn hại cho môi trường. Chúng nắn dòng chảy của các con sông, làm chìm ngập các môi trường sống, là xáo trộn thói quen di cư và đẻ trứng của đàn cá. Kể từ khi đập thủy điện khổng lồ Tam Hiệp trên sông Trường Giang được xây xong vào năm 2006, nhiều hồ lớn ở hạ nguồn bị thu nhỏ bị cạn kiệt nước hoặc biến mất.
Đập thủy điện Bạch Hạc Than có công suất 16GW trên sông Kim Sa, một nhánh ở thượng nguồn sông Trường Giang của Trung Quốc, vừa đi vào hoạt động hồi tháng 6. Ảnh: Bloomberg |
Cần phá bỏ hoặc cải tạo 40.000 nhà máy thủy điện nhỏ
Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các đập thủy điện lớn bao gồm đập Bạch Hạc Than có công suất 16GW trên sông Kim Sa, một nhánh ở thượng nguồn sông Trường Giang, vừa đi vào hoạt động hồi tháng 6. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc muốn dừng phát triển các dự án thủy điện nhỏ. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 đối với ngành thủy điện bắt đầu từ năm 2016, Bắc Kinh lần đầu tiên cho biết sẽ kiểm soát nghiêm ngặt việc mở rộng các trạm thủy điện nhỏ để bảo vệ môi trường.
Năm 2018, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường bảo vệ môi trường và sau đó, một cuộc chiến dịch được phát động trên toàn quốc nhằm loại bỏ hoặc cải tạo 40.000 nhà máy thủy điện nhỏ. “Các con sông của chúng ta đã bị khai thác quá mức sau nhiều thập kỷ xây dựng thủy điện mà không có quy hoạch đúng đắn”, Ma Jun, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề cộng đồng và môi trường ở Bắc Kinh, nói.
Tuy nhiên, những người ủng hộ thủy điện nói rằng cần phải triển khai nhiều dự án thủy điện nữa để giúp đất nước giảm sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường. “Giờ đây, các tỉnh đang có cùng một kiểu hành động và các quan chức xem việc phá bỏ một lượng lớn dự án thủy điện như là thành tích trong sự nghiệp của họ. Đúng ra nên loại bỏ các dự án nhiệt điện than trước, chứ không phải thủy điện khi Trung Quốc cần giảm khí thải carbon”, Zhang Boting, Phó tổng thư ký Hiệp hội kỹ thuật thủy điện Trung Quốc, nói.
Một vấn đề mà các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang đối mặt là chi phí phá bỏ các dự án thủy điện nhỏ ở khá tốn kém. Đóng cửa một nhà máy thủy điện thì đơn giản nhưng việc phá bỏ một con đập với cấu trúc bê tông khổng lồ là một công việc nguy hiểm, cần phải có sự tính toán về kỹ thuật và tốn kém chi phí không nhỏ. Huyện Chu Chí ở TP. Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây đang nợ một công ty phá bỏ 3 nhà máy thủy điện ở huyện này hơn 100 triệu nhân dân tệ (15,5 triệu đô la Mỹ). Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách của huyện trong nửa đầu năm 2020 chỉ là 135 triệu nhân dân tệ. Huyện Chu Chí vẫn còn 26 nhà máy thủy điện cần tháo dỡ nữa. Ở nhiều nơi, do chi phí tháo dỡ quá lớn, chỉ có các tuốc bin thủy điện được tháo dỡ nhưng các con đập vẫn yên vị. |
Theo Bloomberg
Xem thêm: lmth.neid-yuht-yam-ahn-nagn-cuhc-gnah-auc-gnod-noum-couq-gnurt-oas-iv/074913/nv.semitnogiaseht.www