Các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: KIỀU NHI
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký quyết định giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm đầu mối tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Tuyến đường Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài khoảng 80km, đi qua các tỉnh, thành: Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang. Hiện mặt đường đoạn từ Cao Lãnh đến Lộ Tẻ đã được thảm một lớp bêtông nhựa dày 7cm.
Còn đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km (địa phận TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang) đã được đầu tư 4 làn xe và đưa vào khai thác đầu năm 2021. Sau khi thông xe, tuyến đường được theo dõi độ lún từ 1 đến 2 năm mới bổ sung bêtông nhựa và khi có chủ trương sẽ nâng cấp thêm các hạng mục để có tiêu chuẩn cao tốc.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9-2021, tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ được đầu tư thành cao tốc với quy mô 6 làn trước giai đoạn 2030.
Tương lai, tuyến đường nêu trên sẽ kết nối với tuyến Mỹ An - Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa - Mỹ An) - là các tuyến cao tốc được đầu tư trong tương lai để tạo thành trục dọc nối từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Từ đó, hình thành nên tuyến cao tốc phía Tây song song với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đến Cà Mau) và cùng với các tuyến cao tốc trục ngang đã được phê duyệt quy hoạch (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) hình thành mạng lưới cao tốc hiện đại, đồng bộ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
TTO - 1.234km đường cao tốc từ TP.HCM đi các tỉnh phía Đông, phía Tây và ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hi vọng một tuyến cao tốc xuyên suốt miền Tây không còn xa.
Xem thêm: mth.11793014132901202-cot-oac-gnoud-hnaht-ios-hcar-et-ol-hnal-oac-neyut-pac-gnan-ut-uad/nv.ertiout