Trước tác động của đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư, các dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ suy giảm.
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 1-1,5% so với dự báo đưa ra hồi quý I năm nay, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt từ 6-6,3%.
Trong khi đó, dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới World Bank vừa công bố tuần vừa qua, đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong cả năm 2021 xuống 4,8% mặc dù nền kinh tế đã ghi nhận kết quả vững chắc trong nửa đầu năm.
Dự báo này thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo do Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12-2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch COVID-19 hiện nay đến các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên theo ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng đó vẫn là những dự báo lạc quan hơn mức thực tế.
“VinaCapital cũng đang điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam và cần phải nói thêm rằng các dự báo của chúng tôi luôn thấp hơn và chính xác hơn so với dự báo chung của thị trường. Chúng tôi cũng cho rằng kỳ vọng tăng trưởng EPS 38% (lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu) trong năm 2021 là khó khả thi.
Do đó, nghị các nhà đầu tư không nên quá tin tưởng vào chiến lược “chọn đúng thời điểm thị trường” và bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này hay cố gắng tính toán thời điểm quay trở lại thị trường” - ông Michael Kokalari nhấn mạnh.
Trước khi đưa ra những dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam, VinaCapital quan sát các hoạt động kinh tế trên địa bàn TP và nhận thấy đối với hoạt động sản xuất, nhiều nhà máy ở các khu công nghiệp ngoại ô TP.HCM vẫn tiếp tục hoạt động dù công suất giảm.
Các công ty như Panasonic, Sanyo và Samsung… chở công nhân đến vào buổi sáng và đưa về khách sạn vào buổi chiều khi thành phố áp dụng phương án “2 điểm đến” trên “1 cung đường”. Những chuyến xe này sẽ thả công nhân tại một số khách sạn ở trung tâm TP.HCM và ghi nhận tỷ lệ lấp đầy của một số khách sạn ở trung tâm kể từ khi đại dịch bùng phát.
Công ty FDI kể trên là các nhà sản xuất hàng điện tử, là những đơn vị có khả năng chi trả chỗ ở cho nhân viên tại các khách sạn hoặc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 khác.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất lại thấp hơn nhiều so với các công ty sản xuất điện tử tiêu dùng nên họ đang gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, việc xuất khẩu các sản phẩm này cũng đã giảm mạnh trong tháng 8. Sự sụt giảm này sẽ tác động đến mức tăng trưởng GDP của Việt Nam, cũng giống như sự suy giảm trong di chuyển cá nhân ở TP.HCM xuống mức thấp hơn nhiều so với đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên vào tháng 4 - 2020 đã ảnh hưởng đáng kể đến tiêu dùng trong nước.
Trong khi đó, bình luận về sự phục hồi kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm, ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: “Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc-xin, và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng và để kích thích phục hồi”.
“Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi” - ông Rahul Kitchlu nói.
Đồng quan điểm, ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cũng cho rằng lợi nhuận EPS sẽ tăng mạnh trong năm tới.
Intel cho biết công ty đang chi trả 6 triệu USD/tháng, tương đương khoảng 130 tỉ đồng/tháng để lo chỗ ở cho nhân viên cũng như các biện pháp phòng chống và khắc phục COVID-19 khác. |