vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyên gia phân tích chiến lược vaccine trong lộ trình 'bình thường mới'

2021-08-25 09:11

TP.HCM đang bước vào những ngày siết chặt giãn cách để hướng tới mục tiêu có thể “bình thường mới” trong thời gian sớm nhất tới đây. Một mũi nhọn quan trọng chính là thực hiện chiến lược tiêm vaccine.

Một số chuyên gia cho rằng từ nay đến 15-9, TP cần thúc đẩy công suất tiêm vaccine, hướng tới mục tiêu trên 90% dân số từ 18 tuổi ở TP được tiêm vaccine, trong đó có trên 50% đã tiêm đủ hai mũi, đến có thể bước vào giai đoạn chuyển tiếp quá trình “bình thường mới”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, gợi ý nhiều giải pháp cho chiến dịch tiêm chủng của TP.

Cần tiêm vaccine cho bao nhiêu người dân?

. Phóng viên: Theo Cổng thông tin tiêm chủng covid-19 thì tính đến ngày 24-8, TP.HCM đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi cho 79,4% dân số từ 18 tuổi trở lên. Trong khi đó, cũng trong ngày 24-8, Sở Y tế TP.HCM lại công bố TP đã tiêm ít nhất 1 mũi cho 76,4% dân số từ 18 tuổi trở lên. Vì sao lại có độ chênh lệch này về thống kê tiêm vaccine, và độ chênh này có ảnh hưởng như thế nào đến chiến dịch tiêm chủng nói riêng và chống dịch nói chung?

+ Ông Nguyễn Xuân Thành: Số lượng dân số là rất quan trọng vì nó là cơ sở để TP.HCM được phân bổ vaccine. Số liệu thống kê dân số hiện nay có nhiều nguồn khác nhau. Ở đây tôi thấy Sở Y tế TP thì ước tính TP có hơn 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên; trong khi trên Cổng thông tin tiêm chủng của Bộ Y tế thì xác định TP chỉ có khoảng hơn 6,9 triệu.

Tuy nhiên, tôi cho rằng con số thống kê này, vốn dựa trên tổng điều tra dân số năm 2019 vào ước tính cho 2020, không phản ánh thực tế dân số ở TP.HCM. Dân số thực tế của TP hiện nay theo tôi là cao hơn đáng kể. Trong khi dân số mỗi năm ở TP thì chỉ ước tính dựa vào tăng dân số tự nhiên và cơ học.

Tiếp nữa, rất nhiều người dân đang sống, làm việc ở TP nhưng không được tính (vì họ đến TP làm việc vãng lai, họ chưa đăng ký thường trú tại TP và vì nhiều lý do khác). Như vậy, cần phải dựa thêm vào các thông tin từ phía công an, từ các thông kê sử dụng dịch vụ công như điện, nước, internet… để tính toán dân số chính xác hơn.

Ngay cả khi loại trừ những người vãng lai (ví dụ ở các khách sạn) và những người đã về quê, thì tôi cho rằng dân số từ 18 tuổi trở lên ở TP.HCM trên thực tế có thể nằm ở đâu đó từ 8,5 đến 9 triệu người, tức là TP cần phải có 17 đến 18 triệu liều vaccine để người dân được tiêm chủng đầy đủ (2 mũi).

Như vậy, nếu chúng ta dựa vào các con số thống kê công bố như Sở Y tế TP hoặc như Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 thì sẽ thiếu một lượng đáng kể, lên đến hàng triệu người chưa được tiêm vaccine. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch phủ xanh vaccine nhằm tạo ra sự an toàn cho người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên theo tôi chính quyền TP cũng nhìn thấy điều này nên để có những dự tính, bao gồm nguồn cung vaccine được phân bổ từ Bộ Y tế cũng như vaccine do TP chủ động. Khi nguồn cung vaccine dồi dào hơn, từ nay đến cuối năm độ phủ vaccine sẽ rộng hơn so với những thống kê dân số hiện nay. Thậm chí, ngoài người từ 18 tuổi trở lên thì cũng cần tính việc tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Chuyên gia phân tích chiến lược vaccine trong lộ trình 'bình thường mới' - ảnh 1

Vaccine trong tiến trình “bình thường mới”

. Rõ ràng TP không thể giãn cách xã hội thời gian quá dài. Trong bối cảnh đó thì việc tiêm vaccine cần được tính toán như thế nào để thúc đẩy quá trình “bình thường mới”?

+ Bài học từ các nước phương Tây, ngay cả các nước đã tiêm đủ hai mũi vaccine như Mỹ, châu Âu, hay ngay như Israel, đều cho thấy cần hiểu khác về “miễn dịch cộng đồng”. Nhiều nước dịch đang bùng phát trở lại, và họ đã tính đến chuyện tiêm mũi số 3. Có những nước đã buộc phải thực hiện giãn cách xã hội trở lại vì dịch lây quá nhanh, dù vaccine giúp họ giảm thiểu người bệnh bị trở nặng và giảm thiểu số catử vong.

Như vậy, ngay cả khi đã tiêm đủ vaccine thì chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế là không thể đưa số ca F0 về zero. Vẫn có người sẽ bị nhiễm khi chúng ta mở cửa hoạt động trở lại, và việc mở cửa cũng phải hết sức thận trọng, dựa trên nhiều yếu tố chứ không hoàn toàn dựa vào vaccine.

Vì vậy, trong bối cảnh nguồn vaccine khan hiếm thì phải có chiến thuật hợp lý. Trước hết phải ưu tiên cho đối tượng dễ bị tổn thương (trở nặng, tử vong) khi nhiễm SARS-CoV-2. Hiện Việt Nam ưu tiên cho đội ngũ y tế tuyến đầu là đúng, vì bằng mọi giá phải bảo vệ họ thì hệ thống y tế mới trụ được.

Ngoài ra, lâu nay Việt Nam ưu tiên cho người từ 65 tuổi trở lên cũng hợp lý và TP cũng đã tiêm phần lớn người trong nhóm tuổi này. Tuy nhiên, khi nguồn cung dồi dào hơn thì độ tuổi cần phải ưu tiên là từ 60 tuổi, thậm chí từ 50 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền.

Theo tính toán thì TP có khoảng 863.000 người từ 60 tuổi trở nên. Số lượng vaccine ưu tiên cho họ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tổng số vaccine cần tiêm cho toàn TP, nhưng việc tiêm cho họ lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Các thống kê về tử vong cho thấy nhóm người này chiếm tỷ lệ cao nhất. Tiêm vaccine cho họ đầy đủ thì ca tử vong được kéo xuống, giảm áp lực cho hệ thống y tế.

Bảo vệ được lực lượng y tế và nhóm người yếu thế này thì mục tiêu thứ nhất – “bảo vệ sinh mạng người dân”, không để hệ thống y tế bị suy sụp sẽ được đảm bảo. Đó là nền tảng để tiến hành mục tiêu “bảo vệ hệ thống kinh tế”.

Để mở cửa cho doanh nghiệp thì cần tiêm cho người lao động, dù nhóm người này trẻ, sức khỏe tốt và người thân họ ở nhà nếu lớn tuổi đã được tiêm vaccine, thì cũng giảm thiểu lo lắng. Chúng ta ưu tiên cho các tài xế xe, shipper hay logistics nói chung (dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng).

Sau đó, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất… cũng cần được tiêm vaccine để giảm thiểu rủi ro. Cũng khá lạc quan là có khoảng 85% lượng công nhân ở TP đã được tiêm chủng. Những nhóm người này đóng vai trò vận hành nền kinh tế, đảm bảo dịch vụ thiết yếu và chuỗi cung ứng hoạt động, không đứt gãy.

. Như vậy, bài toán “bình thường mới” sẽ dựa vào các yếu tố nào?

+ Muốn “bình thường mới” thì phải đảm bảo yêu cầu tiên quyết là hệ thống y tế phải đảm bảo, đủ sức chống chịu khi SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Muốn vậy, tất cả nhóm người dễ bị lây nhiễm và trở nặng, tử vong (nhóm người già và có bệnh nền) được tiêm đủ hai mũi để kéo giảm F0 và tử vong. Trong những ngày giãn cách, TP phải ưu tiên thúc đẩy an sinh xã hội cho người dân (phát tiền mặt, phục vụ nhu yếu phẩm, thuốc men,…) để họ an tâm ở trong nhà. Khi đó dịch không lây lan nữa thì mới nghĩ chuyện mở cửa.

Thêm vào đó, như tôi đã nói cần đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine cho tất cả các nhóm người lao động tham gia vào vận hành nền kinh tế. Hễ khu công nghiệp nào tiêm đủ vaccine thì có thể mở cửa vận hành, hoạt động bình thường. Nếu có F0 mà họ trẻ, sức khỏe tốt, được tiêm vaccine thì họ khỏi phải đi bệnh viện mà có thể tự chữa trị tại nhà. Ngoài ra, TP cũng cần phải tính toán tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi để có thể mở cửa trường học.

. Xin cám ơn ông.

Hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào để “bình thường mới”?

. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có những doanh nghiệp lớn, gần đây bày tỏ khó khăn khi TP phải giãn cách kéo dài. Cần phải làm gì để họ an tâm thời gian tới?

+ Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ thì cũng cần được TP quan tâm và hỗ trợ những lúc dịch dã như thế này. Trước tiên, như TP đang triển khai chính là ưu tiên vaccine cho công nhân, người lao động để họ được an toàn khi mở cửa trở lại. Song song đó, ở cấp Trung ương, các gói ngân sách cứu trợ, như miễn giảm thuế, đảm bảo thanh khoản cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay… phải được thúc đẩy mạnh hơn.

Hồi đầu tháng 8, Bộ Tài chính cho biết sẽ trình một gói chính sách hỗ trợ mới trị giá hơn 20.000 tỷ đồng về chính sách thuế để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thông qua, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiền chậm nộp thuế... Tôi nghĩ gói hỗ trợ này về tổng thể vẫn khiêm tốn, và thậm chí là nhỏ hơn so với các gói vào năm ngoái khi Việt Nam ít chịu tác động bởi đại dịch hơn dù không gian tài khóa vẫn còn để tạo điều kiện cho người dân lẫn doanh nghiệp. Vì vậy, các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Loang An… cũng cần dựa vào ngân sách của mình để hỗ trợ thêm các doanh nghiệp, ví dụ hỗ trợ chi phí thực hiện “3 tại chỗ” như xét nghiệm, phụ cấp, ăn ở, sinh hoạt; hoặc bảo lãnh các khoản vay của doanh nghiệp.

________

Góc nhìn:

 Nguồn cung vaccine từ Bộ Y tế rất quan trọng, cấp thiết

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, hiện TP đã nhận được hơn 4,4 triệu liều vaccine COVID-19 theo phân bổ từ Bộ Y tế (gồm 3,6 triệu liều vaccine AstraZeneca, 19.000 liều Vero Cell (Sinopharm), gần 55.000 liều Pfizer, hơn 571.000 liều Mordena).

TP cũng đã nhận được 4 triệu liều vaccine Vero Cell do 1 doanh nghiệp tặng, trong đó 1 triệu liều đã được kiểm định và tổ chức tiêm ngừa. Như vậy, TP là địa phương được ưu tiên lượng vaccine lớn nhất trong cả nước.

Điều đó cho thấy Chính phủ và các tỉnh, thành phố khác đã rất chia sẻ với TP.HCM trong đợt dịch lần này theo lời kêu gọi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tất cả các tỉnh, thành phố, trong thời điểm này, nhường một phần vaccine để TP.HCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.” Đó không chỉ thể hiện tính nhân văn khi TP phải vật lộn với biến chủng Delta khiến ca nhiễm lẫn ca tử vong liên tục tăng cao; mà còn cho thấy vai trò của Chính phủ trong điều phối nguồn lực để chống dịch một cách hiệu quả nhất có thể.

Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể chiến lược tiêm vaccine hiện nay thì có hai vấn đề quan trọng cũng cần được lưu ý. Thứ nhất, dù nguồn cung vaccine cho TP là lớn nhất nước, nhưng nhu cầu cấp thiết vẫn còn rất lớn. Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy ngày 24-8, số ca F0 vẫn rất cao (hơn 4.600 ca). Số ca tử vong đã vượt 7.300 ca từ đầu mùa dịch và mỗi ngày vẫn chứng kiến hàng trăm người tử vong trong suốt những ngày gần đây.

Để đảm bảo độ phủ vaccine cho lượng dân số ước tính 8,5 đến 9 triệu dân (như nhận xét của ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright), thì sự phân bổ từ Bộ Y tế vẫn đóng vai trò rất quan trọng bên cạnh nguồn vaccine Sinopharm do TP huy động.

Ngoài ra, trong bối cảnh nguồn vaccine khan hiếm và không đều, giải pháp tiêm trộn cũng cần lưu ý. Theo kế hoạch TP sẽ có 5 triệu liều Sinopharm trong tháng 8 (hiện đã được kiểm định và đưa vào sử dụng 1 triệu liều). Như vậy, từ nay đến giữa tháng 9, TP cần tập trung tiêm cho 2,5 triệu người (đủ 2 mũi).

Trong khi đó, những người đã tiêm Astrazeneca có thể tiêm Astrazeneca hoặc Pfizer cho mũi 2; nhưng những người tiêm Moderna hoặc Pfizer thì lại không được tiêm trộn. Nhóm cần 3 loại vaccine này lại rơi chủ yếu vào nhóm yếu thế, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền và phụ nữ mang thai. Như vậy, nguồn cung vaccine này từ Bộ Y tế, cũng như việc nghiên cứu về các phương án tiêm trộn mà một số nước khác đang áp dụng (ví dụ mũi 1 Moderna, mũi 2 Pfizer) là cần phải được nghiên cứu một cách thấu đấu. ĐẠI THẮNG

Xem thêm: lmth.2250101-iom-gnouht-hnib-hnirt-ol-gnort-eniccav-coul-neihc-hcit-nahp-aig-neyuhc/us-ioht/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyên gia phân tích chiến lược vaccine trong lộ trình 'bình thường mới'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools