Các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) và Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) hiện đang có gần 700 nhà máy/doanh nghiệp (DN) đang hoạt động theo quy định "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến". Hầu hết các DN đang thực hiện "3 tại chỗ", đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đều nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất, tăng cường phòng chống dịch nhằm giữ chân trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Không có phương án thay thế
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP HCM (HBA), cho hay đa số DN lẫn người lao động đã rất mệt mỏi nhưng cố gắng cầm cự, đeo bám để giữ cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. "Đặc biệt, từ ngày 23-8 đến nay, DN không được phép áp dụng phương án thay thế cho 3 tại chỗ, cũng không được thay đổi tăng hoặc giảm số lao động vừa cách ly, vừa sản xuất và thực hiện nghiêm quy định ai ở đâu ở yên đó" - ông Nguyễn Văn Bé nêu thực trạng.
Những ngày gần đây, nhiều DN "3 tại chỗ" bị đình trệ hoạt động kết nối với bên ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu do thành phố siết chặt quy định về các đối tượng được di chuyển. Nhiều DN phản ánh xe giao nhận hàng hóa, xe cung cấp suất ăn công nghiệp, xe đưa rước công nhân không qua được các chốt kiểm soát vì không có thẻ đi đường (dù quy định mới nhất là chỉ cần xe có mã QR do Sở Giao thông Vận tải cấp).
Đặc biệt, bà Lê Bích Loan, Phó Ban Quản lý SHTP, cho hay từ tuần trước đến nay, ban quản lý liên tục nhận tin nhắn, cuộc gọi của các DN trong khu thắc mắc về giấy đi đường hoặc hỏi "chừng nào được cấp giấy". Rất nhiều DN đến nay chưa được cấp giấy đi đường và mã QR cho xe vận chuyển hàng hóa.
"Chúng tôi đã liên hệ với các đầu mối cấp giấy đi đường là Công an TP HCM và Công an địa phương nhưng chỉ nhận được phản hồi là "chưa có". Trong khi đó, các loại giấy này chậm cấp 1 ngày thì nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên giao hàng của các DN không được đi lại làm việc 1 ngày, DN không nhập được nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc không xuất hàng hóa thành phẩm theo tiến độ được" - bà Loan phản ánh và nói thêm đã có trường hợp DN không thể giao hàng theo đúng tiến độ vì lý do này, đối diện với nguy cơ phải đền hợp đồng.
Doanh nghiệp sản xuất đang nỗ lực duy trì “3 tại chỗ” song gặp rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Ảnh: THÙY DƯƠNG
Trước thực trạng trên, các ban quản lý KCX-KCN, SHTP và HBA đã liên tục có văn bản kiến nghị Tổ Công tác đặc biệt về phòng chống dịch, UBND TP sớm có giải pháp tháo gỡ, giúp DN vượt qua giai đoạn thử thách gắn liền với sự tồn tại của DN.
Cần mô hình phù hợp hơn
Đại diện Hiệp hội DN châu Âu (Eurocham) cho rằng hiện nay khi vắc-xin đã có sẵn, việc hạn chế đi lại quốc tế và đóng cửa kinh doanh không phải là giải pháp bền vững. Về lâu dài, các biện pháp tạo khoảng cách xã hội sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cũng như đời sống, sinh kế và mức sống của cả người lao động và người dân. Do đó, kiến nghị sửa đổi "3 tại chỗ" để có một mô hình phù hợp hơn. Chẳng hạn, bổ sung thêm các phương thức để mô hình "3 tại chỗ" hiệu quả hơn, như cho phép công nhân được luân chuyển và kiểm soát dịch bằng cách test PCR trước khi ra/vào nhà máy hay trước khi luân chuyển công nhân.
"Xây dựng cơ chế để các công nhân có thể trở về địa phương như làm xét nghiệm nhanh để sàng lọc, tạo luồng xanh cho họ trở về an toàn và có hướng dẫn cho việc cách ly tại nhà khi về địa phương, thay vì cấm hoàn toàn việc trở về nhà như hiện tại" - đại diện Eurocham kiến nghị.
Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) cũng cho rằng phương án "3 tại chỗ" hay "1 cung đường - 2 điểm đến" đã mang lại hiệu quả cho một cơ chế tạm thời nhưng không bền vững từ quan điểm sức khỏe, an toàn và chi phí. Chưa kể, những công nhân chưa được tiêm vắc-xin làm việc theo cơ chế này sẽ rủi ro cho quá trình sản xuất.
Vừa qua, SHTP đã có chương trình thí điểm về việc cho phép những công nhân đã tiêm vắc-xin áp dụng "1 cung đường - 2 điểm đến", bao gồm cả việc công nhân đi làm từ nhà riêng bảo đảm quy tắc này nhưng phải tham gia test kháng nguyên nhanh thường xuyên.
Một số hiệp hội DN nước ngoài khác tại Việt Nam kiến nghị nên áp dụng hình thức sản xuất "3 tại chỗ" tối đa là 4 tuần hoặc linh hoạt trong việc triển khai để tạo thuận lợi cho DN và người lao động. Ngoài ra, thời gian dỡ bỏ mô hình này cũng cần được dự kiến lộ trình cụ thể để tránh gây áp lực cho công nhân.
Mong được chích vắc-xin bình đẳng
Theo ông Nguyễn Văn Bé, vướng mắc lớn nhất mà nhiều DN khẩn thiết mong muốn nhà nước cùng chính quyền thành phố hỗ trợ là sớm tiêm mũi 2 cho khoảng 60.000 công nhân đang thực hiện "3 tại chỗ" đã tiêm mũi 1 cách nay hơn 9 tuần, chủ yếu là vắc-xin AstraZeneca. Cùng với đó là tiêm mũi 2 cho đối tượng người lao động không tham gia "3 tại chỗ" (đang ở nhà trọ hoặc về quê), tiêm vét mũi 1 cho người lao động trong các KCX-KCN và SHTP chưa được tiêm vì nhiều lý do.
"Như chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, việc phủ vắc-xin trong các DN sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho cá nhân người lao động lẫn DN và bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất trong hiện tại lẫn tương lai. Việc này đồng thời giúp công nhân trở lại làm việc được thuận lợi, an toàn. Thực trạng hiện nay, công nhân các KCX-KCN và Khu Công nghệ cao - nhất là công nhân "3 tại chỗ" - không có tên trong danh sách tiêm chủng ngừa dịch Covid-19 tại phường/xã, địa phương" - ông Bé nêu.
Xem thêm: mth.73312302203801202-ohk-uek-ial-ohc-iat-3-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.moc.dln