vĐồng tin tức tài chính 365

Bài thơ Bắt nạt nhận 'gạch, đá', nhiều thi sĩ lên tiếng

2021-08-22 11:34

"Bắt nạt" nằm trong tập thơ "Ra vườn nhặt nắng" của Nguyễn Thế Hoàng Linh (NXB Thế Giới, 2017). Theo chia sẻ của tác giả, tập thơ này đã tiêu thụ 11.000 bản. "Bắt nạt" chưa từng dính điều tiếng nào.

Cho đến khi bài thơ được đưa vào sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống" (NXB Giáo Dục) thì "gạch đá" bỗng đâu dội xuống rào rào: Bài thơ dở; kém nghệ thuật, chẳng vần điệu; không xứng đưa vào sách giáo khoa…

Ồn ào quanh bài thơ "Bắt nạt" đã lôi kéo sự chú ý của các nhà thơ chuyên nghiệp. Nguyễn Thế Hoàng Linh từng viết trên trang cá nhân: "Nếu chứng minh được "Bắt nạt" là bài thơ dở với thế giới, các bạn xứng đáng được trao giải Nobel văn học". Chẳng biết có phải vì "thách đố" này không mà nhiều nhà thơ sẵn sàng lên tiếng!

Thử thách ăn mù tạt hơi… ngớ ngẩn!

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa thì "Bắt nạt" không phải bài thơ hay nhưng không dở: "Nội dung tốt, ngôn ngữ giản dị, thậm chí nôm na". Tại sao Nguyễn Thế Hoàng Linh lại chọn cách thể hiện ấy, để "Bắt nạt" bị bắt bẻ kém nghệ thuật? "Thần đồng" một thuở giải thích: "Nguyễn Thế Hoàng Linh phải dùng thể loại như thế mới dễ "được lòng" trẻ con. Ý thức của "lão" ấy đấy. Cứ hóm hóm, nghịch nghịch, mới dễ đến được với các em. Còn nghiêm túc quá thì không đến được với trẻ con đâu nhé!".

Bài thơ Bắt nạt nhận gạch, đá, nhiều thi sĩ lên tiếng - Ảnh 1.
Nhà thơ Y Phương: Đó là một dạng văn xuôi xuống dòng, không có hình tượng thơ, cảm xúc thơ, không có thẩm mỹ thơ

Trần Đăng Khoa khuyên độc giả không nên lấy nghệ thuật làm trọng ở "Bắt nạt": "Nếu lấy tiêu chí nghệ thuật để đánh giá thì bạn có thể chê bài này, vì nó không như bạn mong đợi. Song Nguyễn Thế Hoàng Linh không viết "Bắt nạt" để làm nghệ thuật. "Lão" ấy có nhiều bài diệu vợi về mặt nghệ thuật nhưng "Bắt nạt" không nằm trong số đó. "Bắt nạt" viết theo dạng đồng dao, hợp với trẻ con, dạy trẻ con đừng có bắt nạt nhau. Đây là cái được của Nguyễn Thế Hoàng Linh", Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá.

Bài thơ Bắt nạt nhận gạch, đá, nhiều thi sĩ lên tiếng - Ảnh 2.

Bìa cuốn sách giáo khoa có bài thơ "Bắt nạt". Ảnh: BFBNV

Tuy nhiên, Trần Đăng Khoa lại cho rằng, cách dạy trẻ trong "Bắt nạt" chưa thuyết phục như bài "Làm anh" của Phan Thị Thanh Nhàn: "Làm anh khó đấy/Phải đâu chuyện đùa…/Làm anh thật khó/Nhưng mà thật vui/Ai yêu em bé/Thì làm được thôi". "Làm anh" của Phan Thị Thanh Nhàn giải dị nhưng thuyết phục.

Nguyễn Thế Hoàng Linh chỉ muốn khuyên các em: Đừng có bắt nạt, vì bắt nạt bạn không hay ho gì. Giá như "lão" ấy làm theo cách này thì tôi thích hơn: Không hay ho gì việc bắt nạt bạn, bắt nạt đứa yếu hơn là hèn. Cần kích vào cái điểm đó ở trẻ con, vì trẻ con bao giờ cũng thích làm người hùng. Muốn làm người hùng thì phải cứu bạn. Chứ còn nói với chúng: "Sao không ăn mù tạt/Đối diện thử thách đi" thì hơi buồn cười, hơi ngớ ngẩn. Bởi mù tạt là thứ gia vị ngon, tất nhiên không phải ai cũng quen được với mù tạt, đến cả người lớn có khi còn sợ mù tạt. Nhưng nếu bạn thích bắt nạt lại khoái mù tạt thì sao? Giống như ở nhà tôi ấy, tôi không ăn được ớt, còn bọn trẻ lại "chén" tốt", Trần Đăng Khoa phân tích.

Không ít ý kiến đánh giá: "Bắt nạt" không có vần điệu. Riêng điều này, Trần Đăng Khoa bảo vệ Nguyễn Thế Hoàng Linh: "Ơ, nó có vần điệu chứ. Nhưng thơ thậm chí có thể bỏ vần, cần gì đâu?". Ông cũng phản đối ý kiến bài thơ "Bắt nạt" không hợp với học sinh lớp 6: "Tôi thấy "Bắt nạt" hợp với học sinh lớp 6, thậm chí lớp 7 vẫn được. Các em vẫn ‘đánh nhau như thụi’, ở chỗ không có thầy cô giáo. Nói chung thông điệp, đừng bắt nạt bạn là tốt, vì vấn đề bạo lực học đường đang nan giải hiện nay".

Trần Đăng Khoa kể rằng, không phải bây giờ mà ngay từ thời ông đi học, có những bài thơ không "thơ" gì cả vẫn được đưa vào sách giáo khoa, còn yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng. Đến bây giờ Trần Đăng Khoa vẫn thuộc những bài thơ như thế: "Có cái bài này: "Con ruồi đậu ở chuồng phân/Rồi bay đến đậu thức ăn, vật dùng/Mang theo hàng đống vi trùng/Ăn vào ỉa chảy vô cùng nguy nan/Thức ăn phải đậy lồng bàn". Sau bài thơ có dòng ghi nhớ đóng khung đỏ đàng hoàng: Cần phải diệt ruồi. Dạy trẻ con cần phải diệt ruồi là đủ, cần gì đưa chuồng trại phân gio, ỉa chảy vào làm gì, nghe kinh cả người. Hồi đó, bọn con gái đọc bài thơ này mặt cứ đỏ bự lên". Có vẻ như đưa những bài thơ còn bị lăn tăn về "tính thơ" vào sách giáo khoa ở ta không phải chuyện mới mẻ gì?

Chỉ là thứ văn xuôi xuống dòng

Với nhà thơ dân tộc Tày Y Phương thì "Bắt nạt" không phải một bài thơ, không phải một tác phẩm nghệ thuật: "Đó là một dạng văn xuôi xuống dòng, không có hình tượng thơ, cảm xúc thơ, không có thẩm mỹ thơ. Nó mang màu sắc tự nhiên chủ nghĩa mà tự nhiên chủ nghĩa chưa bao giờ là nghệ thuật". Theo Y Phương, một tác giả có thơ được chọn vào sách giáo khoa lớp 9: "Thơ đưa vào sách giáo khoa cần phải mang yếu tố "classic", phải là một cái đẹp chuẩn mực của văn chương, một cái đẹp chuẩn mực của tư tưởng nghệ thuật".

Một tác giả không muốn lộ diện xếp "Bắt nạt" vào hàng "thơ dở". Ông đưa ra lý do: "Ép vần và khiên cưỡng". Theo ông, "Bắt nạt" không những hỏng hình thức còn hỏng cả nội dung: "Bắt nạt" dạy trẻ con cực kỳ nguy hiểm: Thỏa hiệp với hành vi bắt nạt. Sao lại viết: "Bạn nào bắt nạt bạn/Cứ đưa bài thơ này"? Đó là cách ru ngủ trẻ con. Đáng ra phải dạy trẻ biết phân biệt đâu là công bằng, đâu là bạo lực, phải có lòng can đảm để chống lại sự bắt nạt. Ít nhất phải mách cô giáo, phải vạch mặt kẻ bắt nạt trước đám đông. Sao lại thách kẻ bắt nạt ăn mù tạt? Vớ vẩn. Bài thơ cực kỳ hỏng về nội dung. Nội dung còn hỏng hơn cả thủ pháp nghệ thuật".

Không chỉ "phê" bài thơ, tác giả xin giấu tên còn đánh giá cả những người tuyển chọn tác phẩm đưa vào sách giáo khoa bằng bốn chữ: "Cực kỳ nông cạn". "Có lẽ những người tuyển chọn chỉ đọc văn bản trên bề nổi, trẻ con không bắt nạt nhau, không đánh nhau, nói rộng ra, cả thế giới không bắt nạt nhau… Thế giới thì liên quan gì tới bọn trẻ con? Bài thơ định nói với trẻ con hay nói với cả thế giới? Nói chung đây là bài thơ bố cục lộn xộn, ngôn ngữ rất bình thường, thông điệp không đúng trong giáo dục trẻ", ông nói.

Đưa vào sách giáo dục công dân thì… xuất sắc quá!

Một nhà thơ đánh giá: "Bắt nạt không tệ, không kém, nó nằm ở mức trung bình. Tôi cho rằng, người ta mượn "Bắt nạt" để đánh tác giả. Bản thân tôi, cũng không thích Nguyễn Thế Hoàng Linh, đọc của anh này cứ thấy tào lao. Nhưng "Bắt nạt" thì không tệ đến mức bị "ném đá" kịch liệt thế. Có điều, theo tôi, đưa "Bắt nạt" vào SGK lớp 6 thì không ổn. Bởi bài thơ nôm na quá. Với học sinh lớp 6 cần hướng các bạn ấy đến giá trị thơ ca ở mức nào đó".

Tác giả Nguyễn Phong Việt cũng đồng quan điểm với nhiều nhà thơ khác, "Bắt nạt" không phải bài thơ hay: "Nó không phức tạp, không cầu kỳ về mặt câu chữ, cũng chẳng có ẩn ý gì sâu xa, để người đọc phải suy nghĩ khi tiếp cận. Nó giống như câu chuyện của trẻ con, được kể ra một cách đơn giản.

Tuy không phải bài thơ hay nhưng khi dạy tác phẩm này, thầy cô sẽ có điều kiện để mở rộng chủ đề. Họ sẽ nói được với những đứa trẻ lớp 6 về việc bắt nạt là gì? Tại sao các bạn không nên bắt nạt nhau? Nếu bạn ở vị trí thế yếu thì bạn ứng xử thế nào khi bị bắt nạt? Còn nếu bạn thuộc phe đi bắt nạt thì suy nghĩ thế nào về hành động xấu xí đó…

Tôi thích bài thơ ở góc độ "giáo dục công dân", nó đi vào chủ đề bạo lực học đường, vấn nạn hiện nay trong trường học. Còn phân tích bài thơ ở giá trị nghệ thuật thì không có nhiều điều để nói". Theo Nguyễn Phong Việt nếu đưa bài "Bắt nạt" vào sách giáo dục công dân thì "thật là xuất sắc", không phải bàn cãi.

"Bắt nạt" là "thuốc thử"?

Tác giả bài thơ "Bắt nạt" từ chối trả lời phỏng vấn: "Vì tôi đã trả lời trên 2 báo khác rồi, đã nói hết vấn đề rồi nên xin không trả lời nữa, để không bị quá thừa thông tin. Tôi rất khắt khe với việc trả lời phỏng vấn". Phóng viên tiếp tục hỏi: "Không thấy anh khắt khe trên mạng, sao khắt khe với báo chí?". Nguyễn Thế Hoàng Linh đáp: "Trên mạng tôi cũng có sự khắt khe riêng, tùy mọi người hiểu. Trong một bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh, nhan đề "Thế giới đẹp tươi", mới đưa facebook cách đây đôi ngày có đoạn kết: "Bắt nạt" là thuốc thử/Cho nhân cách mỗi người/Và cũng cho thẩm mỹ/Tự chọn nhé loài người". Từ việc đưa vào sách giáo khoa, "Bắt nạt" đã lại thành… "thuốc thử" của nhân cách và thẩm mỹ. Thật là…

Nông Hồng Diệu

Tiền Phong

Xem thêm: nhc.4363659022801202-gneit-nel-is-iht-ueihn-ad-hcag-nahn-tan-tab-oht-iab/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bài thơ Bắt nạt nhận 'gạch, đá', nhiều thi sĩ lên tiếng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools