Người nhà tổ chức đám tang cho ông N.V.H. (61 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) vì không thể cấp cứu kịp đột quỵ vào sáng 19-8 - Ảnh: Người nhà cung cấp
Tử vong trước khi vào bệnh viện
Theo thông tin từ anh P.M.H. là con nuôi từ nhỏ của ông N.V.H., khoảng 6h40 sáng 19-8, anh phát hiện ông H. có biểu hiện khó thở rồi ngã quỵ. Anh lập tức gọi điện cho Trung tâm cấp cứu 115 để nhờ hỗ trợ. Qua điện thoại, anh được chỉ dẫn gọi đến đường dây nóng của y tế quận Gò Vấp.
Từ đường dây nóng của y tế quận Gò Vấp, anh M.H. tiếp tục được hướng dẫn gọi đến Trạm y tế phường 16 (quận Gò Vấp) theo số điện thoại của bác sĩ Giang. Tuy nhiên liên hệ thì bác sĩ Giang cho biết y tế phường báo chỉ cấp cứu các ca COVID-19 chứ không cấp cứu đột quỵ.
Anh M.H. lại gọi cho y tế quận Gò Vấp thì được yêu cầu chờ xử lý và cho thêm số điện thoại của bác sĩ Thương, trưởng Trạm y tế phường 16, Gò Vấp. Sau gần 5 phút chờ nhưng không thấy ai đến cấp cứu, anh M.H. tiếp tục gọi lại Trung tâm cấp cứu 115 thì được thông báo sẽ tiếp nhận.
Sau gần 20 phút, Trung tâm cấp cứu 115 gọi lại hỏi tình hình rồi hướng dẫn người nhà tìm cách đưa ông H. đi bệnh viện chứ không tiếp cận được cấp cứu.
"Họ chỉ tôi sờ xem tim bố còn đập không, nhưng lúc đó bố tôi ngừng thở rồi. Họ bảo tôi tìm cách tự đưa đi tới Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu thôi chứ chẳng cách nào nữa", anh M.H. kể.
Đến 7h30, người nhà đưa ông H. đến Bệnh viện Quân y 175. Tuy nhiên, bác sĩ nhận định ông H. đã ngưng tim trước khi vào viện.
Theo người nhà ông H., đến 7h45 có một đội gồm 4 người của Trạm y tế phường xuống nhưng lúc này ông H. đã được đưa đến bệnh viện.
Yêu cầu Trạm y tế giải trình
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Thị Thương - trưởng Trạm y tế phường 16, quận Gò Vấp - xác nhận vào sáng 19-8 có nhận được một trường hợp cấp cứu từ người nhà ông H. Khi nhận được điện thoại, bà đã nhanh chóng cho nhân viên mặc đồ bảo hộ xuống kiểm tra và hướng dẫn gọi điện ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 để bệnh nhân được chuyển đi nhanh nhất có thể.
Bác sĩ Thương xác nhận Trạm y tế có bác sĩ Giang làm trong tổ COVID-19 cộng đồng, nhưng từ sáng 19-8, bác sĩ Giang đã được điều đến khu cách ly của quận để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Có thể Trung tâm Y tế quận Gò Vấp chưa cập nhật lại danh sách nên mới đưa số điện thoại của bác sĩ Giang cho người dân.
Phóng viên Tuổi Trẻ Online liên hệ với bác sĩ Giang và được giải thích: "Sáng 19-8 tôi có nhận một cuộc gọi cấp cứu đột quỵ, và tôi có giải thích là tôi thuộc tổ phản ứng nhanh COVID-19 cộng đồng, phản ứng nhanh những trường hợp bị COVID-19. Còn vấn đề đột quỵ tôi có hướng dẫn người nhà gọi điện đến Trung tâm cấp cứu 115 hoặc người nhà chuyển thẳng vào bệnh viện để cấp cứu hoặc liên hệ Trạm y tế để hỗ trợ".
Bác sĩ Giang cho rằng thời điểm đó ông đang ở khu cách ly nên không cầm điện thoại bấm chuyển cho Trạm y tế lúc đó được. "Tôi không nói Trạm y tế phường không cấp cứu trường hợp không mắc COVID-19. Thường ngày, người dân có bệnh gì tôi đều xuống cấp cứu", bác sĩ Giang nói thêm.
Trong khi đó, đại diện Trung tâm cấp cứu 115 cho biết qua kiểm tra hệ thống, vào 6h55 sáng 19-8 có nhận cuộc gọi báo một bệnh nhân đột quỵ cần cấp cứu, sau đó tổ cấp cứu có hướng dẫn cho người nhà gọi tổ phản ứng nhanh của địa phương đến trước. Tuy nhiên sau đó người nhà không gọi được, đến 7h02 người nhà gọi lại và Trung tâm cấp cứu 115 đã tiếp nhận.
"Hệ thống mới ghi nhận được đến đây, trung tâm đang thu thập tất cả những người có liên quan về vụ việc, sau khi thu thập được chúng tôi sẽ gửi lại thông tin", vị đại diện này nói.
Đại diện UBND phường 16, quận Gò Vấp cho biết đang yêu cầu Trạm y tế phường 16 giải trình vụ việc trên.
TTO - Cùng với nhiều chính sách giãn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất, dự thảo nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đề xuất nghiên cứu sửa đổi quy định về cơ cấu khoản vay.