Trước đó, HA Gia Lai của bầu Đức và ít nhất sáu CLB khác gồm B. Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Nam, SL Nghệ An, Nam Định và Phố Hiến từ cuối tháng 8 đã gửi công văn yêu cầu VPF tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Các cổ đông đã tập trung vào hai nội dung chính là bầu lại các chức danh lãnh đạo VPF và công khai tài chính.
Mọi chuyện xuất phát từ việc VPF hoãn giải kéo dài và đề xuất duy nhất phương án cho các giải vô địch quốc gia tiếp tục trở lại vào tháng 2-2022 (đặc biệt là V-League đã kết thúc 12 vòng đấu) nhưng thiếu sự sâu sát tâm tư, nguyện vọng của CLB. Sau nhiều cuộc họp, Thường trực VFF đã quyết định hủy giải khiến các CLB bị động.
HA Gia Lai, SL Nghệ An là hai trong các CLB đề nghị đại hội VPF để bầu lại các chức danh. Ảnh: PHƯƠNG NGHI
Đội bóng của bầu Đức nói rõ: “Chúng tôi nhận thấy HĐQT, Ban điều hành VPF không sâu sát diễn biến tình hình thực tế nên đưa ra các quyết định không hợp lý... Trong quá trình trao đổi với lãnh đạo các CLB, Ban điều hành VPF thiếu sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ nguyện vọng chính đáng của các CLB; công tác vận động tài trợ chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong tiến trình xây dựng, phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
HA Gia Lai đề nghị HĐQT Công ty VPF triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường để thực hiện các vấn đề sau: Kiện toàn bộ máy, lựa chọn lãnh đạo phù hợp để quản lý, điều hành VPF; chấn chỉnh lại những mặt yếu kém, thiếu sót trong việc quản lý, điều hành, vận động tài trợ, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn... với mục tiêu đưa các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ và bền vững”.
Tuy nhiên, VPF ngày 26-9 đã gửi công văn bác bỏ những đề nghị của CLB về việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường có nội dung: “Việc yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường của quý cổ đông không đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 3, 4 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 3 Điều 24 Điều lệ Công ty VPF. Do đó, yêu cầu của quý cổ đông không thuộc trường hợp triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường của HĐQT Công ty VPF”.
VPF chủ yếu dựa vào khoản 3 Điều 24 Điều lệ Công ty VPF quy định: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp: HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.
Theo đó, yêu cầu đại hội cổ đông phải thỏa mãn các nội dung về tư cách pháp nhân, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỉ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty... thì cần phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của HĐQT, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.
Sau khi “nắn gân” bầu Đức và các cổ đông, VPF còn nhấn mạnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, vì vậy tất cả cổ đông nên đoàn kết, cùng chung tay xây dựng công ty vượt qua khó khăn, giúp các giải chuyên nghiệp quốc gia ngày càng tốt lên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về phản ứng của các CLB về quyết định mới nhất của VPF.•