Hàng trăm shipper xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm trên đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức, TP.HCM sáng 24-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là chỉ đạo mới trong cuộc họp khẩn của Sở Công thương TP.HCM với 34 doanh nghiệp (DN) ngay ngày đầu các hãng tự tổ chức xét nghiệm cho shipper đã gây ùn ứ, tập trung đông người, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Giảm tải và đảm bảo an toàn
Giao hàng trên đường Nguyễn Xí (Bình Thạnh) chiều 24-9, ông Nguyễn Văn Thanh - shipper của Be - cho rằng thời gian qua các shipper phải thức khuya dậy sớm, xếp hàng chờ xét nghiệm, vừa tốn thời gian vừa tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh do tập trung quá đông người.
Do đó, việc giao cho các shipper tự test là phương án hay, an toàn dịch bệnh và không mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, cần có hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện việc tự test cho các shipper. "Giờ tôi lấy bộ xét nghiệm ở đâu. Cách tự xét nghiệm rồi cập nhật kết quả như thế nào lên hệ thống cần có sự hướng dẫn cụ thể. Tôi sẽ cố gắng thực hiện" - ông Thanh nói.
Dù bày tỏ vui mừng khi không còn phải chạy 20-30km để đến xét nghiệm như hôm nay, nhưng nhiều shipper cũng bày tỏ lo lắng với yêu cầu tự test và tự chịu trách nhiệm.
"Cho phép shipper, những người không có chuyên môn về y tế, không đào tạo ngày nào, được tự test và tự chịu trách nhiệm không biết có cho ra kết quả chuẩn xác không" - shipper Nguyễn Đình Tùng băn khoăn.
Vào sáng 24-9, ngày đầu tiên DN triển khai xét nghiệm, nhiều shipper phản ứng khi chạy quãng đường từ Bình Chánh, Củ Chi và Bình Tân... với hơn 30km để tới TP Thủ Đức xét nghiệm, chưa kể phải tốn phí 75.000 - 150.000 đồng.
Do không có sự điều phối của các hãng nên đã xảy ra tình trạng chen chúc, xếp hàng dài chờ đợi gây mất an toàn, tăng nguy cơ lây nhiễm.
Chạy từ huyện Củ Chi lên điểm xét nghiệm với quãng đường hơn 30km, ông Thành - một shipper - cho biết dù đến nơi từ 6h sáng để tranh thủ xét nghiệm sớm, nhưng rất bất ngờ khi đã có hàng trăm tài xế xếp hàng dài chờ đợi, chưa kể tình trạng nhốn nháo do nhân viên y tế tới trễ so với giờ hãng thông báo.
Theo ông Thành, do hãng chỉ có 2 điểm xét nghiệm cùng tập trung ở TP Thủ Đức nên nhiều anh em shipper ở các quận huyện khác phải vất vả chạy hàng chục kilômet để đến xét nghiệm.
Nhiều tài xế cho biết các ứng dụng được TP hỗ trợ bộ xét nghiệm nhanh tính theo số lượng shipper đăng ký với tần suất 3 ngày/lần xét nghiệm mẫu gộp 3, nhưng nhiều điểm xét nghiệm lại lấy mẫu riêng.
Do đó, các shipper phải tự chuẩn bị thêm bộ xét nghiệm, khiến chi phí bị đội lên. Trong khi những điểm xét nghiệm lấy phí thấp bị quá tải do tập trung đông shipper, một vài điểm xét nghiệm lấy phí khá cao.
Lo hệ thống tiếp nhận bị chập chờn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các DN cung cấp ứng dụng cho biết rất ủng hộ phương án cho phép các shipper tự xét nghiệm và chịu trách nhiệm để tránh tình trạng quá tải tại các điểm test với nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh như hiện nay.
Tuy nhiên các DN phải làm việc với bên vận hành để lên phương án tổ chức các điểm phát bộ xét nghiệm cho shipper, đồng thời phối hợp với các đơn vị y tế để tổ chức tập huấn cho shipper tự xét nghiệm.
Theo đại diện Gojek, ngay trong ngày 24-9, hãng đã triển khai việc tập huấn cho các shipper quy trình tự xét nghiệm và trả kết quả ngay tại chỗ. Hãng cũng tổ chức phân phối bộ test tại 36 địa điểm, hoạt động từ 6h sáng đến 4h chiều.
Trong khi đó, đại diện Ahamove đề xuất phân phối các bộ xét nghiệm về các trạm y tế phường để shipper có thể đến lấy, mỗi tuần 1-2 bộ xét nghiệm tùy theo tần suất mà cơ quan chức năng yêu cầu.
Dù khẳng định ủng hộ phương án mới này, nhưng đại diện ShoppeFood cũng bày tỏ lo lắng việc cập nhật kết quả xét nghiệm còn nhiều vấn đề.
Trong thực tế, ứng dụng này đã sử dụng cả AI, cả con người để xử lý kết quả xét nghiệm mà shipper gửi về nhưng cũng ghi nhận nhiều bất cập.
Phần mềm của Sở Thông tin và truyền thông hoạt động đôi khi không "mượt", chập chờn, trong khi tốc độ shipper gửi thông tin xét nghiệm là liên tục với hàng nghìn mẫu mỗi ngày.
"Chưa kể thông tin trong phần mềm của Sở Thông tin và truyền thông cũng không được đồng bộ với Công an TP.HCM, trong khi lịch trình đồng bộ cũng chưa rõ ràng" - vị này cho biết.
Sẽ dừng ứng dụng nếu phát hiện vi phạm
Đây là kết luận của giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ tại buổi làm việc với các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ về công tác tổ chức xét nghiệm cho lực lượng giao hàng (shipper) vào ngày 24-9.
Với quy trình này, sau khi hoàn thành việc xét nghiệm, các shipper gửi kết quả cho DN quản lý để tiếp nhận thông tin và cập nhật dữ liệu lên kho dữ liệu dùng chung của TP và các cơ quan chức năng để phối hợp kiểm tra, đảm bảo an toàn cho các lực lượng shipper.
Việc phát các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho lực lượng shipper theo nguyên tắc mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người với tần suất 3 ngày/lần.
Theo ông Vũ, việc giao cho các DN tổ chức phát các bộ xét nghiệm cho các shipper để mỗi shipper tự xét nghiệm, chịu trách nhiệm về tầm soát dịch bệnh của bản thân là phù hợp với tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, nếu phát hiện DN không đảm bảo theo điều kiện quy định hoặc có thông tin phản ánh, cơ quan này sẽ thực hiện ngay biện pháp tạm ngưng hoạt động ứng dụng của DN.
N.BÌNH
Cần cân nhắc giãn thời gian xét nghiệm
Trao đổi với chúng tôi, một số ứng dụng đề nghị chính quyền TP tiếp tục cung cấp bộ xét nghiệm miễn phí sau ngày 30-9, để hỗ trợ giảm tải chi phí cho các DN có quy mô shipper lớn.
Theo các hãng này, với gần 100.000 shipper, nhu cầu bộ test rất lớn, có nguy cơ xảy ra tình trạng khan hiếm, đẩy giá.
Do đó, nếu bắt buộc phải chuyển về DN chi phí này, cơ quan quản lý cần đưa ra mức giá trần, địa chỉ các cửa hàng bán vật tư y tế uy tín nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn cung bộ xét nghiệm, cũng như giá cả ổn định.
Ngoài ra, nhiều DN cũng đề nghị cơ quan chức năng cân nhắc việc giãn tần suất xét nghiệm nhanh COVID-19, dựa trên cơ sở thực tiễn, các yếu tố dịch tễ và độ phủ của vắc xin.
Đặc biệt, các tài xế là F0 khỏi bệnh có thể không cần yêu cầu xét nghiệm định kỳ để không lãng phí nguồn lực và bộ xét nghiệm.
Siêu thị hoạt động dưới công suất vì thiếu shipper
Ngày 24-9, lượng đơn hàng được các siêu thị xử lý và giao đến người tiêu dùng được ghi nhận giảm so với các ngày trước do thiếu shipper, thậm chí nhiều siêu thị đã phải "ngắt" nhận đơn hàng online.
Theo đại diện Central Retail Group, việc thiếu hụt shipper khiến đơn hàng giao đến người dùng chỉ đạt khoảng 60%, số còn lại không thể thực hiện vì không tìm được shipper.
"Chúng tôi chủ yếu dựa vào lực lượng giao hàng là nhân viên của siêu thị nhưng chỉ có thể giao nội quận. Ngay cả lực lượng này cũng không thể hoạt động hết công suất vì chốt chặn ở đường vẫn còn rất nhiều.
Có những đơn hàng trên bản đồ chỉ cần băng qua đường là tới nhưng vì chốt chặn nên phải đi lòng vòng rất mất thời gian" - đại diện quản lý các hệ thống Topsmarket, Go!, Big C Việt Nam cho biết.
Đại diện MM Mega Market cũng cho hay ngoài đội ngũ giao hàng riêng, hệ thống này còn sử dụng lực lượng shipper nhưng hiệu suất không cao do khó tìm được shipper, khiến các đơn hàng online luôn trong tình trạng quá tải.
"Nhu cầu đặt hàng online khá cao nhưng khó giao nên chúng tôi phải chủ động ngưng nhận" - vị này cho biết.
Theo giám đốc kinh doanh hệ thống bán thực phẩm online G.H, dù cửa hàng đã sẵn sàng tăng nhân sự để tăng nguồn cung hàng hóa nhưng không thể đưa hàng đến người dùng.
"Dù được hoạt động đến 21h nhưng sau 18h, hầu hết shipper đều không nhận thêm cuốc mới. Các shipper cũng chỉ nhận giao hàng nội quận chứ không giao hàng liên quận" - vị này nói.
N.BÌNH
TTO - Tại cuộc họp báo chiều 24-9, ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết đã làm việc với 2 doanh nghiệp thu tiền xét nghiệm của shipper. Sở Công thương đề nghị chấm dứt thu phí và sẽ thu hồi kit test.
Xem thêm: mth.51944038052901202-reppihs-ohc-meihgn-tex-iat-maig/nv.ertiout