Trong bối cảnh giãn cách nghiêm ngặt, về lôgic sẽ kích thích phương thức bán hàng online của các siêu thị phát triển nhưng trên thực tế, lôgic này không diễn ra.
Mua trực tiếp tại siêu thị còn nhanh hơn
Anh Quốc ở chung cư Lexington Residence (TP.Thủ Đức, TPHCM) cho biết, trong những ngày qua chỉ có 2 cách chủ yếu để mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu: Cách thứ nhất là mua từ hộ kinh doanh tại chung cư qua Zalo. Cách thứ hai là mua từ một số cửa hàng tiện lợi trong nội khu chung cư.
Từ ngày 23.8, khu vực TP.Thủ Đức cùng với 7 quận huyện khác trên địa bàn TPHCM dừng dịch vụ shipper. Nhưng theo anh Quốc, ngay cả khi Thủ Đức chưa dừng dịch vụ này thì việc đặt hàng qua điện thoại hay online tại Mega Market Thủ Đức cũng rất khó khăn.
“Thay vào đó trực tiếp đi siêu thị mua còn nhanh hơn, nhưng như thế lại đối mặt nguy cơ có thể bị lây nhiễm dịch bệnh tại nơi đông người”, anh Quốc nói.
Chị Tuyết ở chung cư Millennium (Quận 4, TP.HCM) đặt đơn hàng thực phẩm trên ứng dụng của Aeon từ giữa tháng 7, hệ thống thông báo sẽ xử lý đơn hàng từ 3-7 ngày. Tuy nhiên bẵng đi khoảng ba tuần, nhân viên chăm sóc khách hàng của Aeon mới gọi đến cho biết đơn hàng vẫn được giữ, nhưng vì quá tải cho nên sẽ xử lý dần.
Sang tuần thứ tư, nhân viên Aeon một lần nữa gọi tới thông báo đang xử lý đơn hàng. Tuy nhiên trước đó, chị Tuyết đã hủy đơn hàng trên hệ thống vì đã chờ quá lâu, nhưng nhân viên này không hề hay biết.
Ách tắc ở đâu?
Ông Nguyễn Ngọc Đạt – Một trong những thành viên sáng lập chương trình bán thực phẩm và rau củ quả giá bình dân Foodshare tại TPHCM – cho biết, những vấn đề các siêu thị đang gặp phải trong việc bán hàng online chính là vấn đề của chuỗi cung ứng.
Theo ông Đạt, vấn đề các siêu thị bán hàng qua kênh online đang gặp phải trong thời gian qua chính là dịch vụ vận chuyển/shipper, mà ngay cả Foodshare cũng gặp phải. Lực lượng shipper giảm, lại bị cấm giao hàng liên quận, các điều kiện để được đi giao hàng đối với shipper liên tục thay đổi (như phải có dấu hiệu nhận diện, giấy đi đường, rồi mới đây mẫu giấy đi đường lại thay đổi…), nói chung là nhiêu khê.
“Nhận nhiều đơn hàng online mà shipper không vận chuyển kịp thì rau củ quả hư hỏng, thiệt hại. Bên cạnh đó nhiều siêu thị cũng thiếu nhân viên vì nằm trong các khu phỏng tỏa, cách ly”, ông Đạt nói.
Thạc sĩ Tuyết Mai đang hoạt động trong lĩnh vực marekting tại TPHCM nêu quan điểm rằng, các chuỗi siêu thị lớn nhỏ vốn chủ yếu bán theo phương thức truyền thống không đáp ứng được nhu cầu mua hàng online của người tiêu dùng trong thời gian qua trước hết do nguồn lực không đáp ứng, từ nền tảng công nghệ, con người, chuyên môn nghiệp vụ kinh doanh online…
Thêm vào đó, quy định về hoạt động giao hàng, shipper lúc thắt lúc mở cũng dẫn đến các khó khăn, cản trở cho phương thức bán hàng online.
Trên thực tế các hệ thống như Tiki, Lazada… không nhận đặt hàng, hoặc nhận thì dự kiến sau thời điểm ngày 6.9.2021 mới giao được hàng.
“Cũng nên đặt ra câu hỏi, các chuỗi siêu thị có mặn mà với kênh bán hàng online hay không? Bởi nếu họ đầu tư nguồn lực tương xứng cũng chưa chắc cạnh tranh lại được với những nền tảng chuyên về thương mại điện tử hay rất mạnh về bán hàng trực tuyến.
Mặt khác, một khi dịch bệnh lắng xuống liệu còn tỉ lệ bao nhiêu người tiêu dùng còn nhớ đến kênh bán online của những Co.opmart, Big C, Aeon, Mega Market… hay lại đổ xô đến các hệ thống siêu thị này để mua theo phương thức truyền thống như trong thời gian qua”, thạc sĩ Mai nhận định.
Xem thêm: odl.568649-hcac-naig-aum-gnort-hnih-gnud-iht-ueis-ueihn-auc-enilno-gnah-nab-hnek/et-hnik/nv.gnodoal