Một chiến binh Hồi giáo điều khiển tên lửa vác vai Stinger trong vùng núi Safed Koh ngày 10-2-1988 - Ảnh: vk.com
Theo tài liệu của Đại học trung tâm Arkansas (Mỹ), quân đội Liên Xô kiểm soát Afghanistan với quân số ban đầu khoảng 50.000 quân. Lúc bấy giờ, các khái niệm như "thánh chiến" hoặc "chiến binh Hồi giáo" (Mujahedin) dần dần trở nên phổ biến dù một số nhóm Mujahedin đã nổi dậy chống chính phủ cánh tả từ hơn một năm trước. Các thanh niên trẻ Hồi giáo được kêu gọi đến Afghanistan tham gia "thánh chiến" chống quân Liên Xô "ngoại đạo". Các tay súng Mujahedin ngã xuống được coi như người tử vì đạo.
Mujahedin kiểm soát 80% lãnh thổ
Ngày 27-1-1980 tại Islamabad (Pakistan), sáu nhóm Mujahedin đã bắt tay nhau thành lập Liên minh Hồi giáo giải phóng Afghanistan (IALA) do Abdur Rasul Sayyaf - người có quan hệ chặt chẽ với Saudi Arabia - đứng đầu. Các mạng lưới cung cấp vũ khí và quân tình nguyện cho IALA đến từ nhiều nơi như Bắc Phi, bán đảo Ả Rập, Ai Cập qua ngả châu Âu và Pakistan, quốc gia giữ vai trò hậu cứ của các nhóm Mujahedin. Từ đầu năm 1980, CIA Mỹ đã bắt đầu cung cấp vũ khí cho các nhóm Mujahedin ở Afghanistan.
Trong 10 năm, quân đội Liên Xô hiện diện tại Afghanistan, chiến tranh được chia làm ba giai đoạn chính. Trong ba năm đầu (từ năm 1980-1983), quân đội Liên Xô tập trung mở rộng quyền kiểm soát và tổ chức hành quân truy quét các nhóm Mujahedin trong bối cảnh một bộ phận binh sĩ Afghanistan rã ngũ hàng loạt.
Từ tháng 3-1980, giao tranh ngày càng ác liệt. Các nhóm Mujahedin dần dần nắm quyền kiểm soát lãnh thổ đến 80%, trừ các thành phố lớn. Hàng triệu người tản cư chạy sang các nước láng giềng Pakistan, Iran hoặc chạy vào các thành phố lớn của Afghanistan để tránh khủng bố và tên bay đạn lạc.
Đến giai đoạn năm 1984-1985, quân đội Liên Xô thay đổi chiến thuật, thích nghi hơn với chiến tranh du kích. Sau đó là giai đoạn "Afghanistan hóa" chiến tranh kéo dài ba năm (từ năm 1986-1989). Trong giai đoạn này, phần lớn lãnh thổ Afghanistan vẫn nằm trong tay các nhóm Mujahedin. Mohammed Nadjibullah thay thế Babrak Karmal đứng đầu nhà nước Afghanistan với danh xưng tổng thống (tổng thống thứ hai của Afghanistan). Ông mong muốn đàm phán với các nhóm nổi dậy theo tiến trình hòa giải dân tộc trên nguyên tắc một Afghanistan đổi mới.
Từ năm 1986, cán cân quân sự đã bị đảo lộn khi quân Mujahedin nhận được tên lửa đất đối không FIM-92 Stinger của Mỹ. Quân Liên Xô mất dần quyền kiểm soát bầu trời. Đầu năm sau, quân Liên Xô không còn tham gia các chiến dịch hành quân tấn công mà chỉ phòng thủ, giao lại nỗ lực chiến tranh cho quân đội Afghanistan đã được hiện đại hóa và được đào tạo bài bản nhưng hiệu quả rất ít tin cậy. Đến giữa tháng 5-1988, quân đội Liên Xô bắt đầu rút khỏi Afghanistan. Ngày 15-2-1989, binh sĩ Liên Xô cuối cùng rời khỏi Afghanistan.
Các cơ quan tình báo Mỹ ước tính chế độ Afghanistan sẽ sụp đổ trong vòng từ 3-6 tháng. Thật ra ước tính này chưa tính đến một số yếu tố quân sự. Đầu tiên, quân đội Afghanistan vẫn đang sở hữu số lượng lớn thiết bị quân sự và hậu cần do Liên Xô viện trợ trước đây. Kế đến Afghanistan vẫn tiếp tục nhận viện trợ lớn từ Liên Xô (từ 2-6 tỉ USD/năm). Các cố vấn quân sự Liên Xô vẫn hiện diện ở Afghanistan.
Quân đội Afghanistan có hỏa lực đáng kể đủ để giữ các nhóm Mujahedin trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó còn có các lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ. Hoạt động hiệu quả nhất là lực lượng của Abdul Rashid Dostom gồm 40.000 quân được tuyển mộ từ dân tộc thiểu số Uzbek giữ vai trò lực lượng dự bị chiến lược.
Thủ lĩnh Massoud với biệt danh "Sư tử vùng Panshir" (người cầm súng) - Ảnh: torquemada.eu
Các "sứ quân" đấu đá
Ngay sau khi Liên Xô rút quân, nội chiến bùng nổ dữ dội giữa các nhóm Mujahedin và quân đội chính phủ. Các nhóm Mujahedin tiếp tục nhận được viện trợ tài chính từ Mỹ, Saudi Arabia, Pakistan và một số nước thân phương Tây khác. Tuy cùng mục tiêu chống chính phủ, nhưng giữa các nhóm sẵn sàng đem súng đạn "chơi nhau tới bến".
Cuối năm 1991, viện trợ Liên Xô cho Afghanstan bị cắt giảm đến mức máy bay không quân Afghanistan không thể bay vì... hết xăng. Quân đội thiếu lương thực khiến tỉ lệ đào ngũ tăng lên. Các tay súng dân quân không còn mặn mà chiến đấu hoặc chuyển hướng gia nhập hàng ngũ Mujahedin.
Tháng 4-1992, quân đội chính phủ không còn đủ sức kháng cự Nhóm Jamiat-e Islami (ôn hòa) của thủ lĩnh Ahmad Shah Massoud chiếm được căn cứ không quân Bagram cách Kabul 70km. Cùng lúc đó, các nhóm Mujahedin khác từ nhiều hướng tiến về Kabul. Ngày 16-4-1992, Tổng thống Mohammad Najibullah buộc phải từ chức.
Các tướng và các quan chức cấp cao làm nhiệm vụ chuyển giao quyền lực đã mời thủ lĩnh Massoud đến nhưng Massoud ra lệnh cho lực lượng không được tiến vào đến khi giải pháp chính trị được tìm ra. Trong các nhóm Mujahedin, thủ lĩnh Massoud ủng hộ thành lập chính phủ liên minh trong khi Gulbuddin Hekmatyar - thủ lĩnh nhóm Hezb-e-Islami Gulbuddin (HIG) - lại nuôi mộng "duy ngã độc tôn" chỉ muốn trở thành người cầm quyền duy nhất.
Ngày 24-4-1992 tại Peshawar (Pakistan), các nhóm Mujahedin đã đàm phán thỏa thuận về phân chia quyền lực. Thỏa thuận Peshawar tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo Afghanistan (nước Cộng hòa dân chủ Afghanistan bị giải thể), thành lập chính phủ lâm thời, sau đó sẽ tổ chức tổng tuyển cử.
Chính phủ lâm thời do hội đồng lãnh đạo tối cao lãnh đạo. Chức tổng thống lâm thời được trao cho Sibghatullah Mojaddedi trong hai tháng, sau đó Burhanuddin Rabbani - thủ lĩnh nhóm Jamiat-e Islami - kế nhiệm. Vị trí bộ trưởng quốc phòng được trao cho Massoud. Chức thủ tướng dành cho Hekmatyar nhưng Hekmatyar không ký thỏa thuận.
Dù có thỏa thuận Peshawar, tình hình Afghanistan vẫn đầy biến động bởi các nhóm đối địch đều muốn tranh đoạt quyền lực nhiều hơn. Mục tiêu trước mắt của chính phủ lâm thời là đánh bại các nhóm chống thỏa thuận hòa bình. Với hậu thuẫn từ cơ quan tình báo Pakistan, thủ lĩnh Hekmatyar đã tổ chức bao vây Kabul từ tháng 11-1992 đến 1-1993.
Đầu năm 1993, Rabbani được bầu làm tổng thống và đồng ý bổ nhiệm một chính phủ gồm các đại diện từ khắp đất nước. Song quyền hạn của Rabbani chỉ hạn chế ở một phần Kabul vì phần còn lại nằm trong vòng kiểm soát của các thủ lĩnh khác. Trong ba tháng đầu năm, đụng độ ác liệt tiếp tục ở Kabul. Ngày 7-3-1993 tại Islamabad (Pakistan), Tổng thống Rabbani và thủ lĩnh Hekmatyar đàm phán thỏa thuận hòa bình. Hai bên đồng ý chia sẻ quyền lực cho đến khi tổng tuyển cử. Ban đầu, Hekmatyar chấp nhận giữ chức thủ tướng nhưng sau đó lại rời Kabul và tổ chức tấn công.
Theo nghiên cứu của Đại học George Washington, Cơ quan tình báo Pakistan muốn thao túng con bài Hekmatyar để dễ dàng lèo lái chính trường Afghanistan. Nhưng đến khi không thao túng được nữa, Cơ quan tình báo Pakistan đã chuyển sang một thế lực mới: đó là Taliban.
Taliban chiếm Kabul năm 1996
Phong trào Taliban xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 8-1994 với tuyên bố sẽ giải phóng Afghanistan khỏi các "sứ quân" tham nhũng và thiết lập một xã hội Hồi giáo thuần khiết. Những lời rêu rao của Taliban đã được một bộ phận dân chúng ủng hộ bởi họ đã quá mệt mỏi với cảnh nồi da xáo thịt triền miên.
Tháng 10-1994, Taliban nổi dậy và đánh chiếm Kandahar vào ngày 5-11. Tháng 3-1995, Taliban tràn đến xung quanh Kabul nhưng bị quân của Massoud đánh đuổi. Năm 1996, Taliban quay trở lại chiếm được Kabul vì lần này có Pakistan cũng như Osama bin Laden (thủ lĩnh tổ chức Al Qaeda) và Saudi Arabia yểm trợ.
Massoud phải ra lệnh rút quân khỏi Kabul để tránh đổ máu thêm. Sau đó, Massoud thành lập Liên minh phương Bắc (tên đầy đủ là Mặt trận thống nhất Hồi giáo và dân tộc vì cứu rỗi Afghanistan) gồm năm nhóm Hồi giáo chính để tập trung sức chống Taliban.
**********
Taliban chiếm Kabul năm 1996 và tiếp tục đánh nhau ác liệt với các nhóm kháng chiến. Cuối cùng, Taliban đã phải trả giá khi bắt tay với Bin Laden.
>> Kỳ tới: Chiến hạm Mỹ khai hỏa
TTO - Ngày 27-12-1979, Liên Xô đã mở chiến dịch Cơn bão-333 tấn công cung điện Tajbeg được bảo vệ nghiêm ngặt ở thủ đô Kabul (Afghanistan) để bắt sống Hafizullah Amin - chủ tịch Hội đồng Cách mạng nước Cộng hòa dân chủ Afghanistan.