Như Thanh Niên thông tin, tính đến tháng 12.2022, TP.HCM có 1.766 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó có 805 thủ tục được đưa lên cổng dịch vụ công, bao gồm 454 thủ tục mức độ 3 (nhận trực tiếp tại trụ sở) và 351 thủ tục mức độ 4 (nhận qua bưu điện). Dù số thủ tục được làm trực tuyến chiếm 46% nhưng qua khảo sát của PV Thanh Niên, không phải người dân nào cũng biết đến cách nộp hồ sơ đơn giản này. Trong năm 2022, toàn thành phố tiếp nhận hơn 22,3 triệu hồ sơ nhưng chỉ có gần 6 triệu hồ sơ nộp trực tuyến, tương đương 27%. Năm 2021, TP.HCM có 3,26/17,8 triệu hồ sơ giải quyết trực tuyến. So với năm trước đó, lượng hồ sơ được giải quyết trong năm 2022 cao hơn nhiều cả về số lượng (2,67 triệu hồ sơ) và tỷ lệ (8%).
Kết quả giải quyết TTHC trực tuyến trên rất đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa tương xứng với vị thế đầu tàu của thành phố khoảng 13 triệu dân được đánh giá là đi đầu cả nước về khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Bởi hầu hết chi phí cho TTHC, người dân đều phải thanh toán trực tiếp. Một trong những "nút thắt" được cấp cơ sở nêu ra là việc thanh toán trực tuyến vẫn chưa tiện lợi cho người dân khi làm hồ sơ trên nền tảng số.
Ngoài ra, theo phản ánh từ các bộ, ngành, việc thanh toán trực tuyến các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn khi được khơi thông hoàn toàn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Cần mở rộng dịch vụ, cổng thanh toán trực tuyến
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên mong cơ quan chức năng nhanh chóng khắc phục để thông suốt quy trình thanh toán trực tuyến dịch vụ công vì điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình cải cách hành chính, chuyển đổi số. "Đúng vậy, việc thanh toán trực tuyến hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa phổ biến ở nhiều nơi trong khi nó khá thuận tiện. Tôi thấy hầu hết các app (ứng dụng) đều có lưu lại thông tin, lịch sử giao dịch và chúng ta có thể xem đó là biên lai thanh toán mà", BĐ Phương Thùy ý kiến.
Tương tự, BĐ Sơn Hải góp ý: "Hiện nay, việc thanh toán hóa đơn tiền điện, hóa đơn nước đã áp dụng việc thanh toán trực tuyến, mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, nhất là tiết kiệm thời gian. Cá nhân tôi thấy việc giải quyết việc công thông qua hình thức thanh toán trực tuyến là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải có một hệ thống dữ liệu quốc gia để đảm bảo sự chuẩn xác về mặt thông tin, tránh tình trạng sai sót. Bên cạnh đó cũng cần sớm khắc phục tình trạng chưa đồng bộ giữa thanh toán và in biên lai lệ phí một số dịch vụ công như hiện nay".
Tại sao không quy định luôn thanh toán trực tuyến, giao dịch trên app khi hoàn thành sẽ là biên lai hoàn thành nghĩa vụ cho các thủ tục hành chính?
Quang Nguyen
Thực tế đây là việc làm cần thiết, tiết kiệm được nguồn nhân lực cho nhà nước và tiết kiệm cả thời gian cho người dân. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu cũng cần phải thống nhất. Nhiều người bị báo thông tin sai rồi rốt cuộc vẫn phải trực tiếp đến cơ quan chức năng để xử lý, như vậy thì không khả thi.
Tuấn Nguyễn
"Một số dịch vụ công chưa phổ biến trong việc thanh toán trực tuyến, chẳng hạn như ở một số tỉnh yêu cầu đến nộp phạt trực tiếp thì hơi khó cho người dân ở xa, phải di chuyển về. Cho nên tôi nghĩ hình thức thanh toán này cần được phổ biến hơn. Bởi sau mỗi đợt thanh toán, các app đều có để lại thông tin giao dịch, nó chẳng khác nào biên lai sao", BĐ Quang Đông góp ý.
Còn BĐ Trọng Tú ý kiến: "Một trong những lý do tôi thấy nên mở rộng cổng thanh toán trực tuyến và các dịch vụ liên quan là tiện lợi cho người dân và tiết kiệm chi phí. Điển hình là mỗi lần đến nộp phạt, tôi phải ký vào các loại giấy tờ trong đó có biên lai thu tiền. Trong khi thanh toán trực tuyến thì thông tin đã giao dịch chẳng khác gì một biên lai chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ cả".
Quyết "làm bằng được"
"Thanh toán không tiền mặt đang là xu thế nên việc nhà nước áp dụng hình thức này trong công tác quản lý sẽ mang lại lợi ích. Đã xác định được các nguyên nhân gây "tắc" việc này thì rất cần sự quyết tâm, nhanh chóng vào cuộc của các cơ quan chức năng để tháo gỡ. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo chuẩn xác về mặt thông tin cũng như đảm bảo sự an toàn cho người dùng", BĐ Trung Hoàng góp ý.
Cùng quan điểm, BĐ Nguyệt Hà ý kiến: "Cơ quan chức năng cần đưa hình thức thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công mở rộng hơn, thay vì giới hạn ở một vài thành phố hay địa phương. Hơn nữa cũng nên tạo nhiều tiện ích, đặc biệt là công cụ thanh toán trực tuyến để thuận tiện cho người dân. Khi mọi thứ được làm tốt thì sẽ thu hút được người dân thôi".
"Nếu đã áp dụng thanh toán trực tuyến cho dịch vụ công thì tôi nghĩ nên mở rộng trên phạm vi cả nước. Chứ có nhiều trường hợp vì địa phương không có hình thức này, người dân từ thành phố lại phải lặn lội về quê đi thanh toán, nộp phạt… Như vậy có khác gì thanh toán thông thường đâu chứ", BĐ Văn Tâm đề nghị.