Thua lỗ triền miên
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của Vietnam Airlines cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2/2021 đạt 6.598 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cơ cấu doanh thu, vận tải hàng không vẫn là mảng kinh doanh chủ chốt của hãng bay chiếm 66% tổng doanh thu. Tuy nhiên, trong quý này, mảng kinh doanh vận tải hàng không và phụ trợ vận tải giảm nhẹ so với cùng kỳ, còn mảng bán hàng lại có doanh thu tăng trưởng gấp 3,2 lần so với năm trước.
Tuy nhiên, các khoản giảm trừ doanh thu tăng gấp 6 lần cùng với giá vốn hàng bán tăng mạnh khiến Vietnam Airline ghi nhân mức lỗ gộp xấp xỉ 3.500 tỷ đồng, tăng 632 tỷ so với số lỗ gộp 2.865 tỷ của quý 2/2020.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp này giảm sâu từ 902 tỷ đồng của năm trước xuống chỉ còn 141 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gấp đôi.
Sau khi khấu trừ thuế, Vietnam Airlines ghi nhận 4.528 tỷ đồng lỗ sau thuế. Đây là quý thứ 6 liên tiếp Vietnam Airlines ghi nhận lỗ và cũng là quý lỗ lớn thứ 2 trong lịch sử của hãng bay, chỉ sau quý 1 năm nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ 8.585 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 5.262 tỷ đồng 6 tháng năm 2020. Như vậy, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đến thời điểm cuối tháng 6/2021 là 17.771 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có thể thấy con số này vẫn thấp hơn mức lỗ ước tính trong 6 tháng đầu năm là 10.788 tỷ đồng mà lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra tại đại hội cổ đông thường niên vào ngày 14/7.
Được biết, trong nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines khai thác tổng cộng xấp xỉ 36.000 chuyến bay, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái do dịch Covid-19 hai lần bùng phát đợt 3 và đợt 4.
Giải trình về kết quả kinh doanh thua lỗ, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, do đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
“Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 2/2021 giảm mạnh so với quý 2/2020 ngoài liên quan đến giảm lợi nhuận công ty mẹ, còn do lợi nhuận của các công ty con liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không như Nasco, Vaeco cũng giảm mạnh”, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.
Chính thức âm vốn chủ sở hữu
Việc thua lỗ 6 quý liên tiếp đã khiến vốn chủ sở hữu của Vietnam Airline chính thức âm. Tính đến cuối quý 1/2021, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chỉ còn 1.030 tỷ. Vì vậy, sau khi lỗ thêm hơn 4.500 tỷ trong quý 2, vốn chủ tại ngày 30/6 đã chuyển sang âm 2.750 tỷ đồng.
Tổng cộng tài sản của Vietnam Airlines tính đến cuối tháng 6 là 61.255 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ phải trả là hơn 64.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Hàng tồn kho tăng mạnh từ 1.849 tỷ đồng lên 2.580 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng hóa, nguyên, vật liệu. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 724 tỷ đồng, dù vậy cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 và năng lực sản xuất vẫn ở mức thấp, hãng bay đưa ra các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận dự kiến trong năm nay đều xấu hơn năm ngoái. Theo đó, Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất cả năm tăng 30% so với năm ngoái, lên đến 14.526 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 12.908 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất dự kiến giảm 11,6% xuống còn gần 37.400 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2021, Vietnam Airlines mới đạt 37,8% kế hoạch doanh thu và hoàn thành 59% kế hoạch lỗ cả năm.
Vietnam Airlines đang triển khai kế hoạch chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4% với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Tổng số tiền dự kiến thu về và số vốn điều lệ tăng thêm đều là 8.000 tỷ đồng.
Khoản tiền từ việc tăng vốn này sẽ được sử dụng để trả nợ các khoản vay ở các tổ chức tín dụng đã quá hạn; trả các khoản nợ vay mà Vietnam Airlines đang nợ các nhà cung ứng, đặc biệt là các đơn vị cho thuê máy bay và bổ sung các dòng vốn lưu động của Vietnam Airlines để đảm bảo sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
PHƯƠNG LY