Sản lượng mía và đường sản xuất tại Việt Nam giảm liên tục trong những năm gần đây - Ảnh: ANH CAO
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đường nhập lậu, đường vi phạm quy định chống trợ cấp và chống bán phá giá từ nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN là nguyên nhân chính làm cho ngành mía đường Việt Nam giảm liên tục các năm qua.
Đại diện VSSA cho biết, diện tích và sản lượng mía, sản lượng đường sản xuất trong nước giảm liên tục trong những năm gần đây dưới tác động trực tiếp từ đường nhập lậu và đường được trợ cấp từ Thái Lan, quốc gia sản xuất đường lớn nhất khu vực.
Do không phải chịu các loại thuế như thuế nhập khẩu, VAT, thuế ngoài hạn ngạch và được hưởng mức trợ giá từ nơi sản xuất, đường ngoại nhập tràn vào trong nước với giá rẻ mỗi năm trên dưới 800.000 tấn, gây thiệt hại cho ngành mía đường trong nước.
Các nhà máy sản xuất đường không thể cạnh tranh với đường nhập ngoại, buộc phải giảm giá mua mía của nông dân, nông dân giảm diện tích trồng mía vì không đảm bảo lợi nhuận.
Trước phản ảnh của các doanh nghiệp mía đường trong nước và VSSA, Bộ Công thương đã điều tra và ban hành quyết định số 2466/QĐ-BCT tháng 9-2020 về việc điều tra. Ngày 9-2-2021, Bộ Công thương ban hành quyết định số 477/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Do giá mía xuống thấp, nhiều nông dân đã chặt bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác - Ảnh: ANH CAO
Tuy nhiên, sau khi áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường Thái Lan, lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia khác tại ASEAN là Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Indonesia vào Việt Nam tăng đột biến.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2020 nhập khẩu đường từ 5 quốc gia nói trên ở mức 71.583 tấn đã lên đến 475.985 tấn trong 7 tháng đầu năm 2021, tức hơn 6 lần so với cùng kỳ.
Một lãnh đạo VSSA cho biết cả 5 quốc gia trên đều có điểm chung là chưa từng xuất khẩu đường vào Việt Nam cho đến năm 2019. Chỉ có một trường hợp là Lào từng xuất khẩu vào Việt Nam trước đó nhưng đây là đường mía sản xuất bởi một công ty Việt Nam đầu tư tại tỉnh Attapeu. Nếu bỏ khối lượng đường này đi thì Lào cũng không xuất khẩu đường sang Việt Nam.
Do đó, việc đường từ 5 quốc gia nói trên tăng đột biến xuất khẩu sang Việt Nam kể từ năm 2020 khi Việt Nam điều tra và áp thuế với đường của Thái Lan cho thấy dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Theo số liệu hải quan, lượng đường nhập khẩu chỉ trong 7 tháng đầu năm 2021 đã đạt 916.764 tấn, lớn hơn sản lượng cả vụ sản xuất 2020-2021 của ngành đường Việt Nam. Các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu hoàn toàn làm chủ thị trường.
Ngoài ra, trong tháng 8-2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tại các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ, đường cát nhập lậu vẫn được tuồn vào nội địa với khối lượng lớn.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua việc buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vận chuyển trái phép đường cát nhập lậu.
TTO - Bộ Công thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan thông qua năm quốc gia, gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
Xem thêm: mth.87191925122901202-man-02-gnort-tahn-paht-man-teiv-aim-gnoul-nas-auq-nart-iaht-gnoud/nv.ertiout