Chiều 17-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết, trong ngày TP ghi nhận 120 ca mắc mới, trong đó 91 ca đã cách ly, 20 ca trong khu phong tỏa và 9 ca cộng đồng.
Riêng 9 ca phát hiện trong cộng đồng, có 4 trường hợp là lực lượng phòng, chống dịch ở các phường Hòa Thuận Đông, Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), Hòa Minh (quận Liên Chiểu) và Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).
5 trường hợp còn lại phát hiện khi đi khám tại cơ sở y tế, lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình khu vực có nguy cơ, trong đó có trường hợp là tiểu thương, người dân đi chợ đầu mối.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá, sau khi yêu cầu người dân ở yên trong nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng thì số ca mắc tăng, tuy nhiên điều này cho thấy TP đang đi đúng hướng. Ngày mai (18-8) sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của kế hoạch xét nghiệm, ông Quảng đề nghị ngành y tế có báo cáo cụ thể để đánh giá nguy cơ từng vùng và có biện pháp phù hợp tiếp theo.
Gian hàng lưu động 0 đồng chia sẻ khó khăn với người dân trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: PNHĐ
Qua đi kiểm tra thực tế ở quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn, ông yêu cầu các địa phương phải quan tâm hơn nữa đến việc trang bị đồ bảo hộ, ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch, đặc biệt là khi nhiều người trong số này đã mắc COVID-19.
“Vẫn còn nơi có những hạn chế về đồ bảo hộ, khẩu trang thì đơn giản, không có kính chắn cho anh em, hoặc có nhưng mọi người có khi chủ quan nên không mang. Lãnh đạo các đơn vị phải hết sức chú ý việc này, anh em đi làm nhiệm vụ mà trang bị bảo hộ không tốt để xảy ra lây nhiễm là không chấp nhận được”- ông nói.
Về việc hỗ trợ người dân khó khăn, ông Quảng cho biết, sáng nay đã trực tiếp xuống khu nhà trọ ở quận Cẩm Lệ, rất nhiều người sống ở đây đã mất việc từ 2 tháng nay, họ mới chỉ nhận được hỗ trợ chủ yếu của phường chứ quận và TP thì chưa có.
Ông đề nghị các địa phương rà soát kỹ hơn nữa các đối tượng thực sự khó khăn để kịp thời hỗ trợ, không được để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
“Tôi có nhận được điện thoại và trực tiếp xuống một khu ở quận Ngũ Hành Sơn, bà cụ 83 tuổi dẫn tôi đi và chỉ từng hộ khó khăn trong 2, 3 đợt dịch vừa rồi chưa bao giờ nhận được nhận hỗ trợ gì. Tất nhiên là cũng có vấn đề này vấn đề khác, nhưng phản ánh của người dân cho thấy ta phải rà soát lại các đối tượng, xác định đúng người đang thực sự khó khăn ở thời điểm này để hỗ trợ”- ông Quảng nói.
Ông lưu ý tổ dân phố, mặt trận phải công tâm, khách quan, trách nhiệm khi lập danh sách, tránh tình trạng vì cá nhân mà ưu tiên hộ này, bỏ quên hộ kia khiến người dân bức xúc.
Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh nhận định, nguy cơ cao nhất hiện nay vẫn là chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối Hòa Cường và cảng cá Thọ Quang. Nhiều F0 vừa phát hiện có liên quan đến 2 chuỗi lây nhiễm này, chứng tỏ vẫn chưa rà soát, phát hiện hết người từng đến hai khu vực này.
Trong tối nay, bằng cách nào đó, các địa phương phải khẩn trương tuyên truyền, yêu cầu người dân từng đến chợ đầu mối, cảng cá hoặc có liên quan đến F0 đi khai báo y tế và xét nghiệm ngay.
Ông Chinh cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền để người dân có triệu chứng sốt, ho, khó thở… báo ngay tổ trưởng để liên hệ ngành y tế can thiệp kịp thời.
Các địa phương, đặc biệt là quận Sơn Trà và Thanh Khê quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát người dân trong khu phong tỏa, khu dân cư. Sở TT&TT phối hợp Văn phòng UBND TP sớm hoàn thiện phần mềm giấy đi đường để sớm triển khai, tất cả phương tiện vào TP phải đăng ký trước một ngày, thực hiện quét mã QR và test nhanh COVID-19.