Vấn nạn phim lậu vi phạm bản quyền tại Việt Nam đang khiến các nhà quản lý "đau đầu". Theo thống kê của Cục Điện ảnh, có hơn 400 website tiếng Việt công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim trên mạng, 60 - 70% số phim trên các website không có bản quyền.
Mới đây, web phim lậu với số lượng lớn - phimmoi.net - đã bị Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã mở rất nhiều đợt truy quét nhằm vào các website vi phạm bản quyền, nhưng chỉ được ít lâu, các trang này nhanh chóng "sống lại" dưới các tên miền mới.
Nguyên nhân được chỉ ra là do chủ các website vi phạm bản quyền thường đặt máy chủ ở nước ngoài, thuê dịch vụ lưu trữ đám mây của Facebook, Google, Fshare... không giới hạn dung lượng với giá rất rẻ để lưu trữ phim. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có quy định nào về việc chặn các địa chỉ giao thức Internet vi phạm bản quyền.
Vấn nạn phim lậu vi phạm bản quyền tại Việt Nam đang khiến các nhà quản lý "đau đầu". (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Góc nhìn trên tờ Đầu tư cho rằng, cần sớm nghiên cứu bổ sung các quy định, chế tài nhằm kiểm soát chặt chẽ vấn đề vi phạm bản quyền, tạo môi trường thúc đẩy kinh doanh nội dung phát triển.
Từ “3 tại chỗ” đến “4 xanh” không đơn giản
Thời điểm này, vấn đề thay đổi phương án sản xuất kinh doanh đang được cộng đồng doanh nghiệp phía Nam đặc biệt quan tâm. Bởi theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tại hơn 50 công ty đang thực hiện mô hình "3 tại chỗ" (3T), chi phí phát sinh thêm cho mỗi người lao động khoảng 9,3 triệu đồng/tháng, tương đương một tháng thu nhập.
Như vậy, doanh nghiệp phải tăng gánh nặng gấp đôi. TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra bốn phương án sản xuất mới cho doanh nghiệp lựa chọn. Một trong số đó là "4 xanh", nghĩa là, một số công nhân ở lại nhà máy thực hiện 3T, còn một số vẫn đi làm và về nhà, dựa trên 4 tiêu chí: nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.
Tuy nhiên, tờ The SaigonTimes dẫn băn khoăn của một số doanh nghiệp, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể từ cơ quan chức năng nên doanh nghiệp vẫn phải chờ những hướng dẫn chi tiết, quy định cụ thể về phòng chống dịch của cơ quan chức năng để bắt tay ngay vào thực hiện.
Xuất khẩu gạo lao đao trong đại dịch
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 7 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm gần 13%. Đứt gãy chuỗi cung ứng chính là lý do dẫn đến tình trạng này.
Theo Bộ Công Thương, hiện nhiều thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo mới, do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giá vận tải tăng cao. Hiện, chi phí thuê một container đi Mỹ, châu Âu lên tới 15.000 USD, cao hơn cả giá trị gạo trong đó.
Tình trạng này nếu tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu và nguy cơ mất thị trường, nhất là các thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Malaysia.
Để tháo gỡ khó khăn, mới đây, Bộ Công Thương đã đề nghị xây dựng phương án "luồng xanh" cho vận tải đường thủy để giải tỏa tắc nghẽn vận chuyển lúa gạo; đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm thu mua.
VTV.vn - Bên cạnh vấn đề xem lậu, điện ảnh Việt Nam hiện phải đối mặt với một hiện tượng khó giải quyết khác là những video tóm tắt, tiết lộ nội dung phim.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.69501029032801202-neyuq-nab-mahp-iv-ned-gnuv-nan-ped/et-hnik/nv.vtv