Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Bloomberg, ngày 23-9, PBOC đã bơm tiền lần thứ 4 với 110 tỉ NDT (17 tỉ USD) tiền mặt vào hệ thống tài chính của Trung Quốc thông qua các thỏa thuận mua lại nghịch đảo (mua tài sản với thỏa thuận sẽ bán chúng với giá cao hơn vào một ngày cụ thể trong tương lai) với kỳ hạn 7 và 14 ngày.
Đây là đợt bơm ròng thanh khoản ngắn hạn lớn nhất mà PBOC thực hiện trong vòng 8 tháng qua.
Trước ngày 23-9, PBOC đã bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính 3 lần liên tiếp. Một ngày trước đó (hôm 22-9), PBOC đã bơm ròng 90 tỉ NDT (khoảng 13,9 tỉ USD) vào hệ thống tài chính. Hai đợt bơm thanh khoản trước đó là 17-9 và 18-9.
Tổng cộng 4 đợt, Trung Quốc đã bơm ròmg 300 tỉ NDT (tương đương 46 tỉ USD).
Giới quan sát đoán rằng Bắc Kinh đang hy vọng có thể xoa dịu thị trường giữa khủng hoảng "bom nợ nổ chậm" Evergrande.
Giới chuyên gia cho rằng việc trấn an thị trường đang ngày càng quan trọng, do lo ngại nhiều thị trường trên thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của tập đoàn bất động sản China Evergrande (Hằng Đại).
Việc nhiều người quan tâm hiện nay là liệu Evergrande có thể thanh toán khoản lãi 83,5 triệu USD cho trái phiếu bằng đồng USD kỳ hạn 5 năm vào đúng ngày 23-9 hay không. Loại trái phiếu này sẽ vỡ nợ nếu Evergrande không thể thanh toán lãi trong vòng 30 ngày.
Số lãi 83,5 triệu USD trên là một phần trong tổng số 669 triệu USD lãi trái phiếu của Evergrande đến hạn cho tới cuối năm nay.
Các cổ phiếu của Evergrande niêm yết tại sàn giao dịch Hong Kong đã tăng 32% trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 23-9 - mức tăng cao nhất kể từ năm 2009. Diễn biến này cho thấy giới đầu tư đã tin Evergrande có thể giải quyết nợ, sau khi một đơn vị bất động sản của họ xác nhận sẽ trả lãi trái phiếu trong nước đúng hạn.
Bên cạnh việc xoa dịu thị trường, Bloomberg nhận định chính quyền Trung Quốc cũng có xu hướng nới lỏng thanh khoản vào cuối quý này, do nhu cầu tiền mặt từ các ngân hàng tăng lên. Các bên cho vay cũng cần tích trữ nhiều tiền hơn trước kỳ nghỉ kéo dài một tuần vào đầu tháng 10 tại Trung Quốc.
Ngày 23-9, Hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho năm 2021 và 2022. Nguyên nhân vì tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản đang ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng trong nước của Trung Quốc.
Cụ thể, Fitch dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm nay, thấp hơn so với mức dự đoán 8,4% được đưa ra trong báo cáo hồi tuần trước.
Fitch cũng hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2022 của Trung Quốc từ 5,5% xuống 5,2%.
TTO - Ngày 22-9, Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc (PBOC) đã tuyên bố bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính của Trung Quốc trong ngắn hạn, sau khi thị trường toàn cầu chao đảo vì cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn China Evergrande.