Ngày 24-9 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì cuộc họp thượng đỉnh tại Nhà Trắng với lãnh đạo các nước thành viên nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD) là Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Hãng tin Reuters dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết các lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận thắt chặt quan hệ nội nhóm, thúc đẩy hợp tác thiết thực trong giải quyết các thách thức chung như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, hợp tác phát triển công nghệ - không gian mạng và đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD) tự do, rộng mở.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia phiên thượng đỉnh trực tuyến với
các lãnh đạo thành viên khác của nhóm QUAD hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS
Thêm nhiều trọng trách quan trọng cho QUAD
Là kỳ thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm QUAD kể từ khi cơ chế này được tái kích hoạt hồi tháng 8-2017, sự kiện được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội để các nước thành viên có thể đưa ra được những chương trình hành động chung có lợi cho khu vực.
Trong bối cảnh Trung Quốc (TQ) tiếp tục gia tăng các động thái quân sự gây hấn trên biển, bảo vệ an ninh hàng hải chắc chắn sẽ là trọng tâm bàn bạc của bốn lãnh đạo. Tờ The Japan Times dẫn một số nguồn tin nội bộ cho hay dự thảo tuyên bố chung của các lãnh đạo QUAD về tình hình tại biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ cứng rắn hơn những tuyên bố trước đây.
Cụ thể, tuyên bố sẽ khẳng định QUAD “phản đối mọi ý đồ thách thức và đe dọa trật tự hàng hải dựa trên luật pháp tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Nếu so với tuyên bố chung của kỳ thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 3 khi QUAD chỉ tuyên bố là sẽ “thúc đẩy hợp tác trước mọi thách thức về trật tự hàng hải dựa trên luật pháp” thì đây rõ ràng là một sự thay đổi về lập trường mang tính trực diện hơn, dù chưa rõ TQ có bị nêu đích danh trong văn kiện này hay không.
Ngoài ra, tuyên bố chung lần này dự kiến sẽ còn làm rõ vai trò của QUAD là một “lực lượng đấu tranh chung vì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực”. Nội dung này trước mắt phản ánh rõ điểm nhấn trong chính sách ngoại giao của chính quyền ông Biden so với người tiền nhiệm Donald Trump khi nâng tầm chính trị các cơ chế hợp tác giữa Mỹ và đồng minh trong giải quyết các vấn đề chung, ở đây là sự bành trướng của TQ. Dĩ nhiên, việc dự tính của ông Biden có thành hiện thực hay không vẫn phải chờ các chương trình hành động cụ thể.
Kỳ thượng đỉnh là cơ hội quan trọng để gửi thông điệp đến cộng đồng quốc tế và khu vực là QUAD sẽ thúc đẩy một cách hiệu quả trật tự dựa trên luật pháp, đài NHK dẫn lời Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga trả lời họp báo ngày 23-9 trước khi lên máy bay đến Mỹ dự thượng đỉnh. |
AUKUS và QUAD sẽ hỗ trợ nhau ra sao?
Hồi tuần trước, hai nước thành viên của QUAD là Mỹ và Úc đã cùng với Anh công bố liên minh mới AUKUS (Úc, Anh, Mỹ) ở AĐD-TBD, cùng khuôn khổ hợp tác phần nhiều trong các lĩnh vực quân sự và công nghệ có tính ứng dụng quân sự. Việc tương tác giữa liên minh này với nhóm QUAD sẽ diễn ra như thế nào trong thời gian tới sẽ là chỉ dấu quan trọng để xác định chỗ đứng của QUAD trong khu vực.
Theo tờ Hindustan Times, một số chuyên gia cho rằng AUKUS có thể sẽ đóng vai trò như một liên minh quân sự thực thụ với khả năng phản ứng nhanh với các động thái của TQ ngoài thực địa. Trong khi đó QUAD tiếp tục là cơ chế đối thoại giữa các thành viên trong nhóm và những nước ngoài nhóm đang hoạt động ở AĐD-TBD, nói cách khác là dẹp bỏ ý tưởng biến QUAD thành một tổ chức giống NATO của châu Á.
“Đối với những nước có chính sách ngoại giao trung lập, không chủ chiến như Ấn Độ thì sự tách bạch rõ ràng giữa hai cơ chế này là một sự thay đổi hợp lý bởi lý do ban đầu của nước này chỉ là tìm kiếm những nước cùng chung chí hướng chứ không có ý định liên minh quân sự với bất kỳ bên nào. Nhật thì có thể sẽ thất vọng hơn bởi ngoài Mỹ thì nước này cũng là một bên tích cực vận động để liên minh hóa QUAD vì họ đang đụng độ rất nhiều với TQ ở biển Hoa Đông và rất cần hỗ trợ. Tuy nhiên, với việc quan hệ Nhật - Mỹ vẫn đang ở mức ổn định như hiện nay thì tôi cho rằng có thể sắp tới AUKUS cũng sẽ làm việc chặt chẽ với Nhật về vấn đề an ninh thôi” - TS Rajesh Rajagopalan thuộc ĐH Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) nhận định.•
Nâng cấp chuỗi cung ứng công nghệ nội khối Một vấn đề khác dự kiến sẽ được đề cập trong tuyên bố chung thượng đỉnh QUAD lần này là đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng công nghệ, tránh rò rỉ thông tin công nghệ nhạy cảm giữa các thành viên. Tờ The Nikkei cho biết bốn quốc gia sẽ đạt đồng thuận trên vấn đề “chuỗi cung ứng khỏe mạnh, đa dạng và an toàn cho tất cả sản phẩm phần cứng, phần mềm và dịch vụ” là nhân tố quan trọng đối với lợi ích chung của nhóm. Bốn lãnh đạo cũng sẽ đưa ra những quy tắc chung về phát triển công nghệ theo phương châm “công nghệ cần được thiết kế, phát triển, quản lý và sử dụng tuân theo các giá trị chung về dân chủ và tôn trọng quyền con người”. Chiếu theo các nội dung này, có thể thấy nhóm QUAD ngoài mối quan tâm an ninh còn đang muốn ngăn chặn khả năng TQ gia tăng ảnh hưởng thông qua các biện pháp cạnh tranh không công bằng mà tuyên bố chung đã xác định rõ là sự ép buộc chuyển giao và đánh cắp công nghệ. Đặc biệt, nhóm QUAD còn muốn ra mắt “một sáng kiến chung để xác định rõ năng lực cũng như các điểm yếu trên chuỗi cung ứng công nghệ, củng cố an ninh chuỗi cung ứng chip bán dẫn và những linh kiện quan trọng”. Điều này đặc biệt quan trọng bởi các công ty Mỹ và Nhật hiện chiếm chưa đến 30% tổng năng lực sản xuất chip của toàn thế giới. Dù có ngành công nghệ thông tin rất phát triển nhưng Úc và Ấn Độ bị phụ thuộc nhiều vào chip TQ để đảm bảo nguồn cung, nhất là Ấn Độ. Trong khi đó, các nhà sản xuất chip TQ đang ráo riết đẩy mạnh đầu tư để khắc phục thực trạng phải nhập khẩu hơn nửa lượng chip cần tiêu thụ trong nước. Giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng đã nhiều lần tuyên bố việc phải phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài đối với các công nghệ nhạy cảm như chip bán dẫn là rủi ro an ninh cực kỳ nghiêm trọng. |