Chiều 23-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết theo số liệu của Công an TP, tính từ 0 giờ ngày 23-8 đến trưa cùng ngày, lượng phương tiện giao thông ra đường giảm 85% so với ngày 22-8. “Đây là tín hiệu vui cho công tác phòng chống dịch COVID-19” - ông Hải nói.
Người phát ngôn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết trong đợt tăng cường giãn cách này, sau khi có Công điện 1099 của Thủ tướng, TP.HCM sẽ xét nghiệm toàn bộ các vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng và vùng xanh - tức là xét nghiệm toàn TP.HCM.
“Trong thời gian tới, khi TP triển khai xét nghiệm COVID-19 diện rộng, dự kiến số lượng F0 sẽ tăng. Lúc đó, người dân phải bình tĩnh và liên hệ với trạm y tế lưu động, các cơ quan như tổ phản ứng nhanh để được tư vấn” - ông Hải nói và cho biết ai có điều kiện sẽ điều trị tại nhà. Những trường hợp có triệu chứng nặng, có bệnh lý nền như béo phì, tiểu đường… thì sẽ được đưa vào cơ sở cách ly tập trung của TP.
Trả lời về việc trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội từ nay đến ngày 6-9, người dân có được đến nhà thuốc để mua thuốc hay không, ông Phạm Đức Hải cho biết hiện nay dù các nhà thuốc vẫn mở cửa nhưng người dân không được tự đi mua. “Tổ công tác đặc biệt tại mỗi phường/xã, thị trấn sẽ giúp người dân đi mua thuốc” - ông Hải nói.
Về câu hỏi trường hợp người bị bệnh bình thường tại nhà mà không phải mắc COVID-19 thì xử lý thế nào, ông Phạm Đức Hải cho biết đối với các bệnh thông thường, người dân đến bệnh viện bằng taxi. Theo đó, người dân có thể gọi cho hai hãng xe là Vinasun và Mai Linh. Hiện nay, TP có khoảng 500 taxi của hai hãng này để phục vụ hoạt động này.
Đối với bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng thì liên hệ tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động và tổng đài 115. Hiện tại, TP đang khẩn trương lập 400 trạm y tế lưu động để hỗ trợ người dân. Ngoài ra, TP cũng phân bổ khoảng 260 xe Phương Trang về 22 quận, huyện và TP Thủ Đức để đưa bệnh nhân F0 chuyển nặng đến bệnh viện.
Đi tiêm vaccine trong hai tuần siết giãn cách ra sao? Trả lời câu hỏi về việc người dân đi tiêm vaccine như thế nào trong hai tuần tăng cường giãn cách, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết người dân chỉ cần đảm bảo một trong hai điều kiện: Có phiếu tiêm ngừa vaccine hoặc có tin nhắn thông báo của cơ quan chức năng mời đi tiêm vaccine. Riêng những trường hợp người lao động ngoại tỉnh nhưng làm việc tại doanh nghiệp trong TP.HCM, TP chỉ cho phép vào TP tiêm vaccine nếu doanh nghiệp tổ chức xe đưa, đón tập trung ra, vào TP. “Các trường hợp tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân sẽ phải quay đầu” - ông Hà nói và cho rằng nếu người ngoại tỉnh đi vào TP.HCM rồi lại đi ra thì sẽ làm lây lan dịch bệnh cho các địa phương khác. |