Dù dịch COVID-19 đang diễn biến căng thẳng, năng lực sản xuất của Việt Nam vẫn đủ để vừa xuất khẩu vừa đảm bảo an ninh lương thực.
Nguồn cung lương thực, thực phẩm trong dịch bệnh dồi dào
An ninh lương thực là nhiệm vụ rất quan trọng, gắn liền với công tác an sinh xã hội và luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến căng thẳng hiện nay.
Theo Bộ NNPTNT, năm 2021, tổng sản lượng lúa gạo của Việt Nam đạt khoảng 43,3 triệu tấn, ngoài đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, cất trữ giống, chế biến thức ăn chăn nuôi và chế biến trong nước, sản lượng gạo còn dư từ 6-6,5 triệu tấn để phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sản lượng thịt xẻ các loại đạt trên 6 triệu tấn, sữa tươi 2,5 triệu tấn, trứng gia cầm 15 tỉ quả; sản lượng thủy sản khoảng 8-9 triệu tấn... hoàn toàn đủ năng lực đảm bảo tiêu dùng và đáp ứng vấn đề an ninh lương thực.
Tuy nhiên, trong khi các nước đẩy mạnh mua vào, thì Việt Nam có nên duy trì đà xuất khẩu lương thực khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo; 8-8,5 triệu tấn thủy sản; 3,3 triệu tấn rau quả/năm như trước đây hay nên tập trung vào dự trữ, đảm bảo nguồn cung trong nước và giảm các yếu tố bất ngờ khi dịch bệnh COVID-19 có thể diễn biến xấu hơn nữa?
Có nên xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An Cần Thơ), khẳng định: Trong bối cảnh vừa sản xuất, vừa chống dịch, công tác an ninh lương thực ở Việt Nam luôn luôn được đảm bảo. Minh chứng rất chân thực đó là trên dưới 100 nghìn tỉ của Nhà nước đã chi ra giúp đỡ người dân trong đó có những người yếu thế, lao động tự do...; Chính phủ cũng vừa xuất cấp 130.000 tấn gạo từ kho dự trữ của Quốc gia được cấp phát không thu tiền đối với tất cả người dân ở các địa phương bị thiếu do dịch bệnh gây lên, và nếu còn khó khăn Chính phủ sẽ tiếp tục trợ cấp hàng trăm nghìn tấn gạo nữa.
“Việt Nam là một quốc gia luôn dư thừa gạo, hàng năm phải xuất khẩu trên dưới 7 triệu tấn gạo các loại. Càng trong đại dịch càng phải chú trọng sản xuất, trồng lúa đi đôi với xuất khẩu gạo để ngành hàng lúa, gạo không bị đứt gẫy chuỗi sản xuất; mà ngành hàng lúa gạo kinh doanh thông suốt là điểm tựa vững chắc cho nhiều ngành khác chống dịch thành công” – doanh nhân Phạm Thái Bình chia sẻ.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, gạo tiêu dùng trong nước luôn dồi dào, dư dả hàng chục năm nay, gạo để xuất khẩu không liên quan gì đến gạo tiêu dùng trong nước. Nếu Việt Nam luôn gắn sản xuất canh tác trồng lúa với năng lực tiêu thụ như nhiều năm gần đây thì không bao giờ Việt Nam thiếu gạo.
“Tăng cường xuất khẩu gạo sẽ hỗ trợ tiêu thụ lúa cho dân được tốt hơn, giúp giá lúa giữ ổn định, do vậy sẽ kích thích nông dân đẩy mạnh sản xuất, tạo nguồn cung dồi dào hơn” – ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: Chỉ nên dừng xuất khẩu khi nguồn cung trong nước giảm, không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Nhưng hiện nay, trên tổng thể nguồn cung dồi dào, dư thừa nên càng khuyến khích xuất khẩu.
Không riêng mặt hàng gạo, các ngành hàng trái cây, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm cũng rất dồi dào vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vừa đảm bảo dự trữ quốc gia để phòng các sự cố thiên tai, dịch bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), hiện tại chưa có dấu hiệu thiếu hụt nguồn hàng nên chưa cần vội vã giảm xuất khẩu tăng dự trữ và tồn kho dễ bị đối thủ chiếm mất thị trường.
“Việc quan trọng nhất là cần sớm kiểm soát dịch bệnh để tránh rơi vào trạng thái thiếu hụt hay bất ổn không đáng có. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu để tận dụng cơ hội thị trường cả trong và ngoài nước. Thậm chí cần có chiến lược cạnh tranh để mở rộng thị trường thay đổi vị thế so với đối thủ” – PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nêu ý kiến.