Người nuôi cá chẽm lồng bè và nuôi ốc hương ở Hà Tĩnh đang rất lo lắng, “mất ăn mất ngủ" chờ khách đến thu mua, dù giá bán đã thấp hơn nhiều so với trước đây.
Ngày 22.9, chị Nguyễn Thị Thành (43 tuổi, trú thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn, Thạch Hà) vẻ mặt đầy lo lắng kể, gia đình hiện có gần 1 tấn cá chẽm nuôi lồng bè gần 2 năm nay đã đến vụ thu hoạch. Thế nhưng, khác với những năm trước có tiểu thương đến tận bè thu mua, năm nay không thấy ai đến mua.
“Vì cá đã đến tuổi thu hoạch nên càng chờ đợi càng tốn kém tiền mua thức ăn. Với lại, đã vào mùa mưa lũ, cống Đò Điệm sẽ xả khi mưa lớn nên chúng tôi rất lo lắng vì sợ cá sốc nước chết hàng loạt như 2 năm trước” - chị Thành trải lòng.
Theo chị Thành, hiện giá cá cũng rẻ hơn trước đây. Cụ thể, nay giá ở mức 100.000 đồng/kg. Trong khi trước đây 140.000 - 150.000đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - cho hay, toàn thôn Sông Hải xã Thạch Sơn có 59 hộ nuôi với tổng gần 350 bè, ô lồng.
Hiện nay gần 25 tấn cá thương phẩm ở xã Thạch Sơn đến thời điểm xuất bán, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ rất khó khăn. Đã vậy, mùa mưa, lũ đã đến nên các hộ nuôi rất lo lắng vì sợ cá chết do sốc nước (cá nước lợ chết vì sốc nước ngọt).
“Để giúp nhân dân sớm tiêu thụ cá giảm bớt khó khăn, nhất là tránh bị thiệt hại do lũ, huyện Thạch Hà đã có công văn gửi sở ngành liên quan đề nghị kết nối với huyện, thị, thành phố và các ban ngành chung tay hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm cá lồng bè cho người dân thôn Sông Hải” - ông Sáu chia sẻ.
Chung tình cảnh do ảnh hưởng dịch COVID-19, hiện người nuôi ốc hương ở xứ Cồn Vạn, xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) cũng rất lo lắng khi không những giá ốc giảm mà còn rất khó khăn trong tiêu thụ.
Hiện giá ốc hương bán sỉ cho thương lái dao động khoảng 130 - 150.000 đồng/kg, trong khi những năm trước giá ốc dao động từ 180 - 200.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh - thông tin, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên việc xuất bán ốc Hương trên địa bàn xã gặp khó khăn dù đã vào vụ thu hoạch với sản lượng khoảng 60 tấn.
“Mùa mưa, bão đã đến nếu việc tiêu thụ chậm thì nguy cơ ốc bị chết là rất dễ xảy ra. Từ đó sẽ thiệt hại lớn cho bà con. Bởi vậy, vừa qua, chúng tôi đã đề xuất huyện, tỉnh, hội nông dân… kết nối tiêu thụ giúp bà con. Dù vậy, việc tiêu thụ vẫn đang khó khăn"- ông Tùng chia sẻ.
Xem thêm: odl.515659-aum-uht-ohc-tam-iom-hnit-ah-o-gnouh-co-eb-gnol-ac-ioun-iougn/et-hnik/nv.gnodoal