Ghe mua lúa neo đậu tại cống Tà Hem, xã Thổ Sơn, Hòn Đất (Kiên Giang) chờ thủ tục - Ảnh: K.NAM
Nhiều loại nông sản tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt là lúa hè thu, đang gặp khó khăn trong thu hoạch và tiêu thụ do 19 tỉnh thành phía Nam đang thực hiện đợt giãn cách xã hội, việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa bị ách tắc với nhiều thủ tục nhiêu khê.
Thương lái, chủ ghe ngừng mua do quá nhiều chốt
Ông Võ Văn Chiêu - giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng - cho biết để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh nhiều mặt hàng bị sụt giá, không tiêu thụ, cơ quan này đã tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản...
Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp ở Long An, Tiền Giang đến Sóc Trăng thu mua lúa của nông dân.
Tuy nhiên, theo một số thương lái tại Tiền Giang, việc vận chuyển hàng nông sản gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh việc phải vượt qua nhiều chốt kiểm tra, tốn chi phí xét nghiệm, nhiều tài xế lo ngại dịch bệnh lây lan đã nghỉ việc khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc vận chuyển hàng hóa, chi phí thuê tài xế tăng thêm. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp có sẵn ghe, sà lan nhưng vướng quy định phòng chống dịch của các địa phương nên không thể vận chuyển bằng đường thủy.
"Nghe nói chính quyền các tỉnh miền Tây tạo điều kiện cho vận chuyển nông sản bằng đường thủy, tụi tôi cũng mừng lắm. Chứ phương tiện thủy di chuyển chậm mà đi vài kilômet lại gặp chốt kiểm tra, rồi hạn chế khung giờ đi nên gặp rất nhiều khó khăn" - anh Thương, một thương lái mua lúa tại Tiền Giang, nói.
Ông Hồ Văn Chịu - thương lái mua lúa ở An Giang - cho biết nếu như bình thường ông thuê ghe chở lúa từ Kiên Giang về An Giang chỉ mất tối đa 3 ngày nhưng nay mất 4-5 ngày, chi phí tăng gấp đôi. Bởi muốn mua lúa, cần phải có 2 loại giấy, gồm giấy xác nhận mua lúa từ điểm đi tới điểm thu mua lúa và giấy xét nghiệm âm tính.
Nhưng đi mua lúa đâu phải làm liền mà phải mua trước khi cắt 10 - 15 ngày và phải tốn rất nhiều chi phí. Một ghe bình thường có 3 người phải tốn chi phí gần 1 triệu đồng/lần test nhanh. Đi một chuyến ghe phải xét nghiệm từ 1 đến 2 lần. "Nhiều chủ ghe hay thương lái gặp cảnh test này hoài nên đã nghỉ mua" - ông Chịu nói thêm.
Cần giảm chốt, đơn giản thủ tục kiểm soát
Ông Lê Hữu Toàn - phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang - thừa nhận các ghe đến địa phương này mua nông sản, trong đó có lúa phải đáp ứng đủ 4 loại giấy tờ để qua chốt đường thủy, gồm mộc xác nhận điểm đi, giấy đi đường, giấy âm tính điểm đi, giấy âm tính điểm đến và xác nhận điểm đến.
Do đó, theo ông Toàn, cần giảm bớt một số khâu thủ tục, giấy tờ để tạo điều kiện cho việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản.
Ông Trang Trường Thanh - phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng - cho biết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông sản được vận chuyển thông suốt trong và ra ngoài tỉnh, ngay cả đường thủy cũng thực hiện "luồng xanh" .
Trước đó, ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - đã có công văn gửi UBND một số địa phương trong khu vực để kêu gọi liên kết, phối hợp trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế. "Các địa phương cần sớm có sự thống nhất để chung tay phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, giải quyết khâu tiêu thụ hàng hóa, nông thủy sản của người dân" - ông Lâu đề xuất.
Thượng tá Võ Văn Chỉnh - trưởng Phòng cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang - cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho bà con thương lái vận chuyển nông sản lưu thông 24/24 giờ, bất kể ngày hay đêm, với điều kiện là phải có giấy âm tính COVID-19. Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên đối với nông sản vận chuyển trong giai đoạn này hơn".
Ông Nguyễn Tấn Nhơn (phó giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ):
Cần đường dây nóng cho doanh nghiệp và thương lái
Các tỉnh ĐBSCL đang áp dụng chỉ thị 16 nên việc lưu thông, vận chuyển lúa gạo rất khó khăn.
Các phương tiện lưu thông đường thủy chưa có "luồng xanh" như đường bộ nên mỗi tỉnh mỗi quy định khác nhau. Vì vậy, kiến nghị Bộ GTVT cấp "luồng xanh" như đường bộ để việc thu mua lúa nói riêng, nông sản ở ĐBSCL nói chung được thuận tiện hơn.
Ngoài ra, cần thiết lập đường dây nóng của các tỉnh để tháo gỡ kịp thời cho thương lái và doanh nghiệp khi gặp vấn đề.
Nhiều chốt kiểm soát rất ngặt nghèo, thương lái và doanh nghiệp không biết gọi ai, nhờ ai để hỗ trợ khi bị làm khó. Cần có đường dây nóng của cả 13 tỉnh thành trong vùng để hỗ trợ lẫn nhau.
SƠN LÂM ghi
TTO - Diễn biến dịch ngày càng phức tạp, các địa phương, các tỉnh miền Tây đang phải tập trung kiểm soát phòng dịch theo chỉ thị 16. Đây là việc cần thiết phải làm.
Xem thêm: mth.14793338091801202-yuht-gnoud-hnax-gnoul-ohc-nas-gnon/nv.ertiout