Theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, ở Đà Nẵng những ngày có hiện tượng quá tải trong việc cung ứng hàng hóa do nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm bị giảm trong khi nhu cầu đặt hàng tăng cao. Tuy nhiên, ngay sau đó đã có những biện pháp gỡ khó.
Ngày 26.8, Tổ công tác đặc biệt khu vực miền Bắc, miền Trung của Bộ Công Thương cho biết, ngày 25.8, tổ này đã ghi nhận có hiện tượng quá tải trong việc cung ứng hàng hóa do nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm bị giảm trong khi nhu cầu đặt hàng tăng cao.
Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các đơn vị phân phối bị hạn chế do phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch; các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa… đang dừng hoạt động.
Trước tình hình trên, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cho biết, ngay sau đó, Sở Công Thương Đà Nẵng đã đề xuất UBND thành phố thống nhất cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối được bố trí tối đa (100% số người làm việc);
Cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ được hoạt động;
Phối hợp đề xuất cho phép lò giết mổ Đà Sơn hoạt động trở lại. Đồng thời kết nối, phối hợp với các đơn vị để tổ chức bán hàng lưu động; tổ chức mua và phân phối 50.000 suất hàng hóa thiết yếu đến các quận, huyện để hỗ trợ cho các hộ dân khó khăn.
Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện phân bổ 313,651 tấn nông sản của Tập đoàn SunGroup hỗ trợ người dân trên địa bàn và phân phối 3,974 tấn cá khô từ nguồn hỗ trợ của thành phố cho quận Hải Châu.
Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, những ngày qua, thị trường Hà Nội tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện tại, Hà Nội có 27 chợ, 5 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa.
Tính đến 8h sáng 26.8, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã duyệt cấp mã QR code đăng ký “luồng xanh” cho 2.192 xe ôtô và cấp mã số xác nhận cho 9.869 xe môtô, xe 2 bánh cho 250 doanh nghiệp, đơn vị theo danh sách của Sở Công Thương.
Các doanh nghiệp, các quận, huyện trên địa bàn thành phố tích cực duy trì và mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân.
Ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Vinmart, Co.op, Big C, Circle K…, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Bưu điện Hà Nội để mở 472 điểm bán hàng thiết yếu. 11 quận, huyện đã triển khai 57 điểm bán hàng lưu động.
Cùng với đó, các quận huyện triển khai một số mô hình cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm như tổ chức các điểm bán hàng dã chiến, lập nhóm Zalo giữa nhân dân trên địa bàn và các đơn vị phân phối để thực hiện giao dịch.