vĐồng tin tức tài chính 365

Năm học mới thích ứng dịch bệnh

2021-08-29 10:56
Năm học mới thích ứng dịch bệnh - Ảnh 1.

Hai nhân viên Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam chuẩn bị giao sách giáo khoa cho khách hàng trên đường Độc Lập, quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Hội nghị do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 28-8 với sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh thành và 400 trường đại học, cao đẳng cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Đề xuất kéo dài năm học

Tại hội nghị, đại diện cho địa phương ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết năm học 2021-2022, học sinh bậc trung học của TP bắt đầu từ ngày 1-9, tiểu học bắt đầu chậm hơn 1 tuần và dành mười ngày đầu hướng dẫn kỹ năng học tập trên Internet cho học sinh và phụ huynh.

TP yêu cầu các trường rà soát các trường hợp học sinh khó khăn để có giải pháp hỗ trợ về thiết bị kết nối học trực tuyến, có phương án kèm cặp riêng... 

TP.HCM cũng triển khai kết hợp với Đài truyền hình TP phát sóng chương trình dạy học từ xa từ tháng 9, kết hợp với phụ huynh kèm học sinh tự học ở nhà. Đồng thời, chỉ đạo các trường xây dựng phương án linh hoạt và tận dụng tối đa thời gian vàng để có thể đưa học sinh trở lại trường dạy học trực tiếp, nhất là khối lớp 1, 2.

Nỗ lực hết mức nhưng theo ông Dương Anh Đức, do dịch bệnh kéo dài, học trực tuyến không thể thay thế cho học trực tiếp. Vì thế, TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT xem xét phương án cho kéo dài năm học để đảm bảo chất lượng giáo dục, nhất là với khối lớp nhỏ 1, 2, 3.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - kiến nghị Bộ GD-ĐT quyết liệt hơn trong việc phân cấp cho địa phương quyết định và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, khả thi với từng cấp học. 

Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo chuẩn kiến thức cần thiết, kiến thức nền tảng cốt lõi trong tình huống cấp bách và xây dựng ngân hàng đề thống nhất chung cho cả nước, trong đó có thang đo chuẩn kiến thức cơ bản phải đạt. 

Trên cơ sở đó, từng địa phương có thể quyết định tổ chức các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT theo điều kiện đặc thù của từng địa phương. Lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình đề nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn linh hoạt thực hiện năm học trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông Nguyễn Đức Trung - chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lộ trình thực hiện chương trình giáo dục mới ở lớp 10. Vì trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp sẽ có nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn lực chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới ở cấp học này. 

Nhìn nhận ở một góc độ khác, bà Quyên Thanh cũng cho rằng học sinh lớp 9 năm học này sẽ phải trải qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nếu năm học sau phải chuyển tiếp học chương trình mới ở lớp 10 sẽ khó khăn, áp lực cho học sinh.

Năm học mới thích ứng dịch bệnh - Ảnh 2.

Học sinh lớp 1 tại Bắc Giang tựu trường năm học mới 2021. Bài học đầu tiên của các em là phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: ĐĂNG CHUNG

Xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt

Bộ GD-ĐT xác định dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp và kéo dài. Vì thế năm học 2021-2022 sẽ chú trọng vào việc chuyển đổi trạng thái hoạt động, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. 

Ứng phó với dịch COVID-19, duy trì chất lượng giáo dục trong năm học tiếp tục thực hiện song song hai chương trình, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đến tính linh hoạt, sẵn sàng chuyển trạng thái của các nhà trường để ứng phó với các tình huống khác nhau.

Với việc xây dựng nhiều phương án dạy học trực tiếp, trực tuyến, dạy học qua truyền hình, hỗ trợ học sinh từ xa để tự học, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và quản trị nhà trường.

Điểm quan trọng nữa là chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục để có thể linh hoạt sắp xếp nội dung dạy học phù hợp với từng hình thức (trực tuyến, trực tiếp, qua truyền hình), tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp để dạy thực hành, thí nghiệm, thực hiện các hoạt động trải nghiệm, luyện tập củng cố kiến thức. 

Với học sinh lớp 1, 2 có thể kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến với cách thức phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để giáo dục học sinh tại nhà trong tình huống không thể dạy học trực tuyến.

Tình thế phải "chuyển trạng thái" được Bộ GD-ĐT xác định vừa là thách thức, cũng là cơ hội để linh hoạt, sáng tạo trong việc kết hợp nhiều hình thức dạy học, phương pháp dạy học, các hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, chú trọng việc rèn khả năng tự học của học sinh, thay đổi cách quản trị của nhà trường bằng ứng dụng công nghệ...

Năm học mới thích ứng dịch bệnh - Ảnh 3.

Quang cảnh hội nghị triển khai năm học sáng 28-8 - Ảnh: Chinhphu.vn

Sắp xếp mạng lưới trường lớp

Từ con số của Kon Tum giảm 143/918 điểm trường lẻ, mới chỉ sắp xếp được 15% và còn đến 800 điểm lẻ đang tồn tại, Thủ tướng đặt ra "bài toán" chung cho các địa phương trên cả nước trong việc sáp nhập điểm trường, xóa bỏ các điểm lẻ, củng cố hệ thống trường nội trú ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. 

Và hướng đi này sẽ giúp ngành giáo dục giảm lãng phí về cơ sở vật chất và nhân lực (giáo viên). Với giải pháp này, vừa giải quyết việc thiếu giáo viên, vừa nâng chất lượng giáo dục khi học sinh được đưa vào trường nội trú với các điều kiện chăm sóc, giáo dục tốt hơn.

Trong khi nghe các địa phương đối thoại về những nơi địa bàn khó khăn không thể xóa điểm lẻ, Thủ tướng cho rằng cần phải đi tới tận nơi, kiểm tra đánh giá cụ thể. Vì có những trường hợp khó khăn bất khả kháng, nhưng cũng có những trường hợp có thể giải quyết được nhưng địa phương đã chưa quyết liệt, rốt ráo. 

Thủ tướng kể lại câu chuyện cụ thể ở một xã đảo của Quảng Ninh có điểm trường có bảy học sinh nhưng cần tới chín giáo viên. Thay vì phương án chi 1,2 tỉ đồng đưa giáo viên đến điểm lẻ thì chỉ lấy 200 triệu để bố trí phương tiện đưa đón học sinh ở điểm lẻ về trường chính. Học sinh được tiếp cận môi trường học tập tốt, trong khi có thể tiết kiệm được 1 tỉ đồng ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đưa ra nhiều ví dụ cụ thể khác để gợi ý cho địa phương về việc rà soát vị trí công việc trong ngành giáo dục, sắp xếp mạng lưới trường lớp để tiết kiệm, hiệu quả. Ông nêu phương án có thể điều chuyển giáo viên thừa ở cấp này sang cấp khác đang thiếu, với điều kiện giáo viên được bồi dưỡng, đào tạo bổ sung.

Những ví dụ cụ thể Thủ tướng nêu khi đối thoại với địa phương chỉ để gợi ý, thông điệp đằng sau đó của ông là muốn địa phương phải nắm kỹ tình hình, cân nhắc các phương án để sắp xếp lại, chứ không chỉ làm công tác thống kê và kêu ca, kiến nghị. 

"Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá về việc này càng sớm càng tốt" - Thủ tướng chỉ đạo.

Năm học mới thích ứng dịch bệnh - Ảnh 4.

Học sinh tại Hà Nội đeo khẩu trang trong giờ học - Ảnh: MAI THƯƠNG

Nghiên cứu đổi mới thi tốt nghiệp THPT

Năm học 2021 - 2022, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu nghiên cứu đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng giao chủ động hơn nữa cho các địa phương tổ chức. Đồng thời, xây dựng các trung tâm khảo thí tại 2 đại học quốc gia và các đại học vùng để tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, tạo điều kiện cho học sinh sử dụng kết quả này để tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đưa ra yêu cầu cần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm bằng các giải pháp thiết thực. Đồng thời, đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án cho các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị. "Một chính sách mới cần có thời kỳ quá độ" - Thủ tướng nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Văn Minh (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Nâng "chất" đội ngũ nhà giáo

Giáo viên là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của giáo dục. Mới đây, Chính phủ ban hành 116/2020/NĐ-CP về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Đây là chính sách kịp thời và tiến bộ. Nhưng đó mới là điều kiện cần, điều kiện đủ phải là vị trí việc làm và chế độ chính sách, môi trường, cách thức làm việc để họ phát huy hết năng lực của họ. Điều kiện đủ phải bắt đầu từ các UBND các tỉnh, từ Bộ Nội vụ.

Chính phủ đã dành nhiều nguồn để kiên cố hóa trường học, dành cho trang thiết bị nhưng nếu mạnh dạn đầu tư cho thầy cô ở khía cạnh đãi ngộ và môi trường làm việc để những người giỏi vào nghề, tâm huyết và yên tâm công tác thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ khác hẳn.

Về việc thu hút giáo viên giỏi gắn bó với nghề ở các vùng khó khăn, trước đây, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc phân công công tác giáo viên và đã có nhiều tác động tích cực về phát triển giáo dục miền núi, vùng khó khăn. Hiện nay, việc này vẫn nên nghiên cứu nhằm từng bước phát triển giáo dục các vùng này và chỉ có thế mới có thể tạo ra sự tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn:

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm học

Trước mắt, Bộ GD-ĐT triển khai những biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh lên giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm học. Trong đó ưu tiên triển khai dạy và học phù hợp với điều kiện ở vùng dịch khác nhau và đặc biệt lưu ý giải pháp hỗ trợ các đối tượng học sinh lớp 1, lớp 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Đảm bảo mọi học sinh được đến trường

Về nguyên tắc, ở đâu có học sinh là ở đó phải có giáo viên, phải có trường học. Chúng ta không được phép để con em mình thất học, vấn đề là nghiên cứu để có phương án phù hợp. Làm sao để tiết kiệm tối đa, vì nguồn lực chúng ta có hạn. Chúng ta không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần, nhưng phải tổ chức cơ cấu lại nhà trường, nghiên cứu đưa ra mô hình phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, mà phải đảm bảo quyền lợi cao nhất của học sinh, phải đảm bảo mọi học sinh phải được đến trường.

Cả nước thiếu gần 100.000 giáo viên

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, cả nước đang thiếu 94.714 giáo viên. Thiếu nhiều nhất ở bậc giáo dục mầm non và tiểu học nhưng đồng thời đang thừa 10.178 giáo viên. Việc thừa, thiếu cục bộ tùy theo môn học, bậc học ở mỗi địa phương. Tại hội nghị, những con số gây chú ý chính là số giáo viên thiếu được lãnh đạo các tỉnh đề cập. Đáng chú ý là Nghệ An thiếu gần 8.000 giáo viên các cấp. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ninh... thiếu hàng ngàn giáo viên.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, câu chuyện "thiếu giáo viên" khá phức tạp. Quảng Ninh thiếu gần 3.400 giáo viên nhưng cũng thừa cục bộ. Và nếu tính riêng giáo viên cho các môn học mới thiếu gần 2.000 giáo viên; tính giáo viên thiếu khi thực hiện giờ quy đổi (dạy học kết hợp công tác khác, quy đổi ra giờ dạy) thì thiếu 1.459 giáo viên.

Tình trạng này cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương. Đó là giáo viên dư thừa không thể bố trí được công việc, trong khi số thiếu lại không có biên chế để tuyển. Việc thừa, thiếu này cũng có những thay đổi tùy theo từng giai đoạn nên không có giải pháp căn cơ sẽ có thể dẫn tới hệ lụy khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cần có nghiên cứu kỹ, dựa trên lợi ích quốc gia. Nếu các địa phương cứ đơn thuần thống kê số thiếu rồi kêu lên trên thì sẽ rất khó. "Mỗi năm lại đề xuất cần thêm bao nhiêu giáo viên, đất nước không chịu nổi" - Thủ tướng nói.

Trong khi chất vấn lãnh đạo tỉnh Kon Tum về số giáo viên thiếu thế nào, ai quy định số chỉ tiêu còn thiếu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc đánh giá một cách chuẩn xác tình trạng thiếu, thừa giáo viên cần phải đi kiểm tra và chủ động có các giải pháp khắc phục ngay, tùy theo tình hình thực tế ở mỗi địa phương.

Đề nghị bổ sung hơn 94.700 biên chế

Về vấn đề giáo viên, Bộ GD-ĐT cho biết đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế. Trong đó có 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới của cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Nhưng nếu như vấn đề giáo viên không được chủ động giải quyết từ cơ sở, tùy theo đặc thù mỗi địa phương thì con số giáo viên mới khó có thể bù đắp số thiếu hụt phát sinh hằng năm.

TP.HCM tuyển gần 6.000 giáo viên

Theo tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học mới TP cần tuyển 437 viên chức (gồm 388 giáo viên và 49 nhân viên) để bổ sung nhu cầu giáo viên đối với các trường THPT và đơn vị trực thuộc chưa được phân cấp tuyển dụng. Ở khối các quận, huyện và TP Thủ Đức, tính đến tháng 6-2021, các địa phương đã báo cáo cần tuyển 5.526 giáo viên, nhân viên trong các trường từ mầm non cho đến THCS.

Trong tháng 8-2021, các đơn vị sẽ triển khai tổ chức tuyển dụng giáo viên cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc theo phân cấp quản lý. Trong đó vòng 1 kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính, nội dung thi gồm hai phần. Phần 1 là kiến thức chung, hiểu biết về Luật viên chức, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật về ngành, lĩnh vực giáo dục. Phần 2 kiểm tra ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm, một trong ba ngoại ngữ là Anh, Pháp, Hoa. Nếu từng phần thi đạt từ 50% trở lên, thí sinh sẽ được thi tiếp vòng 2. Kết quả vòng 1 được công bố ngay khi kết thúc thời gian làm bài.

Vòng 2 thi thực hành môn nghiệp vụ chuyên ngành để kiểm tra năng lực chuyên môn và nghiệp vụ giảng dạy của người dự tuyển. Nội dung thi xoay quanh kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Thời gian thi 30 phút. Được biết, công tác tuyển dụng giáo viên ở TP.HCM năm nay dự kiến hoàn tất vào tháng 11-2021.

H.HG.


Năm học mới: Dạy lý thuyết trực tuyến, dành thời gian trực tiếp dạy thực hành, thí nghiệmNăm học mới: Dạy lý thuyết trực tuyến, dành thời gian trực tiếp dạy thực hành, thí nghiệm

TTO - Đây là một trong những hướng dẫn trong nhiệm vụ năm học mới đối với các trường trung học khi phải dạy trực tuyến kéo dài vì dịch COVID-19 phức tạp vừa được Bộ GD-ĐT ban hành.

Xem thêm: mth.75485028092801202-hneb-hcid-gnu-hciht-iom-coh-man/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Năm học mới thích ứng dịch bệnh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools