vĐồng tin tức tài chính 365

Cơn khát silic đa tinh thể ở Trung Quốc, sự xuất hiện của tỷ phú "xanh" lặng lẽ và cuộc chơi ở Việt Nam

2021-08-29 10:29

Là một quốc gia đầy tham vọng, Trung Quốc luôn hành động theo cách "muốn là phải được" trong nhiều lĩnh vực.

CƠN KHÁT SILIC ĐA TINH THỂ NĂM 2007

Năm 2007, cơn khát silic đa tinh thể - nguyên liệu chính để sản xuất pin mặt trời - đe dọa tới ngành công nghiệp điện mặt trời đang ở giai đoạn sơ khai của nước này. Lúc đó, với mức giá tăng chóng mặt, gấp 8 lần chỉ trong vòng một năm, cộng thêm tình trạng các công ty nước ngoài chi phối sản xuất và kiểm soát nguồn cung, doanh nghiệp điện mặt trời Trung Quốc phải lao đao.

Tất nhiên, Chính phủ nước này không chấp nhận ngồi yên mà thực hiện ngay chiến lược đầy táo bạo: Xác định việc phát triển nguồn cung silic đa tinh thể là ưu tiên trọng điểm mang tầm quốc gia. Cơ chế để thực thi chiến lược này cũng hết sức thông thoáng: Tiền được đổ vào các nhà sản xuất từ các công ty và ngân hàng nhà nước; chính quyền địa phương giải quyết nhanh các thủ tục cấp phép cho nhà máy mới…

Cũng rất nhanh, một nhân vật với cái tên Zhu Gongshan xuất hiện và hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng này của chính phủ Trung Quốc bằng "câu thần chú": thần tốc, quyết liệt và liều lĩnh. Nhờ vậy, ông đã giúp giải được bài toán khó về nguồn cung silic đa tinh thể từ con số 0 vươn lên thành quốc gia chiếm tới 1/4 sản lượng silic đa tinh thể của thế giới và kiểm soát gần một nửa thị trường thiết bị điện mặt trời thành phẩm toàn cầu, theo số liệu do tạp chí Wall Street Journal công bố tháng 11/2020.

 Cơn khát silic đa tinh thể ở Trung Quốc, sự xuất hiện của tỷ phú xanh lặng lẽ và cuộc chơi ở Việt Nam - Ảnh 1.

Năm 2013, ông Zhu Gongshan được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 10 "tỷ phú xanh" trên thế giới thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (Ảnh: Poly GCL-Petro)

Không chỉ vậy, cá nhân ông Zhu Gongshan còn được vinh danh là một trong 10 tỷ phú "xanh" thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo do tạp chí Forbes bình chọn năm 2013, sánh vai cùng những tên tuổi nổi tiếng ở phương Tây như nhà đầu tư mạo hiểm tài năng Elon Musk, Christy Walton, Ted Turner…

Người đàn ông đứng thứ 341 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc hiện đang sở hữu khối tài sản ròng là 3,4 tỷ USD do tạp chí Forbes công bố vào tháng 8/2021.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG KÍN TIẾNG BÊN CẠNH NHÀ LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC

Tháng 3/2012, bên cạnh nhiều nhân vật quan trọng tháp tùng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du thăm nước Mỹ, người ta nhìn thấy một người đàn ông trông có vẻ trầm lặng, kín tiếng và không mấy nổi bật. Thế nhưng chỉ vài ngày sau đó, hình ảnh ông ngồi bắt tay và ký những hợp đồng lớn với đối tác người Mỹ trị giá hàng triệu USD do các tổ chức tài chính ở xứ sở cờ hoa tài trợ để xây dựng hàng loạt nhà máy năng lượng mặt trời được đăng tải trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo đó, một hệ thống điện mặt trời có công suất hơn 1GW sẽ được triển khai trên khắp nước Mỹ, và cung cấp tới 64% năng lượng phục vụ cho cả thành phố Palmdale thuộc tiểu bang California. Thế nhưng điều khiến người ta kinh ngạc chính là tốc độ hoàn thành dự án lớn này với chỉ vỏn vẹn trong vòng 7 tháng.

Người đàn ông đó chính là Zhu Gongshan, ông chủ của Poly-Energy Holdings, hãng sản xuất silicon đa tinh thể (Polysilicon) dùng trong các tấm năng lượng mặt trời có năng lực sản xuất hàng năm hơn 46.000 tấn thời bấy giờ, xếp hàng đầu trên thế giới. Chưa kể với giá cả "mềm" hơn bất cứ đối thủ cạnh tranh nào nhờ vào sự hậu thuẫn về nguồn lực tài chính khổng lồ của chính phủ, doanh nghiệp của ông Zhu thâu tóm phần lớn thị trường vật liệu sản xuất các tấm năng lượng mặt trời trên phạm vi toàn cầu, và nhờ thế, đã đưa khối tài sản "khủng" của ông lên tới con số 2 tỷ USD chỉ vài năm sau đó.

 Cơn khát silic đa tinh thể ở Trung Quốc, sự xuất hiện của tỷ phú xanh lặng lẽ và cuộc chơi ở Việt Nam - Ảnh 2.

Trung Quốc là quốc gia cung cấp silicon đa tinh thể lớn nhất thế giới (Ảnh: Daqo New Energy)

Thế nhưng, không giống như các đại gia lắm tiền nhiều của hay các tỷ phú mới nổi khác thường vướng phải những thị phi ồn ào thì người đàn ông tỷ phú này vẫn vậy, kín tiếng và giản dị trong lối sống hàng ngày của mình. Hầu như ông không nhận lời đề nghị phỏng vấn báo đài về đời tư của bản thân, ngoại trừ phải xuất hiện trước truyền thông vì mục đích công việc không thể trốn tránh.

Chỉ có một lần hiếm hoi khi ông chịu gặp phóng viên hãng tin BBC tại một căn phòng khách sạn vô danh thay vì trong văn phòng làm việc của mình vào năm 2013. Theo tường thuật của ký giả sau đó thì ông Zhu xuất hiện bằng một vẻ ngoài hết sức giản dị với chiếc đồng hồ hiệu Citizen rẻ tiền thay vì một chiếc đồng hồ siêu sang hiệu Vacheron Constantin hoặc Rolex. Ngay cả cách nói chuyện của ông cũng tập trung nhiều về "chúng ta" thay vì "cái tôi", một đặc trưng dễ nhận thấy của những người theo xu hướng "tập thể làm chủ" mà ông không ngừng theo đuổi.

Tuy nhiên, không khí buổi trò chuyện ngay lập tức thay đổi khi ông chủ của tập đoàn năng lượng hàng đầu tại Trung Quốc chuyển chủ đề sang thảo luận về thái độ của các công ty đối thủ của phương Tây về của ông trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh mặt hàng đặc dụng là silicon đa tinh thể.

"Tất nhiên là bọn họ ganh tị thấy rõ với thành tựu của tôi", ông Zhu cười to một cách vui vẻ. "Những gì tôi đã làm được trong vài năm qua có thể lấy đi của họ một khoảng thời gian gấp vài lần như thế".

CUỘC CHIẾM LĨNH CỦA TỶ PHÚ "XANH"

Ông Zhu Gongshan sinh ra và lớn lên ở một khu vực nông thôn thuộc tỉnh Giang Tô. Người đàn ông tuổi Mậu Tuất (sinh năm 1958) này theo đuổi chuyên ngành Kỹ thuật điện và Tự động hóa tại trường Kỹ thuật Điện Nam Kinh để rồi trở thành nhân viên bán hàng điện dân dụng ngay tại quê nhà năm 1978, đúng thời điểm Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế và mở cửa làm ăn với thế giới bên ngoài.

Nắm bắt thời cơ, ông Zhu bắt tay vào thành lập công ty riêng của mình trong lĩnh vực năng lượng với tham vọng sẽ lấn sân ra thị trường nước ngoài. "Canh bạc" đầu tiên của ông chính là xây dựng một nhà máy nhiệt điện ở thành phố Taicang thuộc tỉnh Giang Tô.

Chỉ trong vòng 10 năm tiếp theo, ông Zhu đã xây dựng được tổng cộng 20 nhà máy nhiệt điện tương tự trên khắp đất nước, trong đó có 5 nhà máy nằm trong nhóm những nhà máy có năng lực sản xuất điện lớn nhất Trung Quốc. Đến năm 2006, ông mạnh tay đầu tư 1.1 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất silicon đa tinh thể, một loại nguyên liệu thô rất cần thiết cho ngành công nghiệp quang điện. Chiến lược của ông là tập trung vào sản phẩm đầu cuối nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường. Chỉ một năm sau đó, ông cho tấn công thị trường năng lượng điện tại Hong Kong và được biết đến với cái tên "Vua của hệ thống điện tư nhân".

 Cơn khát silic đa tinh thể ở Trung Quốc, sự xuất hiện của tỷ phú xanh lặng lẽ và cuộc chơi ở Việt Nam - Ảnh 3.

Bước ngoặt lớn xảy đến trong cuộc đời sự nghiệp làm ăn của ông chính là thời điểm nhà nước muốn Trung Quốc mong muốn chiếm lĩnh thị trường năng lượng xanh. Vì thế khi giá silicon đa tinh thể tăng mạnh vào giai đoạn 2007 – 2008, doanh nhân Zhu Gongshan nhanh chóng được phê chuẩn xây dựng nhà máy sản xuất loại nguyên liệu silicon đa tinh thể lớn nhất thế giới mang tên GCL-Poly Energy Holding Ltd. với nguồn ngân sách hơn 710 triệu USD do Quỹ tài sản nhà nước Trung Quốc đầu tư vào dự án của ông Zhu.

Và đây quả thật là một bước đi khôn ngoan của ông Zhu thể hiện một khả năng dự báo chính xác trong cách tính toán của người đàn ông nói ít làm nhiều này. Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi mà các nhà sản xuất khác phải rơi vào tình trạng chết lâm sàng bởi giá cả của mặt hàng nguyên liệu silicon đa tinh thể tụt xuống tận đáy với giá thấp hơn 100 USD/kg thì bằng tiềm lực tài chính khổng lồ do các ngân hàng quốc doanh "bơm" vào không ngừng, ông Zhu đã có thể thâu tóm cũng như hạ knock-out hầu hết các đối thủ yếu thế hơn trên thị trường đồng thời liên tục tăng năng lực sản xuất của tập đoàn do mình quản lý. Và thế là ngay cuối năm 2008, chỉ riêng GCL-Poly Energy đã chiếm tới 1/2 lượng sản phẩm silicon đa tinh thể tại thị trường Trung Quốc rộng lớn.

 Cơn khát silic đa tinh thể ở Trung Quốc, sự xuất hiện của tỷ phú xanh lặng lẽ và cuộc chơi ở Việt Nam - Ảnh 4.

GCL Poly tập trung vào sản xuất silicon wafer như là một sự thay thế mang tính chiến lược khi doanh thu polysilicon có dấu hiệu sụt giảm (Ảnh: GCL-SI)

Năm 2009, ông Zhu lại tiếp tục đưa ra thêm một quyết định quan trọng khác khi bổ sung danh mục sản xuất của GCL-Poly bằng một vật liệu mới là chất mang pin mặt trời (Silicon wafer), đồng thời bắt đầu triển khai việc xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời. Và một lần nữa, ông lại nhận được sự hậu thuẫn từ chính phủ Trung Quốc với nguồn ngân sách trị giá 710 triệu USD đổ vào doanh nghiệp của mình. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, đến cuối năm 2009, năng lực sản xuất silicon wafer của GCL-Poly đã đạt 3.5GW, chiếm hơn 30% tổng sản lượng trên toàn cầu.

Thừa thắng xông lên, ông Zhu Gongsan tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực năng lượng mặt trời mà ông nhận thấy là "đầy những tiềm năng và cơ hội". Và chỉ trong vòng 5 năm, vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn GCL-Poly đã trở thành một trong những "ông lớn" trên sân chơi của thế giới.

Theo phân tích của tạp chí kinh tế Bloomberg thì Trung Quốc chiếm đến 1/2 thị trường các tấm pin năng lượng mặt trời và 45% nguyên liệu silicon đa tinh thể của thế giới. Và các con số này vẫn không ngừng tăng lên theo thời gian. Chính vì vậy, lợi nhuận đạt được của GCL-Poly là 555 triệu USD chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011 cùng khả năng sản xuất hơn 65.000 tấn silicon đa tinh thể chỉ trong một năm.

Tại Diễn đàn Quốc tế về Chuyển đổi Năng lượng được tập đoàn GLC tổ chức tháng 10/2016 tại Trung Quốc với sự tham gia của các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu, ông Zhu nói rằng, ông đang hướng tầm nhìn đến một số thị trường mới nổi nhằm thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực năng lượng "xanh" tại Đông Nam Á, Tây Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

 Cơn khát silic đa tinh thể ở Trung Quốc, sự xuất hiện của tỷ phú xanh lặng lẽ và cuộc chơi ở Việt Nam - Ảnh 5.

Ông Zhu Gongshan liên tục tìm kiếm các thị trường mới trên khắp thế giới. Trong ảnh là buổi làm việc giữa ông Zhu với Bộ trưởng năng lượng UEA Awaidha Murshid Almarar tháng 1/2018 (Ảnh: GCL Power)

Điều này cũng được ông Zhu tái khẳng định tại một hội nghị về biến đổi khí hậu do Liên hiệp quốc tổ chức vào đầu tháng 12/2018 tại Ba Lan nơi ông đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đầu tư phát triển các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời và điện gió. Và cuối tháng 7/2021, ông Zhu lại một lần nữa "đặt suy nghĩ của mình ra khỏi chiếc hộp" (Think out of the box) bằng hợp đồng ký kết với chính quyền địa phương tại Ethiopia, một quốc gia thuộc châu Phi, để biến hợp chất a-mô-ni-ắc thành 4 triệu tấn hydro lỏng mỗi năm xuất bán cho các thị trường khác nhau trên khắp thế giới.

Ngoài ra, tập đoàn GCL của ông Zhu cũng đang có kế hoạch sản xuất 400.000 tấn sản phẩm hydro từ những nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2025, chủ yếu là từ các trạm sản xuất điện mặt trời đặt tại Trung Quốc.

VIỆT NAM - ĐẤT VÀNG CỦA NGÀNH ĐIỆN MẶT TRỜI

Việt Nam luôn được xem là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế về chi phí sản xuất thấp và nguồn nhân lực trẻ dồi dào. Tuy nhiên, song song với việc thu hút đầu tư tăng cao mỗi năm thì nhu cầu dùng điện cũng nâng lên đáng kể. Chính vì vậy, chính phủ Việt Nam rất khuyến khích sự phát triển của ngành điện năng lượng mặt trời, xem như là nguồn năng lượng thay thế có thể giúp đất nước giảm sự phụ thuộc vào điện than đá, đồng thời cải thiện các vấn đề về môi trường,

Thời gian qua, Việt Nam đã đón một lượng vốn FDI vào xây dựng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời, nhằm khai thác tiềm năng và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện mặt trời ngày càng tăng cao cả trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh một số dự án của nhà đầu tư đến từ Mỹ và Canada, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và Đài Loan đã đến Việt Nam, trong đó không ít nhà sản xuất thuộc nhóm đầu của Trung Quốc và thế giới.

 Cơn khát silic đa tinh thể ở Trung Quốc, sự xuất hiện của tỷ phú xanh lặng lẽ và cuộc chơi ở Việt Nam - Ảnh 6.

Năm 2017, tập đoàn GCL hợp tác cùng công ty Vina Solar phát triển sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công suất 600 MW tại Việt Nam (Ảnh: Power Technology)

Tháng 1/2017, GCL-SI, thành viên của tập đoàn GLC-Poly - Tập đoàn của tỷ phú Zhu Gongsan đã quyết định đầu tư 32 triệu USD cùng với nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời OEM lớn tại Việt Nam là công ty Vina Solar có trụ sở tại Bắc Giang để phát triển các dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với công suất 600 MW tại nhà máy ở Việt Nam.

Theo các nhà lãnh đạo cấp cao của GCL-SI thì đây là một động thái cần thiết nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận Mỹ và EU khi hai thị trường này đang có những rào cản thương mại được thiết lập đối với tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất tại Trung Quốc và Đài Loan.

"Việc đầu tư này không chỉ mang lại những lợi thế về chi phí cho công ty, mà còn giúp sắp xếp chuỗi cung ứng của chúng tôi trên phạm vi toàn cầu", ông Shu Hua, Chủ tịch công ty GCL-SI cho biết.

Vina Solar Technology Việt Nam vốn là đơn vị do công ty năng lượng mới Ningbo Yize (Ninh Ba Yize) đầu tư. Năm 2020, Tập đoàn LONGi đã mua lại Vina Solar từ tay Ningbo Yize với giá 253 triệu USD.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu năng lượng sạch BloombergNEF công bố vào tháng 5/2021, Việt Nam hiện đứng thứ 7 trên thế giới về sản lượng điện mặt trời. Trong năm 2020, Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc về số lượng tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt.

Các chuyên gia cho biết, 99% pin năng lượng mặt trời lắp ráp các công trình tại Việt Nam là nhập khẩu và chủ yếu mua từ Trung Quốc. Năm 2019, doanh nghiệp tại Việt Nam nhập khẩu 36,2 triệu tấm pin mặt trời với giá trị 844,8 triệu USD. Năm 2020, lượng nhập khẩu tăng gấp 3 lần lên 114,6 triệu tấm pin với giá trị lên tới 2,4 tỷ USD (tăng hơn 185%) so với năm 2019.

 Cơn khát silic đa tinh thể ở Trung Quốc, sự xuất hiện của tỷ phú xanh lặng lẽ và cuộc chơi ở Việt Nam - Ảnh 7.

GCL xem Việt Nam là thị trường trọng điểm để có thể điều phối chuỗi cung ứng sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời trên phạm vi toàn cầu (Ảnh: PV-Tech)

Trong nước hiện có chưa tới 10 nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn như: First Solar (tại Củ Chi), HT Solar (tại Hải Phòng), Vina Solar (tại Lào Cai), Trina Solar (tại Bắc Giang), JA Solar (tại Bắc Giang), Canadian Solar (tại Hải Phòng), IREX Solar (tại Vũng Tàu)...

Hồi tháng 4/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng vừa cấp phép siêu dự án điện từ pin năng lượng mặt trời với tổng mức đầu tư 500 triệu USD cho công ty Jinko Solar Hong Kong - một trong những nhà sản xuất tấm quang năng lớn trên thế giới.

 Cơn khát silic đa tinh thể ở Trung Quốc, sự xuất hiện của tỷ phú xanh lặng lẽ và cuộc chơi ở Việt Nam - Ảnh 8.

Nguyễn Thuận

Doanh nghiệp tiếp thị

Xem thêm: nhc.5362058092801202-man-teiv-o-iohc-couc-av-el-gnal-hnax-uhp-yt-auc-neih-taux-us-couq-gnurt-o-eht-hnit-ad-cilis-tahk-noc/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cơn khát silic đa tinh thể ở Trung Quốc, sự xuất hiện của tỷ phú "xanh" lặng lẽ và cuộc chơi ở Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools