Không chỉ ghi nhận lỗ 66 tỉ đồng trong quý II, sức khỏe tài chính của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG, HOSE) cũng bộc lộ nhiều vấn đề không tốt.
Cảnh báo rủi ro vay nợ
Vinaconex đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2021.
Tại ngày 30.6.2021, tổng tài sản của Vinaconex là 30.185 tỉ đồng, tăng gần 54% so với đầu năm.
Phần lớn tài sản của Vinaconex nằm ở các khoản phải thu và hàng tồn kho (chiếm 62,34% tổng tài sản). Trong đó, phải thu ngắn hạn là 13.827 tỉ đồng, tăng 85,14% so với đầu năm. Đáng chú ý, Vinaconex phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 1.314 tỉ đồng. Phải thu dài hạn tăng mạnh 1.035% trong nửa đầu năm, từ 209,83 tỉ đồng lên 2.382 tỉ đồng tại ngày 30.6.2021. Hàng tồn kho của Vinaconex tăng 17,52% so với đầu năm, ở mức 2.609 tỉ đồng
Kết thúc nửa đầu năm, vốn chủ sở hữu của Vinaconex ở là 7.127 tỉ đồng. Cơ cấu vốn mất cân đối khi vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 23,96% tổng nguồn vốn, còn lại là nợ ngắn hạn (48,39%) và nợ dài hạn (27,66%).
Tại thời điểm ngày 30.6, nợ phải trả của Vinaconex cao gấp 3,17 lần vốn chủ sở hữu, ở mức 22.954 tỉ đồng, tăng 84,42% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng mạnh 220,36% từ 2.146 tỉ đồng lên 6.875 tỉ đồng.
Theo dữ liệu của FiinGroup (đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước), Vinaconex đang đối mặt với rủi ro vay nợ tiềm ẩn khi khả năng chi trả lãi vay (Ebit/lãi vay) của 12 tháng đang ở mức âm 1,39 lần. FiinGroup đưa ra cảnh báo về áp lực nợ vay của Vinaconex.
Chất lượng lợi nhuận xấu, dòng tiền âm triền miên
Quý II/2021, doanh thu hợp nhất của Vinaconex đạt hơn 1.408 tỉ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ 2020. Lãi gộp gần 185 tỉ đồng, đi ngang so với quý II/2020.
Doanh thu hoạt động tài chính quý II của Vinaconex âm gần 297 tỉ đồng do hạch toán giảm trừ phần lợi nhuận tương ứng 35% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc (Nedi 2).
Sau khi trừ chi phí, Vinaconex lỗ gần 66 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 349 tỉ đồng.
Lũy kế 6 tháng, Vinaconex lãi ròng hơn 279 tỉ đồng, giảm 32,4% so với thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2020, mới chỉ hoàn thành gần 28% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nếu nhìn lại kết quả kinh doanh của Vinaconex trong 4 năm trở lại đây (2017,2018,2019,2020) có thể thấy doanh thu của công ty liên tục "đổ đèo", là dấu hỏi lớn về sự phát triển quy mô sản xuất kinh doanh cũng như chất lượng tăng trưởng.
Cụ thể, năm 2017 đạt 10.897 tỉ đồng, 2018 là 9.731 tỉ đồng, 2019 là 9.508 tỉ đồng, 2020 lao dốc còn 5.551 tỉ đồng. Cần nói thêm rằng, 2020 là năm Vinaconex ghi nhận doanh thu nhấp nhất trong suốt thập kỷ (kể từ năm 2011), tuy nhiên công ty vẫn báo lãi ròng 1.604 tỉ đồng, tăng 134,75% so với năm 2019 nhờ thu nhập tài chính.
Bên cạnh đó, từ 2018 đến nay, hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex không tạo ra dòng tiền khi dòng tiền kinh doanh liên tục âm: 50,08 tỉ năm 2018; 1.493 tỉ năm 2019; 25,21 tỉ đồng năm 2020.
Tại ngày 30.6.2021, dòng tiền kinh doanh của Vinaconex đã âm tới 2.676 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do Vinaconex “mắc kẹt” trong các khoản phải thu.
Xem thêm: odl.897649-on-yav-gnan-hnag-ut-na-meit-or-iur-uihc-nav-xenocaniv-it-972-gnor-ial/et-hnik/nv.gnodoal