Tối ngày 24/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tới Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công du châu Á chính thức đầu tiên sau khi kết thúc chuyến thăm 3 ngày tại Singapore. Đây là lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ tới thăm Việt Nam.
Trong thời gian ở thăm Việt Nam, bà Harris dự kiến sẽ có các cuộc gặp với các lãnh đạo, trong đó có cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính về tình hình đại dịch Covid-19, cũng như các vấn đề an ninh khu vực và hợp tác kinh tế.
Chuyến công du trong 3 ngày (từ 24-26/8) đánh dấu lần đầu một Phó Tổng thống đương nhiệm tới thăm Việt Nam. (Ảnh: AP)
Ngoài ra, bà Harris dự kiến sẽ tham dự lễ khánh thành văn phòng của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ tại Hà Nội. Đây là văn phòng khu vực của CDC Mỹ tại Đông Nam Á nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến các bệnh truyền nhiễm.
Bà Kamala Harris, tên đầy đủ là Kamala Devi Harris, bà là chính trị gia và luật sư người Mỹ, sinh ngày 20/10/1964. Bà Harris sinh ở Oakland, California, bố gốc Jamaica, mẹ gốc Ấn Độ đều là người nhập cư.
Lớn lên với ảnh hưởng của người mẹ gốc Ấn, nhưng nền tảng văn hóa và tư duy lại được chăm bẵm như một hậu duệ của người gốc Phi. Bà Harris tốt nghiệp Đại học Howard với bằng cử nhân Khoa học Chính trị và Kinh tế năm 1986, tốt nghiệp trường Luật Hastings College năm 1989 và bắt đầu đi làm tại Văn phòng Công tố quận Alameda.
Bà bắt đầu sự nghiệp tại Văn phòng Công tố viên Quận Alameda California cũng vào năm 1990. Đến năm 2000, bà điều hành bộ phận chăm sóc trẻ em tại Tòa thị chính San Francisco. Louise Renne, luật sư của thành phố và là cấp trên của bà Harris, nhận định rằng bà là “công tố viên tốt nhất của thành phố trong nhiều năm”.
Năm 2003, bà trở thành Trưởng công tố thành phố San Francisco, sau khi đánh bại “sếp cũ” của mình - ông Terence Hallinan rồi nhanh chóng được bổ niệm làm Trưởng công tố viên bang California. Theo Guardian, trong 3 năm đầu bà Harris giữ vị trí công tố viên San Francisco, tỷ lệ kết án trọng tội đã tăng vọt từ 52% lên 67%.
Chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực. (Ảnh: Instagram) |
Bà Harris tiếp tục thăng tiến trên con đường sự nghiệp khi dành được chức vụ Tổng Chưởng lý bang California vào tháng 11/2010, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên và cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ này. |
Năm 2014, bà Harris kết hôn với luật sư Douglas Emhoff của Los Angeles. Hai người con riêng của Emhoff là Cole và Ella gọi bà là “Momala”.
Năm 2016, bà giành được một ghế tại Thượng viện. Bà Harris gây chú ý khi năm sau, 2017, bà trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên phục vụ trên cương vị thượng nghị sĩ (Đảng Dân chủ), đại diện cho bang California. Tại Thượng viện, bà có chân trong nhiều tiểu ban quan trọng, trong đó có Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ, Ủy ban Đặc biệt về Tình báo, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Phân bổ Ngân sách.
Bước vào chính trường thực thụ, bà “nổi như cồn” nhờ tài năng chất vấn nhằm vào ứng cử viên được đề cử vào Tòa án tối cao Mỹ Brett Kavanaugh cũng như Tổng công tố liên bang William Barr tại các phiên điều trần ở Thượng viện hay cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và cấp phó Rod Rosenstein của ông.
Tháng 5/2020, sau cái chết của người da màu George Floyd và hàng loạt vụ biểu tình trên khắp nước Mỹ, bà Harris được xem là gương mặt sáng giá cho vị trí ứng viên phó tổng thống.
Năm 2020, bà Harris liên danh tranh cử với ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ khi đó là ông Joe Biden. Chiến thắng của cặp đôi đã đưa ông Biden thành tổng thống lớn tuổi nhất, còn bà Harris trở thành người phụ nữ đầu tiên, đồng thời là người da màu, người gốc Á đầu tiên làm Phó tổng thống trong lịch sử nước Mỹ.
Thanh Bình (tổng hợp)
Infonet
Xem thêm: nhc.63361849152801202-man-teiv-maht-neit-uad-ym-gnoht-gnot-ohp-un-ev-gnout-na-ueid-gnuhn/nv.zibefac