Đoàn xe "tải" VIP của Công ty xe khách Phương Trang hoàn thành kế hoạch cung ứng, vận chuyển 6.000 tấn nông sản tặng TP.HCM và các tỉnh phía Nam - Video: ĐỨC THỌ
Sáng 22-9, thêm 170 tấn nông sản sạch được chở bằng xe giường nằm, xe buýt máy lạnh của Công ty cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đã xuất phát từ Đà Lạt đi TP.HCM và Tiền Giang.
Đây là những chuyến xe thuộc đội xe "VIP" chở nông sản do UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với FUTA Bus Lines thực hiện. Sau hành trình này, UBND tỉnh Lâm Đồng tạm kết thúc đợt tặng nông sản của tỉnh Lâm Đồng đến người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Đoàn xe chở 170 tấn nông sản từ vùng nông sản Đà Lạt đi TP.HCM và các tỉnh miền Nam - Ảnh: ĐỨC THỌ
Tổng lượng nông sản UBND tỉnh Lâm Đồng tặng đạt hơn 6.000 tấn, vượt kế hoạch hơn 1.000 tấn. Toàn bộ nông sản được UBND tỉnh Lâm Đồng mua và tiếp nhận quà tặng từ người dân, doanh nghiệp…
Như vậy, sau tròn 1 tháng thu hái, vận chuyển và phân phối từ Đà Lạt đến TP.HCM, tỉnh Lâm Đồng không những hoàn thành cam kết hỗ trợ người dân TP.HCM mà còn hỗ trợ vượt kế hoạch.
Nhân viên hãng xe Phương Trang cùng ra đồng thu hoạch rau với nông dân - Ảnh: ĐỨC THỌ
Trước đó, ngày 22-8, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kế hoạch và thực hiện ngay việc tặng TP.HCM 5.000 tấn nông sản. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Lâm Đồng đã tăng thêm 1.000 tấn để hỗ trợ công tác an sinh của TP.HCM.
Trong đó, Tập đoàn Phương Trang - FUTA Group tham gia cung ứng và vận chuyển hơn 2.000 tấn, trong đó rau xanh chuẩn VietGAP được tăng cường để đa dạng chủng loại nông sản, được vận chuyển toàn bộ bằng hệ thống xe giường nằm, xe buýt máy lạnh của FUTA Bus Lines.
Ghi nhận sơ bộ, đội xe giường nằm, xe buýt máy lạnh đã thực hiện gần 400 lượt vận chuyển nông sản từ Đà Lạt đi TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An,…
Từ vùng rau Đà Lạt, đoàn xe "tải VIP" chở nông sản đến nhiều địa điểm thuộc nội thành TP.HCM - Ảnh: ĐỨC THỌ
Ông Phạm S - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết: "6.000 tấn nông sản là tấm lòng của người dân Lâm Đồng, vùng nông sản Đà Lạt và của doanh nghiệp được UBND tỉnh Lâm Đồng đại diện và tổ chức chuyển đến đồng bào đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.
Sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bằng năng lực vận chuyển, tài chính đã góp phần để kế hoạch tương thân tương ái của tỉnh Lâm Đồng không những sớm hoàn thành mà còn vượt kế hoạch từ chất lượng đến số lượng".
Nông sản chuyển tặng đồng bào TP.HCM và các tỉnh phía Nam đa dạng nhiều chủng loại - Ảnh: ĐỨC THỌ
Ngoài một lượng lớn được đưa vào combo nông sản hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn do UBND TP.HCM tổ chức thì mỗi ngày khoảng 50 tấn nông sản được xe từ Lâm Đồng chở thẳng đến các bếp ăn từ thiện, bếp ăn bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 và bếp ăn của các bệnh viện tuyến trên.
Đây là những địa điểm cần được hỗ trợ nông sản khẩn cấp, đặc biệt các loại nông sản thuộc nhóm rau lá để hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh đang được điều trị nội, ngoại trú và thân nhân người bệnh.
FUTA BUS Lines tham gia vận chuyển, cung ứng hơn 2.000 tấn nông sản, góp phần vào kế hoạch 6.000 tấn nông sản của UBND tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: ĐỨC THỌ
Đại tá Lê Anh Vương - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng - cho biết so với thời gian đầu thực hiện tặng nông sản cho TP.HCM, lượng rau xanh được tăng lên đúng với nhu cầu của bà con ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành.
Để làm được việc này, UBND tỉnh Lâm Đồng và FUTA Bus Lines đã sáng kiến dùng xe giường nằm, xe buýt máy lạnh để thay cho xe tải đông lạnh (đang khan hiếm). Nhờ sáng kiến này, nông sản được bảo quản tốt hơn nhằm giảm hao hụt, giữ chất lượng và tạo điều kiện cho lực lượng phân phối tại TP.HCM làm tốt nhiệm vụ tặng tận tay người dân.
Theo đại tá Vương, hệ thống xe giường nằm và xe buýt máy lạnh do hãng xe Phương Trang hỗ trợ đã giúp chương trình tặng nông sản cho TP.HCM của UBND tỉnh Lâm Đồng đạt được các tiêu chí đề ra. Đặc biệt, cơ động trong việc đưa nông sản đến những địa điểm cần hỗ trợ khẩn cấp nằm ở nội ô TP.HCM.
Nhiều lực lượng cùng tham gia thu hái, vận chuyển 6.000 tấn nông sản - Ảnh: ĐỨC THỌ
Một số bệnh viện nhận trực tiếp nông sản từ Lâm Đồng được vận chuyển bằng xe giường nằm máy lạnh của hãng xe Phương Trang như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Quân y 175… đánh giá cao chất lượng nông sản từ Lâm Đồng.
Việc hỗ trợ nhanh từ đội ngũ vận chuyển đã giúp các bệnh viện gia tăng dinh dưỡng cho bệnh nhân, từ đó tăng chất lượng điều trị dù bệnh viện đang gặp khó khăn nhiều mặt do dịch bệnh.
Những loại nông sản thuộc nhóm khó hư được vận chuyển bằng xe tải thông thường - Ảnh: ĐỨC THỌ
Đối với nông sản dễ hư, khó vận chuyển được trở thành khách "VIP" trên xe giường nằm máy lạnh - Ảnh: ĐỨC THỌ
Xe buýt máy lạnh được huy động tham gia vận chuyển nông sản từ Đà Lạt đi các tỉnh phía Nam - Ảnh: ĐỨC THỌ
Đoàn xe đi ngang qua các công trình lớn của Đà Lạt thay lời "thông báo" với người dân Đà Lạt về việc đã hoàn thành đưa 6.000 tấn nông sản của người dân đến với đồng bào đang gặp khó khăn trong vùng dịch - Ảnh: ĐỨC THỌ
Gần 400 chuyến xe giường nằm, xe buýt máy lạnh đã được huy động để đưa nông sản đi đến tận các "điểm nóng" - Ảnh: ĐỨC THỌ
Mỗi lần đoàn xe vận tải "VIP" của tỉnh Lâm Đồng xuất bến là một lần gây ấn tượng với người dân - Ảnh: ĐỨC THỌ
23.500 người đã về quê tránh dịch trên "chuyến xe màu lửa"
Sáng 22-9, Tập đoàn Phương Trang - FUTA Group bố trí 12 xe đưa 250 người dân tỉnh Ninh Thuận đang ở TP.HCM về quê tránh dịch. Trước đó, ngày 21-9, hãng xe này cũng đã đưa 800 người dân Phú Yên đang sinh sống ở Đồng Nai lên đường về quê.
Tính đến nay, Tập đoàn Phương Trang - FUTA Group đã tổ chức đưa đón miễn phí hơn 23.500 người ở vùng dịch về quê trách dịch an toàn tại 22 tỉnh thành miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên.
Riêng tỉnh Phú Yên đã phối hợp cùng FUTA Group và Hội đồng hương Phú Yên tại các tỉnh phía Nam tổ chức 25 đợt đưa hơn 13.500 người về quê tránh dịch. Nhà xe Phương Trang cho biết, việc hỗ trợ xe giường nằm chất lượng cao đưa người dân các tỉnh phía Nam về quê vẫn đang tiếp tục.
TTO - Tỉnh Phú Yên trở thành điểm sáng trong công tác chống dịch COVID-19 khi nỗ lực đón gần như toàn bộ người dân tha hương trở về nhà nhưng vẫn đảm bảo khống chế dịch đúng tiến độ.