Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Singapore sáng 22-8, bắt đầu công du Đông Nam Á - Ảnh: Reuters
Chuyến thăm của bà Harris vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch dù chính quyền Tổng thống Joe Biden bị chính giới trong nước chỉ trích bỏ lơ người nhập cư từ Mỹ Latin và cuộc rút quân không êm ả ở Afghanistan.
Điều này thể hiện quan điểm nước Mỹ coi trọng khu vực Đông Nam Á trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của mình.
Hợp tác chống dịch COVID-19
Ở Singapore, bà Harris sẽ có cuộc gặp và họp báo chung với Thủ tướng Lý Hiển Long. Còn ở Việt Nam, mặc dù vẫn chưa có danh sách chính thức các nhân vật lãnh đạo Việt Nam mà bà Harris sẽ tiếp kiến.
Tuy nhiên, cuộc gặp mong đợi nhất là giữa Phó tổng thống Kamala Harris và Thủ tướng Phạm Minh Chính để thảo luận trực tiếp về ba vấn đề chính mà cả hai nước quan tâm hiện nay bao gồm cùng hợp tác chống dịch COVID-19, thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh trong khu vực.
Cho đến nay, Mỹ được coi là quốc gia giúp đỡ Việt Nam hào phóng nhất trong các nỗ lực hợp tác nhằm chấm dứt những ảnh hưởng kinh tế và sức khỏe cộng đồng của đại dịch COVID-19. Chính phủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 5 triệu liều vắc xin Moderna và 20,9 triệu USD để chống dịch, trong đó có 12,5 triệu USD từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), 7,2 triệu USD từ Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC).
Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào cuối tháng 7 vừa qua, Mỹ đã cam kết tặng Việt Nam 77 tủ đông âm sâu để bảo quản vắc xin COVID-19. Dự kiến các tủ này sẽ tới Việt Nam vào cuối tháng 8, nhanh hơn so với kế hoạch trước đây. Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức nhưng có nhiều đồn đoán rằng bà Harris sẽ có tuyên bố về viện trợ thêm vắc xin cho Việt Nam, phù hợp với các tủ đông âm sâu.
Bà Harris cũng sẽ dự lễ khai trương văn phòng CDC Mỹ tại Hà Nội trở thành văn phòng chính cho khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một điểm son cho những thành quả hợp tác y tế công cộng dự phòng giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm qua khi Mỹ tín nhiệm Việt Nam trở thành đầu mối chính cho những hoạt động của văn phòng CDC của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á.
CDC Mỹ đã bắt đầu giúp Việt Nam từ năm 1998 để cải thiện năng lực ngăn chặn, phát hiện và đối phó các căn bệnh truyền nhiễm. Chính cơ quan này cũng đã giúp đào tạo huấn luyện các nhân viên y tế Việt Nam công tác xét nghiệm chẩn đoán đối với các tác nhân gây bệnh COVID-19.
Trấn an đồng minh, đối tác
Chuyến thăm của bà Harris cũng nhằm trấn an các quốc gia đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á rằng khu vực này sẽ không bị bỏ rơi như dưới thời tổng thống Trump khi ông từ bỏ Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiếm khi tham dự các cuộc gặp cấp cao ở khu vực.
Trung Quốc đang có một chính sách ngày càng mạnh bạo hơn ở khu vực Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này đã khiến chính quyền Tổng thống Biden không thể không làm an lòng các quốc gia đồng minh và đối tác về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Sức ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng đối với các quốc gia trong khu vực sẽ làm xói mòn uy tín của Mỹ khi Trung Quốc thực hiện các chiến dịch ngoại giao vắc xin.
Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cũng tạo nhiều hy vọng cho các quốc gia châu Á về việc Mỹ sẽ tái xoay trục về khu vực này. Bà Harris được mong đợi cung cấp những kế hoạch cụ thể hơn về những cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực.
Thông qua chuyến thăm của bà Harris, nước Mỹ gửi một thông điệp rõ ràng rằng họ sẽ giúp đỡ các quốc gia trong khu vực và cùng hợp tác để giải quyết những vấn đề chung. Tất nhiên, nước Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giúp đỡ này.
Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung phục hồi mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19 cũng sẽ góp phần nâng cao uy tín của Mỹ về vai trò lãnh đạo trong khu vực, vốn bị sứt mẻ đôi chút sau sự kiện Afghanistan.
Tìm giải pháp cho chuỗi cung ứng
Thương mại cũng là một chủ đề chính trong chuyến thăm Việt Nam của bà Harris. Việt Nam đang trở thành một đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Mỹ.
Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đang chiếm tỉ trọng ngày càng lớn đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Tính tới đầu năm 2021, Mỹ chiếm khoảng 30% trong tổng số xuất khẩu của Việt Nam, bỏ xa quốc gia thứ hai là Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 53,7 tỉ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam cũng là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam để sản xuất hàng đi Mỹ. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm chuỗi cung ứng bị tổn thương và đứt gãy, đặc biệt là các ngành máy móc, công nghệ. Do đó, chuyến thăm của bà Harris cũng nhằm tìm giải pháp bảo đảm các hoạt động của giới kinh doanh Mỹ không bị gián đoạn trong bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu được chuyên môn hóa và tập trung hóa cao độ.
TTO - "Việt Nam hoan nghênh lãnh đạo các nước, trong đó có lãnh đạo Mỹ, đến thăm Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định. Hiện hai nước đang tiến hành phối hợp thu xếp cho chuyến thăm của bà Kamala Harris.
Xem thêm: mth.54842242222801202-man-teiv-o-ig-mal-sirrah-alamak-ym-gnoht-gnot-ohp/nv.ertiout