Shipper Grab nhận bộ xét nghiệm trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10 (TP.HCM) vào ngày 25-9 - Ảnh: N.BẢO
Nhiều shipper cho biết rất thích việc tự xét nghiệm này hơn so với việc xếp hàng xét nghiệm ở các trạm y tế lưu động hay bệnh viện, nhưng việc chờ đợi để có mã QR đi làm cũng khá bất tiện.
Shipper tự ngoáy mũi và chờ kết quả
Sáng 25-9, nhiều tài xế của Grab khá bất ngờ khi nhận thông báo về việc xét nghiệm có trả phí 160.000 đồng/người tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (quận Tân Bình) dù Sở Công thương TP.HCM đã yêu cầu chấm dứt việc xét nghiệm thu phí.
Theo giải thích của Grab, đây là sự chọn lựa thêm cho tài xế chứ không bắt buộc, đồng thời cho biết đang tích cực phân bổ các bộ xét nghiệm tới shipper trên địa bàn để tài xế có thể chủ động tự xét nghiệm và cập nhật kết quả xét nghiệm cho Grab.
Trong khi đó, ứng dụng gọi đồ ăn Baemin cho biết vẫn duy trì xét nghiệm cho shipper của hãng này ở các cơ sở y tế và miễn phí 100%. Ứng dụng này dự kiến tuần sau mới bắt đầu tập huấn, hỗ trợ tài xế tự xét nghiệm.
Theo ghi nhận, hầu hết các ứng dụng nhắn tin vào từng shipper để đến địa điểm gần nhất nhận bộ xét nghiệm. Lần đầu tự xét nghiệm, nhiều shipper cho biết vẫn khá lúng túng khi tự tay ngoáy mũi và thực hiện các khâu để chuyển thông tin lên hệ thống theo đúng quy định.
Anh Nguyễn Anh Tiến - shipper Ahamove - cho hay dù đã được công ty gửi quy trình từng bước để tự xét nghiệm nhưng cảm giác "dợn dợn" khi tự tay cầm dụng cụ ngoáy mũi, khi lấy xong bỏ vào dung dịch đậy nắp lại, đổ nước vào dụng cụ test rồi chờ kết quả.
"Khâu này hồi hộp lắm, hiển thị một vạch là thở phào nhẹ nhõm ngay" - anh Tiến nói và cho hay sau đó chụp hình kết quả để gửi lại công ty, khoảng 1 - 2 tiếng sau được cập nhật mã QR để đi làm.
Sẽ tăng thêm điểm giao bộ xét nghiệm
Ông Nguyễn Việt Linh - giám đốc truyền thông BeGroup - cho biết đã tạm ngưng xét nghiệm tập trung, đồng thời chuyển bộ xét nghiệm tới tài xế theo lịch hẹn chia theo từng quận huyện.
Ngoài ra, ứng dụng này cũng triển khai hướng dẫn cách thức xét nghiệm, tổ chức từng đợt xét nghiệm, giám sát quá trình và xác minh kết quả xét nghiệm, bảo đảm tuân thủ theo đúng các hướng dẫn của cơ quan y tế.
"Chúng tôi sẽ gia tăng thêm nhiều điểm giao bộ xét nghiệm cho shipper trong vài ngày tới" - ông Linh nói. Trong khi đó, Gojek cho biết vẫn duy trì 36 điểm xét nghiệm miễn phí cho shipper đối tác, hoạt động từ 6h sáng đến 4h chiều.
Theo ứng dụng này, việc giao shipper và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với việc xét nghiệm đã giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong cung cấp dịch vụ.
Đại diện Loship cho biết đã ghi nhận hàng ngàn kết quả xét nghiệm do shipper gửi về, trước khi tổng hợp lại để gửi lên hệ thống dùng chung của TP.
Tuy nhiên, do ngày đầu tự tổ chức xét nghiệm nên vẫn có nhiều khó khăn xảy ra như nhiều shipper gặp khó khi di chuyển đến địa điểm phát bộ xét nghiệm, các shipper chưa quen với thao tác test nhanh tại nhà, việc xử lý và nhập dữ liệu còn chậm nên chưa thể trả kết quả kịp thời để các shipper có thể đi giao hàng.
Nên giãn tần suất xét nghiệm lên 5 - 7 ngày/lần
Công tác xét nghiệm COVID-19 đối với lực lượng shipper công nghệ đã thay đổi trong 2 ngày qua.
Nhiều tài xế cho biết đã phải cố gắng để vừa thích ứng vừa đảm bảo việc nhận đơn hàng. Trong khi đó, các ứng dụng tiếp tục kiến nghị nới tần suất xét nghiệm từ 3 ngày lên 5 - 7 ngày/lần cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là khi nhiều shipper đã được tiêm từ 1 - 2 mũi vắc xin.
TTO - Từ 25-9, thay vì xếp hàng tại các điểm xét nghiệm của doanh nghiệp triển khai, các shipper sẽ nhận các bộ test nhanh để tự thực hiện xét nghiệm với tần suất 3 ngày/lần và chịu trách nhiệm về tầm soát dịch bệnh.
Xem thêm: mth.46600837062901202-reppihs-ohc-meihgn-tex-ob-oaig-tur-pag/nv.ertiout