Căng thẳng xuyên Đại Tây Dương thêm nóng khi ngày 20-9 các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ thái độ tức giận của Pháp, liên quan việc Úc hủy thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp để mua tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ trong khuôn khổ thỏa thuận quốc phòng ba bên AUKUS (Mỹ - Anh - Úc), theo hãng tin AFP.
Tàu ngầm FNS Amethyste của Pháp đi qua sông Thames
trên đường đếncăn cứ tàu ngầm hải quân New London ở thị trấn Groton,
bang Connecticut (Mỹ) ngày 1-9-2021. Ảnh: US NAVY/AP
Căng thẳng giữa Mỹ với Pháp và EU phủ sóng kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra ở New York ngày 21-9 (giờ địa phương).
Theo Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, gặp nhau tại New York, các ngoại trưởng EU đã thể hiện sự thống nhất cao với Pháp trong vụ này. Ông Borrell cho rằng “thông báo này (lập AUKUS và Úc hủy thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp) đi ngược lại với lời kêu gọi hợp tác nhiều hơn nữa với EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cáo buộc Mỹ “phản bội” và Úc thì đâm sau lưng. Ông Le Drian nói ông không có lịch gặp riêng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và kêu gọi châu Âu “nghĩ kỹ” về liên minh với Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU sẽ đòi cho ra câu trả lời từ phía Mỹ, vì “chúng tôi đang chứng kiến một sự thiếu minh bạch và thiếu trung thành rõ ràng”, trong khi các đồng minh cần đảm bảo có sự “minh bạch và tin tưởng”. Theo ông, ít nhất thời ông Trump mọi cái rất rõ - từ giọng điệu, thực chất - rằng EU không phải là lựa chọn của ông Trump như một đối tác, một đồng minh hữu dụng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng sẽ nhân kỳ họp Đại hội đồng LHQ tập hợp sự ủng hộ của các đồng minh sau nhiệm kỳ tổng thống tranh cãi của người tiền nhiệm Trump, đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Và có vẻ phía Mỹ đang tích cực xoa dịu các đồng minh vì mục tiêu này.
Bản thân ông Biden đã đề xuất được điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - vốn quyết định sẽ không đến Mỹ dự kỳ họp Đại hội đồng LHQ vì dịch COVID-19.
AFP dẫn thông tin từ nhiều quan chức Mỹ cho biết ông Blinken, vốn lớn lên ở Paris và nói tiếng Pháp rất sõi, những ngày qua đã cố gắng giảm thiểu căng thẳng. Ngày 17-9, ông Blinken đã vội nói chuyện với đại sứ Pháp tại Washington trước khi vị đại sứ nhận lệnh triệu hồi về nước. Ông Blinken cũng đề cập đến sự bất mãn của Pháp và các đồng minh khác quanh việc Mỹ vẫn giữ lệnh cấm du khách châu Âu nhập cảnh vốn ban hành từ đầu đại dịch.
Và ngày 20-9, chính phủ ông Biden đã thông báo từ tháng 11 sẽ bỏ lệnh cấm này với những du khách châu Âu đã tiêm vaccine. Đây là điều EU mong muốn lâu nay. Nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, đã hoan nghênh quyết định này của Mỹ.