Khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra một phương thức mới nhằm điều chỉnh chính sách tiền tệ tại hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole vào 1 năm trước, nước Mỹ vừa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch. Sự kiện diễn ra sau 1 thập kỷ tăng trưởng chậm chạp, với lạm phát thấp hơn mục tiêu.
Powell và các quan chức Fed đã lựa chọn một khuôn khổ chiến lược mới, được các nhà kinh tế Ellen Zentner – đến từ Morgan Stanley, cho biết hiện đã được áp dụng thành hướng đi chính: Nới lỏng chính sách tiền tệ để nỗ lực để giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức không bền vững như trước đây và cam kết để lạm phát vượt quá mục tiêu 2% trong một khoảng thời gian.
Những rủi ro, "vận xui" mà Fed phải đối mặt
Khi sự kiện Jackson Hole năm nay sắp diễn ra , "bức tranh toàn cảnh" về nền kinh tế đã có nhiều khác biệt. Phần lớn nhờ gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD của chính phủ, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ấn tượng, khi nhiều nhà tuyển dụng thậm chí còn phàn nàn họ không thể tìm đủ nhân công. Ngoài ra, lạm phát cũng tăng trở lại, khi nhu cầu bị dồn nén cuối cùng cũng được "giải toả" đã đẩy CPI vượt mục tiêu lên 4%.
Con số đó cao hơn mức trung bình mà các nhà hoạch định chính sách hướng tới. Mối lo ngại hiện tại là điều chỉnh các chính sách đã được thực hiện trong 1 năm và việc tiếp tục áp dụng sẽ gây hại cho nền kinh tế. Hơn nữa, nỗi sợ lớn hơn là Fed sẽ "chậm chân" trong việc kiềm chế lạm phát, khiến mức giá tăng bền vững cùng với bong bóng bất động sản phình to. Sau đó, NHTW sẽ buộc phải nâng lãi suất và đà phục hồi sẽ bị "chệch hướng".
Mohamed El-Erian – trưởng nhóm tư vấn kinh tế tại Allianz SE, nhận định: "Khuôn khổ chính sách trước đó của Fed được điều chỉnh theo bối cảnh thế giới thiếu hụt tổng cầu. Sau đại dịch, chúng ta đang chứng kiến nhu cầu tăng vọt và vấn đề chính nằm ở nguồn cung." Theo ông, khả năng 40% Fed sẽ áp dụng chính sách được thắt chặt và cuối cùng là "hãm phanh", điều này có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Ông Jerome Powell và cựu chủ tịch BOE - Mark Carney, tại Jackson Hole năm 2019.
Trước mắt, việc Fed điều chỉnh chính sách sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. 4 năm đảm nhận vị trí Chủ tịch NHTW của ông Powell sẽ kết thúc vào tháng 2. Trong khi đó, Tổng thống vẫn chưa bổ nhiệm người thay thế ông Powell, trong bối cảnh cuộc tranh luận về việc chính sách "siêu kích thích" sẽ được duy trì trong bao lâu đang diễn ra. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, bà ủng hộ việc tái bổ nhiệm ông Powell.
Ở phía khác, ông Biden đang hứng chịu sự phản đối từ các thành viên đảng Cộng hoà, khi họ chỉ trích gói kích thích của ông đã châm ngòi cho tình trạng lạm phát tăng vọt. Ngoài ra, họ còn cảnh báo điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra nếu đảng Dân chủ thông qua chương trình trị giá 3,5 nghìn tỷ USD.
Ngoài ra, ông Powell và giới chức nước này cũng đang "mắc kẹt" với quan điểm cho rằng lạm phát gia tăng phần lớn chỉ là tạm thời, tình hình sẽ được cải thiện khi chuỗi cung ứng hoạt động trơn tru trở lại.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed lại thừa nhận rằng ông lo ngại về triển vọng, khi có nhiều lời phàn nàn rằng mức giá đã tăng quá cao. Sau đó, ông cảnh báo "chúng ta sẽ chứng kiến một giai đoạn lạm phát kéo dài". Ông cũng bắt đầu thực hiện các cuộc đàm phán về việc giảm quy mô của chương trình mua trái phiếu và có thể sẽ đưa ra tín hiệu trong sự kiện tuần này. Tháng trước, hầu hết các quan chức Fed đều đánh giá rằng việc cắt giảm bắt đầu từ năm nay là phù hợp.
"Lạm phát mục tiêu linh hoạt" là chiến thuật được Fed sử dụng vào năm ngoái. Trọng tâm của NHTW đã chuyển từ việc kiềm chế lạm phát ở mức 2%, sang thúc đẩy lạm phát và đưa ra mục tiêu rõ ràng để nền kinh tế "chạy" theo hướng đó trong một thời gian. Khuôn khổ này cũng ngược lại với chiến lược có từ lâu của Fed là nhằm chống lại lạm phát – vốn được cựu Chủ tịch Fed William McChesney Martin đưa ra.
Fed sẽ nâng hay hạ lãi suất?
Fed sẽ không tăng lãi suất để tránh lạm phát tăng cao, trong bối cảnh thị trường lao động gặp khó khăn. Thay vào đó, NHTW sẽ để tỷ lệ thất nghiệp giảm thấp nhất có thể và tìm cách kiềm chế khi lạm phát tăng cao trở thành một vấn đề. Fed đã có cách tiếp cận ôn hòa hơn khi duy trì chính sách đến khi các điều kiện nhất định của nền kinh tế được đáp ứng.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers nhận thấy trạng thái "bình thường mới" đối với lạm phát ở Mỹ là trên 3%. Sau đó, Fed sẽ quyết định liệu họ có chấp nhận mức đó hay nỗ lực kiểm soát mức tăng nóng hay không.
Ông Powell đã đánh giá về khuôn khổ này vào đầu năm 2019, trước khi đại dịch diễn ra. Mục đích là để tránh tình trạng giảm phát như Nhật Bản diễn ra trong suốt 3 thập kỷ. Ông nhận thức rõ rằng tình hình hiện tại của Mỹ khác xa so với dự kiến khi khuôn khổ này được đưa ra. Đó không phải là việc lạm phát tạm lắng khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, mà là lạm phát leo thang và tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn trước đại dịch.
Do đó, việc nâng lãi suất để ngăn chặn áp lực giá sẽ khiến nhiều người Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp hơn. Trong khi đó, nếu duy trì lãi suất thấp, lạm phát sẽ tăng vọt như những gì đã xảy ra vào những năm 1960 và 1970.
Ông Powell tin rằng, thử thách thực sự của khuôn khổ này sẽ đến khi Fed quyết định nâng lãi suất – một động thái mà theo ông phải mất một thời gian dài nữa mới thực hiện. Song, một cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra nếu ông nhận định sai về lạm phát, buộc Fed phải nâng lãi suất trước khi nền kinh tế đạt mục tiêu về tỷ lệ thất nghiệp. Thành công của chiến lược mới có thể nằm ở khả năng của Fed trong việc thuyết phục người Mỹ rằng NHTW đã đúng về lạm phát.
Theo Catherine Mann – nhà hoạch định chính sách của NHTW Anh, một câu hỏi quan trọng khác là liệu mức lương mà một số người lao động nhận hiện tại và mức định giá cao mà các công ty đang được hưởng khi nền kinh tế tăng tốc có thực sự xứng đáng hay không?. Bà nhận định, câu trả lời là không, vì tăng trưởng chậm lại sẽ trở thành lực cản với "vòng xoáy" lương và giá cả.
Cuối cùng, điều quan trọng là Fed coi đâu là rủi ro lớn hơn đối với nước Mỹ: Bị mắc kẹt trong vòng xoáy giảm phát như Nhật Bản khi sự tiến bộ của công nghệ và toàn cầu gây áp lực cho giá cả, hay quá trình lạm phát với mọi chi phí leo thang như cách đây nửa thế kỷ.
Hiện tại, Chủ tịch Fed đang đặt cược rằng yếu tố thứ nhất là mối nguy hiểm lớn hơn trong dài hạn và chưa thắt chặt điều kiện tín dụng. Con đường phía trước sẽ không còn dễ dàng khi Fed nỗ lực hướng nền kinh tế đến đúng mục tiêu lạm phát và thị trường việc làm.
Tham khảo Bloomberg