Bộ Y tế có đã hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc cách ly tại nhà đối với đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) và quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19 (F0). Theo đó, một trong những vấn đề đáng quan tâm và được các địa phương hướng dẫn cụ thể là việc quản lý rác thải đối với các hộ gia đình có F1, F0.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO), cho biết hiện nay rác thải của các trường hợp F1, F0 cách ly y tế tại nhà do các công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích các quận, huyện thu gom ở những nơi cách ly tại nhà. Sau đó, rác này sẽ được vận chuyển đến địa điểm tập trung của các quận, huyện và CITENCO sẽ đến thu gom, xử lý theo quy định. |
Lo lắng rác thải là nguồn lây lan dịch
Việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch nếu không được thực hiện đúng cách, đúng quy trình có thể là nguồn lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy, nhiều người dân rất lo lắng bởi hiện nay tại TP.HCM có quá nhiều trường hợp F1, F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà.
Chị Phạm Thị Ngọc (quận Tân Phú) cho biết xung quanh khu vực nhà chị ở có rất nhiều trường hợp F0 cách ly tại nhà. Những trường hợp này dù đã được địa phương hướng dẫn phân loại rác nhưng vẫn có tình trạng vài hộ không tuân thủ quy trình, vẫn để rác không đúng cách khiến những người dân sống xung quanh rất lo lắng.
“Chủng Delta lây lan nhanh, chúng có thể tồn tại trên các vật dụng khá lâu, do đó rác thải của người nhiễm bệnh cũng là nguồn lây nhiễm cao. Để tránh lây nhiễm cho người khác, những gia đình có F1, F0 đang cách ly tại nhà nên phân loại rác đúng quy định, xịt khuẩn rác trước khi mang ra khỏi nhà” - chị Ngọc nói.
Rác thải được thu gom mang đến nơi xử lý. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường (ENTEC), trong bối cảnh dịch COVID-19 phát sinh và lây lan trong cộng đồng thì rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 phải được xem là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Loại rác này cần được thu gom và xử lý như rác y tế nguy hại.
Vì vậy, PGS-TS Phùng Chí Sỹ cho rằng trước khi rác thải này được đưa ra khỏi hộ gia đình đang cách ly thì cần phải được phun khử khuẩn. Sau đó, rác thải phải được vận chuyển trên phương tiện khép kín để tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng bởi chủng Delta có thể lây truyền qua đường không khí.
Cam kết phân loại rác
Ông Vương Kiến Tân, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Tân (quận Tân Phú), cho biết đối với những trường hợp F0 có đủ điều kiện cách ly tại nhà thì một trong những nội dung liên quan đến việc cách ly là người dân phải ký cam kết phân loại rác. “Chúng tôi đã hướng dẫn người dân việc phân loại và đa số người dân thực hiện đúng cam kết. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít người dân không thực hiện đúng quy trình, khi người thu gom rác phản ánh phường đã có nhắc nhở những trường hợp này” - ông Tân nói.
Tại quận 1, thời gian qua, UBND quận cũng đã có hướng dẫn rất cụ thể việc phân loại rác đối với những trường hợp F1, F0 cách ly tại nhà. Theo đó, đối với chất thải lây nhiễm, hằng ngày người cách ly y tế tại nhà phải bỏ chất thải lây nhiễm như khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử khuẩn bên trong và mặt bên ngoài túi, buộc chặt miệng túi bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm.
Đối với nhân viên y tế, sau khi thăm khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe cho người cách ly y tế cũng phải thực hiện bỏ găng tay y tế, quần áo bảo hộ vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử khuẩn bên trong và mặt bên ngoài túi, buộc chặt miệng túi bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm.
Thùng đựng chất thải y tế lây nhiễm màu vàng, có nắp đậy, mở bằng cách đạp chân, bên trong có lót túi màu vàng, dán nhãn “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Vị trí đặt thùng rác là ở trong phòng cách ly hoặc phòng riêng tại nhà của người cách ly…
UBND quận 1 cũng đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 chịu trách nhiệm thu gom chất thải phát sinh từ các hộ có F1, F0 cách ly y tế tại nhà, đảm bảo không để tồn đọng chất thải phát sinh do dịch COVID-19 phát sinh trong khu dân cư.•
Giám sát việc thu gom rác thải Để thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, tiếp nhận thông tin phản ánh kịp thời việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế phát sinh tại những điểm cách ly trên địa bàn TP.HCM, Sở TN&MT đã xây dựng phần mềm làm công cụ hỗ trợ công tác này. Hiện phần mềm đã hoàn thành, người dân có thể truy cập để sử dụng tại địa chỉ: http://thugomrac-stnmt.tphcm.gov.vn. Theo Sở TN&MT, phần mềm này cho phép các đơn vị thu gom báo cáo số liệu và gửi hình ảnh tại hiện trường; hỗ trợ việc lập báo cáo khối lượng đã thu gom, gửi hình ảnh tình hình tại các khu điều trị, khu cách ly, tổng hợp, xuất báo cáo kèm hình ảnh. Đơn vị thu gom có thể báo cáo theo ngày, theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện và TP. |