Tọa đàm "Ai góp ý giơ tay lên" chiều 26-9 có sự tham gia của hàng chục nhà làm phim Việt Nam - Ảnh: MI LY chụp màn hình
Chiều 26-9, tọa đàm "Ai góp ý giơ tay lên" được giới làm phim tổ chức trực tuyến nhằm góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Dự thảo sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10.
Sự kiện quy tụ các nhà làm phim: Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di, Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Thị Bích Ngọc, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Hữu Tuấn...
Bị cấm vì cảnh khỏa thân quá dài, nhưng bao lâu là quá dài?
Cuộc trò chuyện nóng lên xung quanh trường hợp phim điện ảnh Việt Nam mới nhất bị xử phạt và bị cấm phát hành, phim Vị của Lê Bảo, từng đoạt giải tại Liên hoan phim Berlin 2021 (Đức).
Hình ảnh trong phim Vị của đạo diễn Lê Bảo
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, thành viên hội đồng duyệt phim truyện, nói: "Phim Vị là bài học lớn trong công tác của tôi ở hội đồng. Cái hay, cái đẹp của điện ảnh không phải cái khiên để phim không bị cấm. Khi phim không vi phạm những điều cấm trong luật thì vẫn không tránh khỏi bị cấm.
Xếp loại độ tuổi C, C13, C16, C18 cũng không có tác dụng. Khi duyệt, hội đồng nhận ra không thể xếp Vị vào C18 mà cũng không có mức phân loại nào sau C18. Do đó Vị bị cấm".
Cục Điện ảnh từng giải thích phim Vị bị cấm vì "cảnh khỏa thân trực diện kéo dài". Còn chị Điệp cho rằng cảnh khỏa thân dài 30 phút của phim Vị là cần thiết cho nội dung phim.
Theo Bảng tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (có hiệu lực từ 1-1-2017), mức C18 không chấp nhận khỏa thân toàn phần trừ khi "phù hợp với nội dung phim, không kéo dài hoặc lặp lại quá đà".
Thế nhưng, theo chị Điệp, việc "cảnh khỏa thân bao lâu thì được coi là quá dài?" thì không được quy định rõ.
Phim Ròm bị đánh giá ám chỉ chính trị
Phim Ròm từng không được cấp phép và xử phạt vào năm 2019, đến năm 2020 ra rạp. Đạo diễn Trần Thanh Huy dẫn công văn anh nhận được năm 2019, Ròm từng bị đánh giá "mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực".
Trần Thanh Huy nhận được cuộc điện thoại cá nhân từ một thành viên hội đồng duyệt, khuyên nhủ anh cắt sửa phim. Người này cho rằng bối cảnh phim Ròm có "âm hưởng liên đới tới vụ án lớn về giải tỏa, bồi thường đất đai ở Thủ Thiêm".
Ròm mất 8 năm thực hiện và nhọc nhằn ra rạp, từng bị xử phạt - Ảnh: CJ
Để Ròm được ra rạp, đạo diễn phải cắt bỏ một số nhân vật quan trọng. Hậu quả là phim bị khán giả chỉ trích vì các tuyến nhân vật đó quá "trớt quớt". Đạo diễn đề xuất với những trường hợp tranh cãi, cần có bên thứ ba làm trọng tài giữa nhà làm phim và hội đồng.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận định: "Chừng nào còn chưa thấu hiểu thì chừng đó Ròm hay Vị chỉ là 2 trong số những ví dụ mà giới làm phim đã, đang và sẽ trải qua. Có sự vênh nhau giữa cách hiểu giữa nhà làm phim và người thực thi luật. Họ cần có cơ chế đối thoại với nhau".
Phim có nhắc tên Ngô Thanh Vân, phải xin phép cô Ngô Thanh Vân
Về các điều cấm ở Điều 10 (trước đây là Điều 11) của dự thảo, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói: "Những điều cấm này nguy hiểm vì phụ thuộc vào tư duy của người sử dụng luật hơn là bản thân luật".
Anh lấy ví dụ, trước đây phim Việt Nam có Đêm hội Long Trì và Số đỏ có nhiều cảnh khỏa thân, cảnh làm tình trong Thung lũng hoang vắng, những vấn đề thời cuộc trong Lưới trời, Thị xã trong tầm tay… Hiện tại, những phim đó có vượt qua được hội đồng duyệt không?
Về khoản c "không kích động thù hận giữa nhân dân các nước", phim hoạt hình Minions suýt không được chiếu ở Việt Nam vì có cảnh ăn cắp vương miện của Nữ hoàng Anh, bị coi là gây ảnh hưởng đến tình hữu nghị giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Phim "Em và Trịnh" về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh: GALAXY
Một điều cấm khác là "tiết lộ bí mật đời tư cá nhân". Điều này ảnh hưởng lớn đến dòng phim tiểu sử, dựa trên nhân vật có thật. Bản thân Phan Gia Nhật Linh vừa làm phim Em và Trịnh về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Anh nói: "Đời tư cá nhân nào hay chỉ những cá nhân nổi tiếng? Tôi đang làm phim tiểu sử có nhiều nhân vật có thật, chẳng lẽ phải đi xin phép tất cả những người xuất hiện trong phim? Ở Mỹ, giới làm phim có quyền làm phim về nhân vật có thật, miễn không vi phạm sở hữu trí tuệ. Nếu ai đó muốn kiện thì kiện theo luật dân sự, một bộ luật khác chứ không phải luật Điện ảnh.
Trong phim Tiệc trăng máu do tôi sản xuất, nhân vật của Thái Hòa có bạn tên là Thanh Vân. Những người bạn khác đùa: Ủa, Ngô Thanh Vân nhắn tin cho anh hả? Và hội đồng duyệt bắt chúng tôi đi xin phép nữ diễn viên Ngô Thanh Vân để dùng cái tên đó.
Rồi phim nhắc đến tên Ngọc Trinh thì bắt chúng tôi đi xin phép cô Ngọc Trinh mới được phát hành phim. Chuyện này quá vô lý và luật cũng không có chỗ nào quy định rõ".
Duyệt phim "Tiệc trăng máu": có nhắc tên Ngô Thanh Vân, Ngọc Trinh thì phải xin phép - Ảnh: LOTTE CINEMA
Chuyên gia pháp luật Fushihara Hirota (Nhật Bản) cho rằng nếu những người có quyền nhân thân thấy quyền lợi bị ảnh hưởng bởi bộ phim thì có thể trao đổi, "kêu ca" với nhà làm phim.
Nếu họ không kêu, hội đồng cũng không có lý do đánh giá thay họ. Còn với những nhân vật đã qua đời, cách đánh giá thuộc về lịch sử.
Ông Fushihara Hirota chỉ ra rằng từ "xuyên tạc" hiện thực thường xuyên được sử dụng để đánh giá về phim Việt Nam, liệu đó có phải một từ quy chụp?
TTO - Đọc 12 điều cấm nội dung phim ở khoản 1, điều 11 dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi), nhiều nhà làm phim lo ngại vì quá mơ hồ và dễ suy diễn. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn sợ những câu chữ trong luật sẽ biến phim ảnh thành "tội phạm bị bắt oan".