Trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam, có thể khẳng định TP.HCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Việc hạn chế đi lại, hạn chế các hoạt động kinh doanh… sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi toàn bộ người dân trên địa bàn TP được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19.
Đảm bảo nguyên tắc xử lý hành chính
Để các quyết sách được thực thi triệt để, TP.HCM đã sử dụng hai công cụ chính là xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với các trường hợp vi phạm và cấp thẻ xanh cho người đã tiêm vaccine. Những phương thức này là hoàn toàn phù hợp với định hướng “thích ứng an toàn với dịch” mà Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại cuộc họp ngày 25-9.
Lực lượng chức năng phường 9 (quận Phú Nhuận, TP.HCM) lập biên bản xử phạt các trường hợp vi phạm chỉ thị về giãn cách xã hội. Ảnh: HOÀNG GIANG
Không thể phủ nhận hiệu quả của việc xử phạt VPHC đối với hoạt động phòng chống dịch tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Thế nhưng, cá nhân tôi cho rằng việc triển khai các biện pháp xử phạt VPHC cần đảm bảo nguyên tắc được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), đó là chỉ xử phạt VPHC khi có hành vi VPHC do pháp luật quy định.
Quy định này bắt buộc pháp luật phải mô tả chính xác hành vi VPHC, làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền triển khai việc xử phạt. Pháp luật ở đây là các văn bản quy phạm pháp luật, do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Ở góc độ này, các công văn, chỉ thị… của chính quyền không phải là văn bản quy phạm pháp luật và không thể trở thành cơ sở pháp lý để xử phạt VPHC.
Cần sửa luật
Cho đến nay, việc xử phạt VPHC đối với các hành vi vi phạm căn cứ chủ yếu theo Nghị định 117/2020 (quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế).
Tuy nhiên, các quy định tại Điều 12 Nghị định 117/2020 lại chưa quy định cụ thể các hành vi “vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch” gây “bão dư luận” như mua bánh mì, bán rau củ quả, ra đường sau 18 giờ hằng ngày…
Nói cách khác, việc xử phạt VPHC trong giai đoạn này sẽ phụ thuộc vào mức độ xem xét, đánh giá, áp dụng Nghị định 117/2020 của từng địa phương và người có thẩm quyền xử phạt. Điều này dẫn đến việc thiếu hợp tác, không tuân thủ của một bộ phận người dân khi bị cơ quan chức năng xử phạt. Mặt khác, việc này vô hình trung vi phạm nguyên tắc xử phạt được quy định tại Luật Xử lý VPHC.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng cần thiết phải đưa các hành vi được xem là vi phạm về phòng chống dịch (như Chỉ thị 16 đã quy định) vào các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người có thẩm quyền xử phạt thực hiện trách nhiệm chứng minh VPHC theo điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý VPHC. Đồng thời, người dân khi bị xử phạt cũng “tâm phục khẩu phục”, tránh các va chạm không đáng có giữa lực lượng thực thi công vụ với người dân.
Để việc triển khai các công tác trên trở nên đồng bộ hơn, nên chăng Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ khoản 1 Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) để trình Quốc hội quyết định việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Điều này sẽ giúp cho cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để định hướng hoạt động quản lý trong giai đoạn “thích ứng an toàn với dịch COVID-19” mà chúng ta đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới.
(*) ThS ĐOÀN KIM VÂN QUỲNH hiện là giảng viên Khoa luật, Trường ĐH Văn Lang