“Chat sex” tiềm ẩn nhiều mối nguy rò rỉ những nội dung nhạy cảm của cả hai người - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo các chuyên gia an ninh mạng, việc này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, ngoài việc đối phương có thể ghi hình lại còn có nguy cơ bị hack rò rỉ các nội dung nhạy cảm này, ảnh hưởng tới đời sống của các bạn ở tuổi mới lớn.
Thấy con "cho xem một tí"
Tuần qua, trong một nhóm kín của các phụ huynh trên Facebook, tài khoản tên H. đã chia sẻ câu chuyện nhận được khá nhiều sự quan tâm. Khoảng 1h sáng hôm ấy, bà H. đang ngủ thì giật mình nghe thấy những tiếng động lạ trong phòng con gái.
Cửa không khóa, bà tò mò hé xem thì phát hiện con đang không mặc gì trên người trong khi một tay đang cầm điện thoại quay cận cảnh vào... vùng kín.
Bà H. giận run người chạy đến giật ngay chiếc smartphone thì thấy ở đầu dây bên kia, một thanh niên cũng đang "trần như nhộng".
Sau khi bị gặng hỏi, cô con gái cho biết đây là lần thứ ba cô và người yêu gọi trực tuyến kiểu này. Do giãn cách, đã gần ba tháng nay hai đứa không thể gặp nhau, nên bạn trai có nài nỉ "cho xem một tí". Con vì vừa không muốn làm buồn lòng bạn trai, vừa nhớ người yêu nên đã chiều theo.
Dạo quanh một vòng trong các hội nhóm tâm sự tuổi "teen" trên các trang mạng xã hội, nhiều bạn trẻ cũng nhỏ to thú nhận mình và người yêu đã bắt đầu thử "chat sex" để thỏa mãn phần nào nhu cầu do không thể gặp nhau trong một khoảng thời gian quá lâu.
Không chỉ là gọi điện video trực tuyến, nhiều cặp đôi còn gửi cho nhau thêm những tin nhắn có nội dung, hình ảnh đề cập cụ thể đến những chuyện trai gái.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ đã từng có không ít phụ huynh tìm đến ông vì vô tình chứng kiến cảnh con "chat sex" với người yêu. Trong thời buổi công nghệ hiện đại cho ra đời nhiều ứng dụng kết nối online, đây cũng được xem là một nhu cầu phát sinh của thế hệ trẻ.
Đặc biệt hiện nay, vì muốn lấp bớt những khoảng trống về tâm sinh lý do COVID-19 để lại, các bạn "thân mật" với nhau nhờ vào các thiết bị công nghệ cũng là điều dễ hiểu.
Phụ huynh nên ứng xử ra sao?
ThS Trần Vân Anh - giám đốc chương trình, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), đơn vị có nhiều hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian số - cho rằng nếu phụ huynh vô tình phát hiện con mình đang "chat sex", hãy cố gắng tránh nổi nóng hoặc dùng từ ngữ nặng nề phán xét như biến chất, đồi trụy...
"Nên giữ bình tĩnh và ngồi xuống nói chuyện với con một cách thân tình, để xác định được nguyên nhân đằng sau những hành vi ấy. Liệu con "chat sex" là vì tò mò hay vì ham muốn, vì một sự lệch lạc nào đó trong tư tưởng hay đang bị đối phương dụ dỗ, ép buộc?
Chỉ khi biết rõ nguồn gốc, cha mẹ mới có những định hướng tiếp theo để sát cánh cùng con trong việc cân bằng cuộc sống và loại bỏ những mối nguy hiểm nếu để lộ ảnh, video nhạy cảm trên mạng" - ThS Vân Anh nói.
Cũng theo bà Vân Anh, nếu phụ huynh nóng nảy la mắng, chê bai con nặng nề, con có thể sẽ thu mình lại. Như vậy, cha mẹ không thể biết chính xác câu chuyện đằng sau việc con "chat sex" và không thể nào cho con những sự hướng dẫn đúng đắn nhất.
"Ở độ tuổi dậy thì, cái tôi của các con rất lớn. Vì vậy, mọi cách ứng xử đều cần khéo léo, xem mình thật sự như một người bạn của con để con có thể chia sẻ với mình những gì đang gặp phải" - bà Vân Anh chia sẻ thêm.
Trong khi đó theo ông Trịnh Trung Hòa, đôi khi phụ huynh buộc phải áp dụng những biện pháp giám sát mạnh hơn ngoài việc trò chuyện, khuyên nhủ. Có thể thống nhất với con về không gian truy cập Internet trong gia đình, chẳng hạn nếu con muốn dùng máy tính thì phải ngồi ở nơi phụ huynh có thể quan sát.
Hoặc trong trường hợp phải thiết lập kỷ luật nặng, có thể nghĩ đến việc tạm giữ các thiết bị số của con ít lâu để con nhìn lại bản thân. Đồng thời, phụ huynh sẽ hướng con đến những hoạt động bổ ích khác bên ngoài thế giới "ảo", giúp con thấy được cuộc sống vẫn còn rất nhiều ý nghĩa và niềm vui.
Trở thành một công dân số có trách nhiệm
Theo ThS Trần Vân Anh, ngoài các kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin, bảo vệ bản thân trên môi trường mạng, trẻ em cần được truyền tải thông điệp trở thành công dân "có trách nhiệm" trong thời đại số. Cụ thể, các bạn cần thật sự nghiêm túc với từng nội dung mình đưa lên thế giới "ảo".
Nếu là nội dung tiêu cực, độc hại hay đơn giản chỉ là ảnh, clip nóng của bản thân, cũng sẽ có thể làm môi trường số thêm phần tiêu cực hơn so với cái hữu ích vốn có của Internet. "Chữ trách nhiệm cần đề cao khi xây dựng một thế hệ công dân mới trong thời đại số" - ThS Vân Anh nói.
Trẻ gặp vấn đề trên Internet tăng kỷ lục
Thời gian hoạt động trực tuyến tăng đáng kể khiến số trẻ vị thành niên cần sự giúp đỡ khi online đạt kỷ lục - Ảnh: WIRED
Theo nghiên cứu mới đây của đường dây hỗ trợ trẻ em Kids Helpline (Úc), số trẻ vị thành niên tìm kiếm sự trợ giúp về các vấn đề liên quan đến Internet đã tăng lên đáng kể giữa trước và trong khi dịch COVID-19.
Chẳng hạn, số thiếu niên tuổi từ 13-18 vào website của Kids Helpline để hỏi đáp về "sexting" (tình dục qua tin nhắn) đã tăng thêm 55% trong năm 2020 so với năm 2019. Số lượt cần tư vấn về bắt nạt trực tuyến đã tăng thêm 39% trong cùng khoảng thời gian trên.
Bên cạnh đó, tổng lượt truy cập của trẻ em từ 5-12 tuổi về chủ đề "An toàn trên Internet" đã tăng 21% chỉ sau 1 năm. Kids Helpline ghi nhận số lượt các bạn vị thành niên cần giúp đỡ do gặp chuyện tiêu cực khi sử dụng Internet cũng chạm mốc kỷ lục kể từ khi tổ chức thành lập vào năm 2000.
Trong khi đó, theo eSafety Commissioner - cơ quan thuộc Chính phủ Úc có nhiệm vụ hỗ trợ bảo vệ người dân trên không gian số, trước và trong đại dịch, số lượt bắt nạt trên mạng ở độ tuổi thanh thiếu niên đã tăng 32%.
Chuyên gia an ninh mạng Susan McLean cho biết dù cả gia đình có thời gian ở nhà nhiều hơn do các lệnh giãn cách, nhưng rõ ràng không ít phụ huynh vẫn bỏ mặc con muốn làm gì thì làm với chiếc điện thoại, laptop để mình "rảnh tay" làm việc.
Theo bà McLean, phụ huynh cần thiết lập các quy tắc về việc sử dụng thiết bị số, đồng thời đưa ra những kỳ vọng và trợ giúp kịp thời.
"Cha mẹ là những người "gác cổng" cho con trên Internet, vì vậy cần tích cực tìm hiểu về thế giới trực tuyến của con mình" - bà McLean nói.
HOÀNG THI
Không nên đưa nội dung nhạy cảm lên Internet
Ông Phạm Nguyễn Hoàng Bảo, trưởng phòng an toàn thông tin Trung tâm đào tạo quản trị mạng và an ninh quốc tế Athena, cho hay nguồn phát tán hình ảnh, clip nhạy cảm đôi khi lại từ chính người yêu, những người mà trước đây có thể nạn nhân rất tin tưởng.
Có trường hợp đối phương lại đăng những nội dung sex giữa hai người vào những trang website đen với ý đồ làm tổn thương người yêu cũ. Thuật ngữ "revenge porn" ra đời để chỉ hành vi tung ảnh, video sex giữa hai người vì mục đích trả thù.
Ngoài ra, những đoạn "chat sex" tưởng chừng chỉ hai người biết với nhau vẫn có nguy cơ lộ rất cao. Nội dung nhạy cảm dù gửi riêng qua các ứng dụng như Messenger hay Zalo không loại trừ trường hợp bị hacker đánh cắp dữ liệu rồi chiếm dụng những hình ảnh, video.
Ngay cả những ứng dụng có độ bảo mật cao hơn như Telegram cũng không thể an toàn 100%.
"Nên cẩn trọng đến mức tối đa. Đặc biệt những nội dung nhạy cảm tuyệt đối không nên đưa lên Internet bằng bất cứ hình thức nào. Một khi đã ở trên Internet, tức đã có ít nhất một bản sao lưu, dù cho bạn sau này có xóa đi chăng nữa thì đâu đó vẫn sẽ còn ngay trên chính phần mềm bạn đăng tải" - ông Bảo nói.
TTO - Đại dịch COVID-19 kéo dài, những người yêu nhau, những đôi vợ chồng không chung nhà bị cách trở nên phải yêu xa. Họ vượt qua ngày khó khăn, xa cách để giữ nhau mỗi ngày theo cách riêng của mỗi người.
Xem thêm: mth.72750152251801202-uey-iougn-ax-noc-ihk/nv.ertiout