vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyên gia góp ý các tiêu chí thích ứng an toàn với COVID-19

2021-09-27 09:24

Trong cuộc họp trực tuyến hôm 25-9, Ban chỉ đạo (BCĐ) quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và hơn 10.000 xã, phường trên cả nước đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, nhận xét: Đây là bước thay đổi có tính chất chiến lược đối với Việt Nam trong phòng chống dịch. Thực tế, chi phí phục vụ mục tiêu “zero COVID” là rất cao và cũng không khả thi. Vì vậy, mục tiêu mới của Chính phủ có thể giúp Việt Nam vừa sống chung với virus SARS-CoV-2 và vừa mở cửa sản xuất trở lại để phục hồi kinh tế.

Chuyên gia góp ý các tiêu chí thích ứng an toàn với COVID-19 - ảnh 1

Chỉ tiêu vaccine: Cần có lộ trình phù hợp với từng địa phương

. Phóng viên: Hiện BCĐ quốc gia đã có dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để các địa phương có đóng góp ý kiến. Ông có nhận xét, góp ý gì cho tiêu chí vaccine của dự thảo này?

 + PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Trước tiên là chỉ số tiêm vaccine cho người từ 50 tuổi trở lên. Tôi cho rằng đây là một tiêu chí hoàn toàn hợp lý, thể hiện rõ mục đích bảo vệ người cao tuổi, có bệnh lý nền giảm nguy cơ nhiễm bệnh, trở nặng, nhập viện và tử vong. Theo ước tính thì người trên 50 tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất (chiếm tới 85% tổng số ca tử vong vì COVID-19). Vì vậy, chỉ tiêu vaccine cho nhóm này làm rõ định hướng “sống chung an toàn” với virus gây bệnh.

Với chỉ tiêu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm vaccine thì tôi cho rằng đó là kỳ vọng đúng, thậm chí khi nguồn vaccine dồi dào thì cần phủ 100%. Tuy nhiên, tôi băn khoăn có nhiều địa phương cần thêm thời gian, nguồn cung vaccine để đạt chỉ tiêu này (vì lâu nay chúng ta chủ yếu tập trung cho nhóm trên 65 tuổi, có bệnh lý nền). Tôi khuyến nghị rằng Chính phủ và Bộ Y tế cần xem xét có lộ trình phù hợp với các địa phương, ví dụ trước mắt áp dụng 50% cho người trên 50 tuổi và sau đó từ từ mở rộng biên độ ra; đồng thời cũng cần xem xét các F0 từ 50 tuổi trở lên đã khỏi bệnh cũng thuộc nhóm đã tiêm vaccine.

. Trong dự thảo lần này có đề cập đến chỉ số lây nhiễm mới trên 100.000 dân. Khi chuyển đổi từ “zero COVID” sang sống chung an toàn với virus thì chỉ số này sẽ có ý nghĩa như thế nào và cần được đánh giá ra sao?

+ Chỉ số ca nhiễm mới là một chỉ số quan trọng. Ca nhiễm tăng nhanh thì có thể phát sinh thêm các ca khác và tỉ lệ trở nặng, tử vong đều có thể tăng theo. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ dựa vào con số này để quyết định mức độ giãn cách thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể mở cửa trở lại được. Vì vậy, tôi đồng tình với dự thảo lần này của BCĐ khi áp dụng tiêu chí này song song với các tiêu chí về độ phủ vaccine cũng như năng lực chữa trị của hệ thống y tế. Điều đó sẽ cho chúng ta thấy một bức tranh tổng quan để quyết định mức độ mở cửa để phục hồi kinh tế.

Chuyên gia góp ý các tiêu chí thích ứng an toàn với COVID-19 - ảnh 2

Hệ thống chữa trị: Chắc tuyến dưới, bọc lót từ tuyến trên

. Một trong các tiêu chí trong dự thảo lần này là ôxy y tế và trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng. Ông nhận xét như thế nào về tiêu chí này?

+ Đa số F0 sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ cần được ngành y tế hướng dẫn để chăm sóc tại nhà hoặc các cơ sở y tế cấp phường, xã… Tuy nhiên, nếu không làm tốt tuyến này thì khi nhập viện hồi sức cấp cứu, cơ hội cứu chữa sẽ khó khăn. Theo quan sát của tôi ở Trung tâm hồi sức BV Bạch Mai tại TP.HCM, cứ 10 ca bệnh nhân COVID-19 chuyển đến cấp cứu ở giường ICU thì may mắn lắm mới cứu được hai ca. Vì vậy, các phương án về ôxy, thiết bị theo dõi hay các đội phản ứng nhanh ở tuyến cơ sở là rất quan trọng. Tuy nhiên, mỗi địa phương khi triển khai cũng cần nắm bắt tình hình để có thể linh hoạt và đạt hiệu quả.

Thứ nhất, ở một số địa phương như TP.HCM, có những phường, xã có dân số đông trên 100.000 dân (như huyện Bình Chánh, quận Bình Tân); trái lại, có những phường, xã mật độ dân số thấp. Vì vậy, nếu dịch bùng phát thì nơi đông dân có thể thiếu ôxy nhưng nơi ít dân thì thừa ôxy. Vì vậy, khi triển khai thực tế thì lãnh đạo địa phương phải có sự phối hợp, đánh giá và điều phối nhịp nhàng.

Bên cạnh đó, chăm sóc tại nhà hay các cơ sở y tế địa phương là rất quan trọng nhưng rất cần sự bọc lót ở tuyến trên, tức tầng 2. Lý do là nếu số ca F0 tăng đột biến và tầng 1 không thể hỗ trợ vấn đề hô hấp đủ thì bệnh nhân có thể trở nặng. Hơn thế nữa, hệ thống chăm sóc ở tầng 2 mang tính toàn diện và đầy đủ, liên tục hơn là một trạm y tế hay trạm cấp cứu ở phường, xã. Điều đó giảm thiểu ca chuyển nặng cần phải lên đến tầng 3 - vốn khó có khả năng cứu chữa và tỉ lệ tử vong cao hơn rất nhiều.

. Còn về chỉ số giường hồi sức cấp cứu (ICU) chiếm 2% số ca nhiễm, ông có nhận xét gì không, thưa ông?

+ Số giường ICU nếu nhiều thì điều đó cũng tốt, vì ngưỡng chịu đựng lớn thì sức khỏe của hệ thống y tế cũng tốt, nhất là khi số ca trở nặng cao. Tuy nhiên, đầu tư vào ICU sẽ tốn kém nguồn nhân lực và vật lực, thậm chí cũng có thể khiến các địa phương có tâm lý lơ là đầu tư cho tuyến dưới - vốn có vai trò “đánh chặn từ xa” rất quan trọng. Với dự thảo, tôi cho rằng con số 2% là hợp lý trong điều kiện chúng ta có thể giám sát hiệu quả các ca bệnh mới. Tôi lấy ví dụ về Singapore, số giường ICU hiện nay của họ vào khoảng 350 giường (với dân số gần 6 triệu người). Vì vậy, với TP.HCM thì con số 2% là phù hợp.

Ba vai trò trọng tâm từ Chính phủ

. Thưa ông, ở góc độ Chính phủ thì ngoài việc ban hành một hướng dẫn chung để các địa phương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì với đặc thù dịch bệnh và điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau của từng địa phương, Chính phủ nên tạo điều kiện như thế nào để có thể triển khai chính sách bình thường mới tới đây được hiệu quả?

+ Tôi nghĩ trước tiên là vai trò thu hút nguồn cung và phân phối vaccine một cách hiệu quả từ Chính phủ. Cá nhân tôi nhận thấy Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều để “ngoại giao vaccine”, tận dụng các nguồn viện trợ, mua bán từ các nước khác để có vaccine. Theo tôi, vaccine nên được ưu tiên cho các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nhưng phải đóng cửa vì giãn cách lâu ngày như TP.HCM. Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế giám sát địa phương, đảm bảo việc tiêm vaccine cho đúng đối tượng ưu tiên (người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh lý nền). Khi vaccine còn khan hiếm thì có nguồn vaccine nào an toàn, hiệu quả là triển khai dùng ngay vaccine đó.

Về năng lực điều trị, Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích Bộ Y tế và các địa phương chủ động trong hợp tác y tế, điều phối nguồn lực về chuyên môn, y bác sĩ, hạ tầng y tế… để đảm bảo tối ưu hóa các nguồn lực. Mặt khác, việc thu thập dữ liệu và giám sát tình hình dịch bệnh, sự xuất hiện các biến chủng mới của virus (nếu có) cũng rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến tỉ lệ lây nhiễm, nhập viện và tử vong.

Quan trọng không kém, các chính sách đưa ra cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành và địa phương. Tránh trường hợp mở ngành này nhưng đóng ngành khác khiến chính sách không thể phát huy hiệu quả.

. Xin cám ơn ông.

TP.HCM cần được cân nhắc quy định riêng để mở cửa trở lại

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa kinh tế. TP cũng kiến nghị Thủ tướng quan tâm ưu tiên vaccine cho TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tôi cho rằng cơ chế ưu tiên là điều đáng được xem xét và thực tế Chính phủ cũng đã và đang làm như vậy. Nơi nào dịch bệnh nhiều, nguy cơ cao thì cần được ưu tiên vaccine, không chỉ để giúp TP mà còn ngừa việc lây nhiễm sang các địa phương khác. Tuy nhiên, khi ưu tiên thì cần chú ý tập trung nhóm người 50 tuổi trở lên. Khi TP đã tiêm đủ cho nhóm người 50 tuổi trở lên thì Chính phủ tiếp tục ưu tiên cho nhóm yếu thế này ở các địa phương khác.

Ngoài ra, TP.HCM có những yếu tố đặc thù. TP này là đầu tàu kinh tế, có ảnh hưởng đến hệ thống sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và GDP của cả nước. Tuy nhiên, TP đã giãn cách kéo dài suốt gần bốn tháng qua. Khi vaccine còn khan hiếm nhưng nhu cầu mở cửa trở lại cấp bách thì tôi nghĩ cơ chế riêng để mở cửa - chấp nhận rủi ro có thể hơi cao hơn một chút so với các địa phương khác là điều đáng cân nhắc. Bởi vì khi TP mở cửa và phục hồi thì các địa phương khác cũng có đà để phục hồi. Ngoài ra, tôi nghĩ hiện TP có lẽ đang ở cấp độ 2 (theo dự thảo của BCĐ), đồng thời chính quyền và các sở, ban, ngành TP cũng đã có những bước đi thận trọng để TP có thể dần mở cửa trở lại an toàn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại. PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG


 

GÓC NHÌN

TS NGUYỄN THU ANH, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc):

TP.HCM cần nhanh chóng tiêm 1 triệu mũi vaccine để mở cửa

Điều quan trọng nhất là tới đây, làm thế nào các tỉnh, thành có thể đảm bảo được các tiêu chí mà Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 dự kiến đề ra để có thể mở cửa trở lại an toàn. Điểm mấu chốt hiện nay là vaccine đang và dự báo sẽ tiếp tục khan hiếm trong năm 2021, trong khi về tâm lý thì tỉnh, thành nào cũng muốn có vaccine để sớm tiêm phủ cho người dân. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Y tế buộc phải lên danh sách ưu tiên. Việc này đòi hỏi sự tính toán kỹ về rủi ro và lợi ích trong các phương án phân bổ vaccine cũng như sự đồng cảm, chia sẻ của các địa phương khi có nơi ưu tiên tiêm trước, có nơi tiêm sau.

Nguyên tắc là nên dồn vaccine cho các địa phương vùng đỏ, vùng cam đã thực hiện chính sách giãn cách quá lâu. Trước tiên là TP.HCM, địa phương này đang cần tiêm gấp 1 triệu liều vaccine. Trước hết, TP đến hết tháng 9 đã trải qua khoảng bốn tháng giãn cách thì đến nay không thể tiếp tục đóng cửa nữa.

Chuyên gia góp ý các tiêu chí thích ứng an toàn với COVID-19 - ảnh 3

Ngoài ra, TP là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đi đầu về các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu; là trung tâm tài chính - thương mại có ảnh hưởng đến các tỉnh, thành xung quanh và cả nước nói chung. TP cũng là địa phương đóng góp ngân sách cao nhất cả nước, là nơi thu hút nguồn nhân lực từ khắp mọi miền. TP.HCM thiệt hại nặng tức là các tỉnh, thành khác cũng bị ảnh hưởng và cả nước bị thiệt hại nặng, bởi TP là một bộ phận rất quan trọng của Việt Nam.

Quan trọng không kém, hiện nay đã đến hạn tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 từ tháng 7 và đầu tháng 8. Vì vậy, việc triển khai mũi 2 sẽ rất thuận lợi. Bên cạnh đó, TP.HCM thời gian qua nhận vaccine từ nhiều nguồn khác nhau và đa dạng chủng loại, từ AstraZeneca, Moderna đến Pfizer, Sinopharm. Để tiến độ tiêm tối ưu và phù hợp thì tôi cho rằng nên tập trung vaccine Pfizer và Moderna cho mũi tiêm thứ hai nếu đủ. Nếu thiếu thì có thể bổ sung AstraZeneca. Những ai tiêm Vero Cell mũi 1 thì có thể tiêm mũi 2 cùng loại…

uy nhiên, TP không thể mở cửa một mình vì như tôi đã nói, TP là trung tâm kết nối các tỉnh, thành xung quanh như như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh. Vì vậy, vaccine cần được tính toán cho người từ 50 tuổi trở lên ở các địa phương này, sau đó mở rộng ra cho các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo tính toán của tôi, chúng ta cần tổng cộng 4,3 triệu liều vaccine. Số lượng vaccine này sẽ phục vụ cho khu vực đóng góp đến 45% GDP của cả nước. Tôi cho rằng đây là bài toán kinh tế và sinh kế cực kỳ quan trọng mà Chính phủ và Bộ Y tế có thể xem xét quyết định sớm để đảm bảo mục tiêu phục hồi kinh tế cho cả nước.

Xem thêm: lmth.1297101-91divoc-iov-naot-na-gnu-hciht-ihc-ueit-cac-y-pog-aig-neyuhc/us-ioht/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyên gia góp ý các tiêu chí thích ứng an toàn với COVID-19”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools