Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo quy định về trách nhiệm tái chế và xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (còn được gọi là Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất - EPR) trong Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường, tuân theo nguyên tắc "Người gây ô nhiễm phải trả tiền" (Polluter Pay Principle - PPP).
Theo Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ 1/1/2022, 6 lĩnh vực đầu tiên thực hiện EPR là bao bì, thiết bị điện, điện tử, săm lốp, ắc quy - pin, phương tiện giao thông. Các sản phẩm bao bì, ắc quy, pin, dầu nhớt, săm lốp thực hiện từ ngày 1/1/2024. Sản phẩn điện, điện tử áp dụng từ ngày 1/1/2025 và phương tiện giao thông thực hiện từ 1/1/2027.
Một khi Luật đi vào thực tiễn, thì các doanh nghiệp thuộc nhiều nhóm ngành sẽ cần bài toán cụ thể về EPR. Về vấn đề này, Người Đưa Tin đã có trao đổi với ông Trần Anh Tấn - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương).
Cách tiếp cận mới cho ngành công nghiệp môi trường
Một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là quy định về EPR. Trước đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên EPR gần như chưa được triển khai trên thực tế tại Việt Nam. Ông có dự báo thế nào về tính hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn?
Ông Trần Anh Tấn: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được Quốc hội thông qua, nhưng đó chỉ là phần khung, còn hiện nay, các Bộ ngành, trong đó chủ chốt là Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Nghị định để ban hành hướng dẫn cụ thể. Và trong đó, trách nhiệm của các Bộ ngành, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp địa phương cũng được quy định rõ ràng.
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này đã phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường, có nhiều cập nhật theo hướng hiện đại, đặc biệt có những điểm mới mang tính đột phá. Trong Luật này, quy định về EPR được thể hiện rõ 2 trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu gồm, trách nhiệm tái chế được quy định tại Điều 54 và trách nhiệm xử lý chất thải được quy định tại Điều 55.
Tôi cho rằng, EPR là một cách tiếp cận mới cho ngành công nghiệp môi trường, được coi là cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam.
ERP yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm cả việc thu gom, tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; tái sử dụng, phục hồi hoặc xử lý cuối cùng. Đây cũng là một trong những phần của tư duy mới về kinh tế tuần hoàn mà chúng ta đang hướng đến. Và nó đúng với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.
Đối với nhóm đối tượng được hướng đến trong quy định này, ông có nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu trong việc triển khai thực hiện?
Ông Trần Anh Tấn: Mỗi doanh nghiệp, dù thuộc nhóm ngành nào đều cần có trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường và cần có trách nhiệm đối với sản phẩm mà mình làm ra.
Tôi lấy ví dụ như sản phẩm bia của ngành công thương, những nhà sản xuất bia cần có giải pháp để thu hồi sản phẩm ở cuối vòng đời. Tức là họ phải có trách nhiệm đối với vòng đời của sản phẩm, dù là vỏ lon hay vỏ chai thuỷ tinh. Tất nhiên, khi thực hiện các quy định thì mỗi sản phẩm của mỗi loại ngành nghề thì bao giờ cũng có giải pháp khác nhau.
Có những sản phẩm là chất thải của ngành này nhưng lại là nguyên liệu đầu vào của một ngành khác, nó cả là một chuỗi sản xuất có điều kiện. Việc thực hiện cần cả một quá trình, doanh nghiệp dần thích ứng mới có thể đánh giá được tính toàn diện. Vì vậy, khi xây dựng quy định thì phải thiết kế cho cả một hệ thống, phải có hướng dẫn rất là cụ thể, cơ chế, chính sách điều chỉnh phù hợp trong Nghị định mới này.
Dẫu vậy, khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực, đòi hỏi rất lớn các doanh nghiệp trong nước phải có những bước đi bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường.
Chính các doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận, thay đổi chiến lược phát triển của mình, xác định phát triển kinh tế phải đảm bảo không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh - sạch - nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
Cần sự quyết tâm của doanh nghiệp
Theo ông, khó khăn, thách thức lớn nhất khi thực hiện quy định EPR sẽ là gì?
Ông Trần Anh Tấn: Thay đổi thì sẽ có khó khăn, nhưng tôi nghĩ, thay đổi để tốt hơn thì nên triển khai. Hiện nay chúng ta có những khó khăn về cơ sở hạ tầng hạ tầng cho quản lý chất thải rắn không theo kịp với tốc độ phát sinh chất thải, lượng phế liệu nhập khẩu lớn hay lượng sản phẩm đã qua sử dụng nhập khẩu lớn… Và thách thức là chính doanh nghiệp có muốn và quyết tâm cùng thực hiện hay không.
Tất nhiên, các Bộ ngành liên quan sẽ có những khuyến khích cho các doanh nghiệp, cùng hỗ trợ, xây dựng chính sách để doanh nghiệp có thể an tâm triển khai.
Như ông đã nói thì trách nhiệm thu gom, tái chế là cốt lõi của hệ thống. Vậy cách thức thực hiện sẽ như thế nào đối với quy định EPR, thưa ông?
Ông Trần Anh Tấn: Đúng là trách nhiệm thu gom, tái chế là cốt lõi của hệ thống, tuy nhiên để việc thu gom, tái chế được thực hiện hiệu quả thì còn có rất nhiều các công cụ hỗ trợ cần được thực hiện một cách đồng bộ.
Có 4 loại hình được đưu ra để doanh nghiệp có thể áp dụng thực hiện: Tự mình thực hiện tái chế; Thuê các đơn vị có chức năng tái chế; Liên kết với nhau thành lập tổ chức đại diện thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để tổ chức hoạt động tái chế; Đóng góp kinh phí cho Quỹ Bảo vệ môi trường để tổ chức tái chế.
Việc thực hiện như thế nào còn phụ thuộc vào từng nhà sản xuất, họ sẽ được lựa chọn từng loại hình phù hợp để có thể chủ động áp dụng triển khai. Tất nhiên, tính minh bạch của hệ thống tái chế trong Quỹ Bảo vệ môi trường cũng cần được cụ thể hoá, điều này thì bộ Tài nguyên và Môi trường cần có đánh giá chi tiết, quy định rõ hơn.
Tựu chung lại thì hiện tại thì chúng ta vẫn đang chờ để có một Nghị định hướng dẫn chi tiết, còn mục tiêu chính sách của quy định này là nhằm thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường.
Đồng thời chia sẻ một phần gánh nặng tài chính cho quản lý chất thải sinh hoạt từ nhà nước sang nhà sản xuất, nhập khẩu. Với EPR, thì chính điều này cũng đẩy mạnh sự công nhận của xã hội đối với những người làm việc trong lĩnh vực tái chế và xử lý rác thải.
Xin cảm ơn ông!
Cần làm rõ cơ chế hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường
Liên quan đến nội dung trên, mới đây, Bộ Công Thương đã văn bản phúc đáp công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, Bộ này đã góp ý kiến về quy định về EPR.
Theo Bộ Công Thương, tại Điều 88, 99, 100, đề nghị làm rõ hơn mô hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng EPR Việt Nam vì sẽ phát sinh thêm bộ máy tổ chức và biên chế, trong khi các nội dung này không được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và điều này sẽ đi ngược với chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế hiện nay.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, cơ quan soạn thảo cần làm rõ cơ chế hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để thực hiện tái chế sau khi doanh nghiệp đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam vì những lý do cụ thể.
Thứ nhất, khi doanh nghiệp nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thì trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ của doanh nghiệp đã chuyển thành trách nhiệm của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Do đó, Quỹ phải có trách nhiệm tái chế, trong trường hợp Quỹ không thể thực hiện tái chế thì cần có quy định về xử phạt vi phạm hành chính hay chế tài tương ứng để yêu cầu Quỹ thực hiện trách nhiệm của mình.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, linh kiện máy móc, tin học, viễn thông, chế phẩm sinh học, xử lý chất thải… thì tái chế không phải là vấn đề khó thực hiện mà vấn đề khó nhất ở khâu thu gom.
Với những lý do nêu trên, Bộ Công Thương đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu kỹ hơn về các quy định EPR để có thể triển khai được trong thực tế.