Ngày 23-8, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, đã chủ trì hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các địa phương về công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Cả hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai dốc toàn lực cho cao điểm chống dịch, phấn đấu sớm kiểm soát dịch bệnh theo mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Xét nghiệm diện rộng cho khoảng 2,1 triệu người
Tại cuộc họp sáng 23-8, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết từ đầu đợt dịch mới đến nay, toàn tỉnh có khoảng 18.500 ca nhiễm, hơn 130 người tử vong, đang điều trị cho hơn 11.000 bệnh nhân COVID-19.
Đồng Nai huy động toàn bộ lực lượng xét nghiệm diện rộng cho khoảng 2,1 triệu người trong tỉnh, ưu tiên ở bốn địa phương ở vùng đỏ là TP Biên Hòa; các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Nhơn Trạch nhằm bóc tách F0 và những người tiếp xúc gần ca nhiễm ra khỏi cộng đồng trong thời gian sớm nhất để khống chế lây nhiễm.
Mục tiêu của chiến dịch xét nghiệm là 100% người dân tại vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; 100% đại diện hộ gia đình tại vùng nguy cơ và 20% đại diện hộ gia đình vùng bình thường mới được lấy mẫu xét nghiệm. Thời gian triển khai đến ngày 31-8.
Đến nay, toàn tỉnh có 388.652 người được tiêm vaccine, trong đó có 45.212 người đã tiêm đủ hai liều.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Ban
chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: V.HỘI
Còn ở Bình Dương, số ca F0 vẫn đang tiếp tục tăng cao nên tỉnh áp dụng biện pháp mạnh “khóa chặt, đông cứng” bảy phường của thị xã Tân Uyên (Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Hiệp) và bốn phường của TP Thuận An (Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa) 15 ngày, bắt đầu từ ngày 22-8. Bốn phường tại TP Dĩ An gồm Dĩ An, An Bình, Tân Đông Hiệp và Đông Hòa cũng bị phong tỏa trong vòng bảy ngày, bắt đầu từ ngày 23-8.
Trong suốt thời gian này, người dân “ai ở đâu ở yên đó”, chính quyền địa phương phối hợp với quân đội sẽ cung cấp lương thực đến cho người dân.
Theo đánh giá của chính quyền tỉnh Bình Dương, khi truy quét sàng lọc thì số lượng F0 tại các địa phương này sẽ tăng cao nên tỉnh chuyển 17.000 F0 cho các địa phương khác hỗ trợ tiếp nhận, điều trị tạm.
Công an phải chốt chặn nghiêm tại khu vực giáp ranh. Đối với các phương tiện nào có nghi ngờ thì phải kiểm tra cốp xe, thùng xe, tránh tình trạng người dân trốn trong đó để qua chốt. Phải làm thật sự nghiêm mới có thể sớm kiểm soát được dịch… Nếu để dịch bệnh tiếp tục bùng phát, lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm. Ông CAO TIẾN DŨNG, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai |
Không để dân đói
Tại cuộc họp ở Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo “không để dân đói” khi phòng chống dịch bệnh.
“Các đồng chí bí thư cấp ủy phải lấy sinh mệnh chính trị của mình để đảm bảo việc này. Nếu để một hộ dân nào đói thì bí thư phải chịu trách nhiệm. Các đồng chí phải cam kết việc này vì đó là chỉ thị của Bộ Chính trị và của Chính phủ…” - ông Lĩnh nói.
Ông cũng chỉ đạo lập tổ công tác đưa những người lang thang về nhà hoặc vào các cơ sở bảo trợ và xem họ là nạn nhân để hết lòng, hết sức giúp đỡ. Mỗi đơn vị cấp huyện cần có ít nhất 10 số điện thoại để tiếp nhận thông tin, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn…
Còn ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh đang thực hiện theo chiến lược của Bộ Y tế, huy động tối đa nguồn lực, cơ sở vật chất và tiếp nhận sự hỗ trợ, chi viện của Bộ Y tế và các tỉnh, thành trên cả nước.
“Bình Dương đẩy mạnh công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn bằng việc rút ngắn các thủ tục, hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền điện, nước cho người dân, đặc biệt là những công nhân tại các khu nhà trọ” - ông Minh thông tin.
Ngày 23-8, Sư đoàn 5 Quân khu 7 đưa 500 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng chống dịch. Tính từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, đã có 1.000 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị này tham gia hỗ trợ tỉnh Bình Dương.
Công an tỉnh Bình Dương cũng tiếp nhận 250 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung bộ - E28 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) tăng cường cho Bình Dương chống dịch. Từ đầu đợt dịch đến nay, Bộ Công an cũng tăng cường chi viện cho Bình Dương hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ.
Tính từ đợt dịch thứ tư, tỉnh Bình Dương ghi nhận trên 70.200 ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 500 trường hợp tử vong.
Long An quyết kiểm soát dịch trước 1-9 Ngày 23-8, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Long An. Theo đó, để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh trước ngày 1-9, các địa phương kêu gọi, vận động người dân “ai ở đâu ở yên đó”, thực hiện giãn cách xã hội triệt để, nghiêm ngặt, tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông. Các địa phương thực hiện tốt công tác chăm lo an sinh xã hội, không bỏ sót những trường hợp khó khăn. Tỉnh cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn tỉnh trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bệnh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Các địa phương phối hợp với Sở Y tế đảm bảo nhu cầu chăm sóc y tế tại chỗ cho người dân theo mô hình trạm y tế lưu động ở vùng đỏ… Từ ngày 23 đến hết 30- 8, Long An lập thêm các trạm, chốt kiểm soát. Một số nơi như TP Tân An, huyện Thủ Thừa ngừng phát phiếu đi mua hàng thiết yếu, Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn và thông tin số điện thoại hỗ trợ của các cửa hàng cung cấp hàng hóa thiết yếu cho xã, phường để thông báo cho người dân. Người dân chỉ được ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm vaccine theo yêu cầu của chính quyền địa phương, các trường hợp cấp cứu…, kể cả mua thuốc cũng liên lạc qua điện thoại hoặc ghi phiếu nhu cầu gửi đội phản ứng nhanh, tổ COVID-19 cộng đồng, ấp, khu phố… để được hỗ trợ. Long An có gần 19.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 99,5% là ca cộng đồng và tỉnh này đã tiêm gần 480.000 liều vaccine trong số 657.000 liều do Bộ Y tế cấp. ĐÔNG HÀ |