Theo số liệu thống kê của TS Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, từ dữ liệu thuyết minh báo cáo tài chính của 25 ngân hàng (chưa tính Agribank) trong 3 năm qua, khoản “chứng khoán nợ đầu tư” mà ngân hàng nắm giữ từ các tổ chức kinh tế chỉ tăng trung bình 9,0%, trong khi tính cả mức chứng khoán nợ đầu tư vào tổ chức tín dụng khác và tổ chức kinh tế mức tăng là 22,8% (bảng 1). Nghĩa là có một lượng lớn trái phiếu được phát hành từ ngân hàng này do ngân hàng khác nắm giữ.
Tính đến quý 3/2022, theo báo cáo tài chính của 25 ngân hàng thì giá trị trái phiếu do các ngân hàng phát hành được các ngân hàng khác nắm giữ lên đến 567,4 nghìn tỷ đồng. Số liệu cho thấy con số này có xu hướng tăng từ đầu 2019 đến quý 3 năm nay.
Như vậy, theo ông Chí, các ngân hàng thương mại đã chuyển tiền qua lại lẫn nhau thông qua công cụ trái phiếu mà không bị các vi phạm trong các quy định hiện hành của NHNN. Hoạt động này tương tự việc ngân hàng này gửi tiền vào ngân hàng khác qua liên ngân hàng, ngân hàng này ủy thác qua trung gian công ty quản lý quỹ hay cá nhân để đi gửi tiền vào ngân hàng khác như đã xảy ra từ hơn thập niên về trước.
Qua đó giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng, ghi nhận lợi nhuận vượt trội… Do vậy, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp được tập trung chú ý quản lý trong năm 2022 thì các ngân hàng thương mại lập tức bị thiếu hụt công cụ để đảo các lô trái phiếu phát hành trước đó. Sự thiếu hụt thanh khoản hệ thống xảy ra vì ngân hàng buộc phải giảm nắm giữ trái phiếu và tự xử lý.
Theo số liệu thu thập từ nguồn dữ liệu Fiinpro trích xuất ngày 12/10/2020, tổng giá trị trái phiếu do các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, ngân hàng phát hành giai đoạn 2019 - 2022 trị giá 1.158.975 nghìn tỷ đồng (tương đương 48 tỷ USD). Trong đó, giá trị trái phiếu doanh nghiệp do các doanh nghiệp không phải tổ chức tài chính phát hành trị giá 536,446 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,3% tổng giá trị trái phiếu trên.
Tức là phần còn lại chiếm đến 53,7% là giá trị trái phiếu do các tổ chức tài chính gồm ngân hàng, công ty chứng khoán phát hành. Trái phiếu do các tổ chức tài chính phát hành được 25 ngân hàng trong thống kê nắm giữ trị giá lên đến 567,4 nghìn tỷ đồng, nghĩa là gần 49% giá trị trái phiếu phát hành.
Nếu tính luôn cả giá trị trái phiếu do các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp phát hành thì 25 ngân hàng trên nắm giữ 818,6 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 2/2022, hay 829,6 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 3/2022. Như vậy, hệ thống ngân hàng đã nắm giữ đến 71,5% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành.